Nigeria: Nhiều trường học đóng cửa vì lũ

GD&TĐ - Hồi đầu tháng 9, ít nhất hai trường đại học tại bang Borno, Nigeria, phải dừng hoạt động do ảnh hưởng nặng nề từ lũ lụt.

Mưa lũ lớn khiến các tuyến đường tại Nigeria chìm trong biển nước.
Mưa lũ lớn khiến các tuyến đường tại Nigeria chìm trong biển nước.

Hiện tại, khoảng 200 nghìn người dân Nigeria vẫn trong tình trạng đi di dời.

Sau trận lũ lịch sử diễn ra vào đầu tháng 9, Đại học Maiduguri (UNIMAID) cùng Bệnh viện Đại học Maiduguri và Đại học Bang Borno, Nigeria, bị “đóng băng” hoạt động khi tuyến đường di chuyển và cơ sở vật chất đều hư hỏng nghiêm trọng. Điều này gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục của thầy và trò các trường.

Người đại diện của Đại học Maiduguri cho biết: “Số lượng nhân viên nhà trường và sinh viên phải di dời và bị ảnh hưởng do lũ rất cao. Thảm họa nghiêm trọng này đã buộc nhà trường phải dừng mọi hoạt động nhằm đảm bảo an toàn”.

Anh Imran Ridwan, sinh viên năm cuối ngành Luật, bộc bạch: “Ảnh hưởng nghiêm trọng từ cơn lũ khiến chúng tôi không biết khi nào được trở lại trường học. Chúng tôi hy vọng sẽ không mất nhiều thời gian và kịp tốt nghiệp năm nay”.

Cách đây 30 năm, Nigeria cũng phải đối mặt với trận lũ có sức tàn phá tương tự, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục. Nguyên nhân chính là do mưa lớn khiến đập Alau phải xả nước liên tục.

Ông Ambali Abdulkabeer, chuyên gia giáo dục và chính sách công, chia sẻ: “Chính phủ Nigeria cần có trách nhiệm trong việc ngăn ngừa thảm hoạ tiếp theo. Nếu không, nhiều học sinh và người dân sẽ tiếp tục là nạn nhân của các thảm hoạ thiên nhiên”.

Chuyên gia này cảnh báo sau khi lũ quét qua đi, các trường cũng phải nhanh chóng tìm cách bù đắp cho sinh viên khi chương trình học bị chậm trễ, kết quả học tập giảm sút. Ngoài ra, nhiều sinh viên sẽ bị tổn thương nặng nề về sức khoẻ thể chất và tinh thần.

Biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành giáo dục các nước. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, năm 2022, ước tính 400 triệu học sinh trên toàn thế giới phải nghỉ học do thời tiết khắc nghiệt.

Đến năm 2024, một đứa trẻ 10 tuổi phải trải qua số trận lũ lụt nhiều gấp 3 lần, số trận hạn hán nhiều gấp 5 lần và số đợt nắng nóng nhiều gấp 36 lần so với trẻ sinh năm 1970.

Ngay cả khi trường học không đóng cửa, giáo dục vẫn bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Ví dụ, ở Brazil, học sinh ở 50% những thành phố nghèo nhất không có thiết bị sưởi ấm trong lớp học, gây ảnh hưởng đến khả năng tập trung hoặc cơ hội đến trường.

Trong tháng 9 qua, mưa lũ đã diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới, từ châu Phi, châu Á đến Mỹ khiến nhiều trường học phải đóng cửa, học sinh không thể đến trường.

Mưa lớn gây ra lũ lụt tồi tệ nhất tại Nigeria trong nhiều thập kỷ, khiến hơn 200 nghìn người dân phải di dời. Nhiều người vẫn đang mất tích. Hầu hết nhà cửa, đất đai hoa màu đều bị phá huỷ. Trong đợt lũ lớn, sinh viên bị gián đoạn học tập và không thể mua nhu yếu phẩm, phải trông đợi vào những đợt cứu trợ.

Theo University World News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những đứa trẻ mồ côi sau cơn bão dữ

Những đứa trẻ mồ côi sau cơn bão dữ

GD&TĐ -Cơn bão số 3 càn quét qua huyện vùng cao Nguyên Bình đã đẩy nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh ly tán, nhiều đứa trẻ bơ vơ khi mất người thân.