Liên hợp quốc báo động về tình trạng nô lệ hiện đại

GD&TĐ - Khoảng 50 triệu người bị mắc kẹt trong tình trạng lao động cưỡng bức hoặc kết hôn cưỡng bức vào năm 2021 - một báo cáo mới tiết lộ.

Liên hợp quốc báo động về tình trạng nô lệ hiện đại

“Báo cáo ước tính toàn cầu về nô lệ hiện đại” do Tổ chức Lao động Quốc tế của Liên hợp quốc, Tổ chức Di cư Quốc tế và nhóm nhân quyền quốc tế Walk Free công bố hôm 12/9 cho thấy, có khoảng 50 triệu người trên toàn thế giới bị kẹt trong tình trạng nô lệ vào năm 2021. Trong đó bao gồm 28 triệu người bị cưỡng bức lao động và 22 triệu người trong hôn nhân ép buộc.

Con số trên đã tăng khoảng 10 triệu người (tương đương 25%) so với số liệu công bố vào năm 2016. Đây là kết quả từ cuộc điều tra của ILO tại hơn 180 quốc gia.

Nghiên cứu dẫn ra các cuộc khủng hoảng tăng cường như một lý do cho sự gia tăng đáng kể trên. Trong đó có đại dịch Covid-19, xung đột vũ trang và biến đổi khí hậu. Các cuộc khủng hoảng này đã “dẫn đến sự gián đoạn chưa từng có đối với việc làm và giáo dục, gia tăng tình trạng nghèo cùng cực, di cư cưỡng bức và không an toàn, đồng thời gia tăng các báo cáo về bạo lực trên cơ sở giới.

Theo ước tính của các tác giả, phụ nữ và trẻ em gái lần lượt chiếm 11,8 triệu và hơn 14,9 triệu trong tổng số lao động cưỡng bức và hôn nhân cưỡng bức. Hơn 3,3 triệu trong số tất cả những người bị lao động cưỡng bức là trẻ em.

Hơn một nửa số lao động bị cưỡng bức ở các nước có thu nhập trên trung bình hoặc thu nhập cao. Người lao động nhập cư dễ bị cưỡng bức lao động hơn gấp 3 lần so với những người lao động khác.

Cho rằng vấn đề trên ảnh hưởng đến tất cả các khu vực, nghiên cứu trên lưu ý khu vực Châu Á và Thái Bình Dương có số người bị cưỡng bức lao động cao nhất. Trong khi đó tỷ lệ lao động cưỡng bức và hôn nhân cưỡng bức cao nhất ở các quốc gia Ả Rập.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ