Ninh Bình tăng cường nguồn lực phát triển giáo dục mầm non

GD&TĐ - Để tăng cường các điều kiện bảo đảm huy động trẻ mầm non đến trường, Phòng GD&ĐT thành phố Ninh Bình đã yêu cầu các trường mầm non triển khai một số nội dung quan trọng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trước hết, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các Kế hoạch của tỉnh, thành phố về phát triển giáo dục mầm non đến năm 2025. Rà soát, tham mưu quy hoạch, phát triển mạng lưới trường lớp mầm non theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hoá.

Đẩy mạnh các giải pháp phát triển cơ sở giáo dục mầm non, hệ thống nhóm trẻ/lớp mẫu giáo/lớp mầm non độc lập trên địa bàn gắn với quy hoạch tổng thể chung về giáo dục mầm non tại địa phương đáp ứng nhu cầu đưa trẻ tới trường của nhân dân.

Thực hiện các chính sách về xã hội hóa giáo dục, tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục mầm non theo Kế hoạch số 109 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 35 của Chính phủ;

Các trường cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục mầm non theo quy định; khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp tham gia phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc phát triển giáo dục mầm non. Thực hiện tốt các chính sách phát triển giáo dục mầm non theo Nghị quyết của tỉnh. Thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với giáo viên ở các loại hình cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn phường, xã theo đúng quy định của nhà nước.

Tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Bảo đảm cơ sở vật chất cho Chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025” theo Kế hoạch số 11 của UBND tỉnh.

Quan tâm ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất để bảo đảm tỉ lệ 1 phòng học/1 lớp; bảo đảm sĩ số trẻ em/nhóm, lớp; nâng cao tỷ lệ phòng học kiên cố, xóa phòng học tạm, nhờ; quan tâm bố trí kinh phí mua sắm thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi tối thiểu cho các các nhóm, lớp.

Tổ chức đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn so sánh với mục tiêu tại Kế hoạch số 116 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Quyết định số 1677 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển giáo dục mầm non tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2018-2025.

Đề xuất các giải pháp khả thi, phù hợp để triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt quan tâm đánh giá, bổ sung các điều kiện để chuẩn bị cho việc xây dựng và triển khai Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo 3 tuổi, 4 tuổi và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi.

Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non. Tham mưu bổ sung giáo viên còn thiếu, bảo đảm đủ định mức giáo viên trong các trường mầm non theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06 của Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ và theo chủ trương của Chính phủ nêu tại Nghị quyết số 102 theo tinh thần “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ