Người hiến là phụ nữ trẻ, sinh viên…ở trong hoàn cảnh không một xu dính túi.
Đôi bên cùng có lợi
Vào một buổi chiều nóng nực tháng 10/2019, Joan òa khóc trong một phòng khám tư nhân ở Mokola, Nigeria. Một tuần trước, cô bắt đầu tiêm hormone kích trứng nhằm đẩy mạnh quá trình phát triển đến giai đoạn trưởng thành để hiến.
Joan cảm thấy hơi khó chịu sau buổi khám và chỗ bị tiêm hormone ở bụng dưới gây đau nhưng cô khóc vì thái độ thô lỗ của nam bác sĩ. “Khi bác sĩ vào khám, tôi hỏi có thể thay bằng bác sĩ nữ không vì lần đầu tiên tôi được bác sĩ nữ khám. Anh ta nổi giận, nói rằng không có bác sĩ nữ nào trực”, Joan kể.
Lúc này, Joan gần như sắp khóc. Bác sĩ kia dọa sẽ không khám và đuổi cô ra ngoài. Joan đã nghĩ đến chuyện đi về nhưng một y tá nữ đã thuyết phục cô ở lại. “Cô ấy an ủi, bảo tôi xin lỗi anh ta để hoàn thành việc tiêm và thuốc không bị lãng phí. Vì thế, tôi đành xin lỗi”, Joan nói và tiếp tục bán trứng của mình cho phòng khám tư.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Joan làm quản lý dự án và được trả lương cao. Nhưng cô không cảm thấy hạnh phúc với công việc này nên nghỉ việc sau 5 tháng. Joan nhanh chóng tiêu cạn số tiền tiết kiệm, cảm thấy chán nản và phải vật lộn tìm công việc khác. Khi kể câu chuyện của mình cho một người bạn là sinh viên y khoa, Joan được gợi ý hiến trứng tại một phòng khám hiếm muộn. Tùy địa điểm, các phòng khám thường trả từ 195 - 365 USD cho mỗi lần hiến.
Joan đã đến một phòng khám tìm hiểu thêm thông tin. “Tôi cảm thấy công việc này đôi bên cùng có lợi vì có những phụ nữ khó có con. Tôi có thể giúp họ và vẫn được trả tiền”, cô nói.
Quy trình sàng lọc và thủ tục đủ điều kiện khác nhau tùy từng phòng khám. Với trường hợp của Joan, cô được lấy máu, xét nghiệm kiểu gen, HIV, viêm gan, kiểm tra sức khỏe và tiền sử bệnh. Joan được tiến hành vào thời điểm khởi đầu của chu kỳ kinh nguyệt.
Quá trình từ khi bắt đầu tiêm hormone đến khi lấy trứng mất 13 - 15 ngày. Có hai loại tiêm và cả hai đều nhằm kích trứng. Ngoài tiêm tại bệnh viện, Joan phải tự tiêm vào bụng ngay dưới rốn mỗi ngày. Sau một tuần, cô quay lại kiểm tra xem trứng đã phát triển như thế nào.
“Khi tôi đến phòng khám, họ kiểm tra và nói rằng tôi đã có khoảng 7 trứng rồi. Nếu tôi tiêm thêm 5 - 6 ngày nữa thì có thể tăng gấp đôi số trứng và tăng cơ hội”, Joan nói. Đó là lúc cô có cuộc gặp gỡ khó chịu với bác sĩ. Mặc dù đã đi được nửa chặng đường, Joan bị những cơn đau đầu do tác dụng phụ của tiêm hormone. Cô muốn từ bỏ nhưng không thể vì đang cần tiền.
Xoay xở để có tiền
Tỷ lệ thất nghiệp ở Nigeria là 33,3% vào năm 2020 nhưng con số này đang tăng đều đặn. Cùng với đó, lạm phát cao ảnh hưởng tiêu cực đến sự biến động kinh tế của nhiều người. Vậy nên, nhiều người trẻ làm những việc họ thường không nghĩ đến.
Esther, thợ làm bánh 26 tuổi tại Lagos, đã bán trứng 6 lần kể từ tháng 2/2020, mặc dù chuyên gia sinh sản khuyến cáo chỉ nên hiến trứng 6 lần trong đời. Nhưng mức lương tối thiểu do Chính phủ Nigeria quy định là 73 USD một tháng còn một lần bán trứng rẻ nhất cũng được gần 3 tháng lương. Vì thế, nhiều người sẵn sàng chấp nhận rủi ro.
Lần hiến tặng đầu tiên Esther được trả 243 USD thông qua một đại lý. Các lần sau vì đã qua vòng tuyển dụng và sàng lọc nên cô có thể bán trực tiếp cho các phòng khám tư nhân liên kết với đại lý này. Nhờ đó, Esther thu được 292 USD mỗi lần. Phòng khám còn có một lối vào riêng cho người hiến tặng để người được hiến tặng và người nhà không nhìn thấy họ.
Ngoài ra, người giới thiệu người hiến mới sẽ được trả phí giới thiệu. Esther đã giới thiệu 3 người, nhận về 146 USD.
Trong lần khám đầu tiên, sau khi ký một số mẫu đơn đồng ý với các thủ tục và miễn trừ trách nhiệm cho đại lý hoặc phòng khám, Esther sẵn sàng bắt đầu. Thậm chí cô đã cười khi nhân viên nhắc nhở rằng cô không thể quay lại đòi con.
Nhưng khi quá trình lấy trứng diễn ra, Esther cảm nhận được những dòng cảm xúc cá nhân xuất hiện. “Tôi cảm thấy như cơ thể mình bị mở toang ra và rất khó chịu. Lúc đó, tôi đã dặn lòng sẽ không có lần thứ 2”, Esther nhớ lại.
2 tháng sau lần đầu tiên, phòng khám lại gọi cho cô. Ban đầu, Esther trả lời lấp lửng vì muốn kéo dài thời gian nghỉ ngơi nhưng họ gọi điện, trả giá, thậm chí đề nghị trả tiền di chuyển. Vì vậy, Esther đã đồng ý.
“Y tá chăm sóc dặn dò tôi rất kĩ như uống nước, không dùng nước hoa, không tắm vào buổi trưa, không quan hệ tình dục... Tôi hiểu cô ấy chỉ đang làm công việc của mình và phải chăm sóc rất nhiều người giống tôi. Cô ấy đôi khi cáu kỉnh và không trả lời bất kì câu hỏi nào”, Esther kể.
Quá trình lần này diễn ra khá đau đớn. Mỗi ngày, Esther phải đến phòng khám để tiêm vào đùi. Sau 3 ngày đầu, bụng sưng to, Esther mất cảm giác thèm ăn. Cô hầu như không thể đi lại nhưng vẫn phải đi tiêm hàng ngày. Nhưng ở lần thứ 2, phòng khám trả 292 USD, cao hơn qua đại lý, nên Esther đã cố gắng hết sức.
Tiềm tàng nguy cơ
Sau lần hiến trứng thứ 2, Esther phải quay lại điều trị vì đau bụng dữ dội và cô phải tự trả tiền. Nguyên nhân do tiêm quá lượng hormone cần thiết và thời gian nghỉ giữa hai lần hiến tặng không đủ dài. Khi được hỏi liệu cô có lo lắng về di chứng trong tương lai không, Esther nói: “Thủ thuật đôi khi có thể gây đau đớn. Tôi thường bị chuột rút dữ dội và ra nhiều vào kỳ kinh tiếp theo. Tuy nhiên, tôi có thể chịu được nếu có tiền”.
Sau một phút im lặng, cô tiếp tục: “Họ không đề cập đến bất kì ảnh hưởng lâu dài nào. Tôi cũng lo lắng sẽ cạn trứng nhưng tôi đọc ở đâu đó rằng phụ nữ có rất nhiều trứng. Tôi cũng không có kế hoạch sinh con nên có thể làm việc này”.
Quy trình lấy trứng thường kéo dài 30 phút và bệnh nhân được gây mê. GS Abdulgafar Abiodun Jimoh - cố vấn sản phụ khoa tại Bệnh viện Đại học Ilorin, cho biết, tác dụng tức thời phổ biến nhất là đau. Người hiến tặng sẽ trải qua các mức độ đau khác nhau.
Tuy nhiên, bệnh nhân có khả năng gặp phải hội chứng kích thích ở mức độ nhẹ, trung bình hoặc nghiêm trọng. Đây là biến chứng khi lượng hormone dư thừa khiến buồng trứng phát triển lớn và rò rỉ dịch gây sưng.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, lượng dịch dư thừa này có thể di chuyển vào vùng bụng, phổi và ngực. Biểu hiện là chướng bụng, đau, khó thở, rối loạn chức năng gan hoặc các vấn đề về đông máu.
Tại Nigeria, cứ 4 cặp vợ chồng thì một đôi cần can thiệp công nghệ hỗ trợ sinh sản. Tuy nhiên, luật pháp và chính sách không đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp đang phát triển này.
Vào năm 2014, Đạo luật Y tế quốc gia Nigeria được ban hành và hiện nay là khuôn khổ pháp lý duy nhất quản lý việc hiến trứng ở Nigeria. Theo Điều 53 trong Đạo luật, việc trao đổi mô người để lấy tiền là hành vi phạm tội, có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù một năm. Tuy nhiên, nhiều người Nigeria không biết về luật này và cũng không chắc luật sẽ áp dụng như thế nào với việc hiến trứng.
“Mọi người sẽ nói rằng không nhận tiền để lách luật hay những gì họ làm là vì lòng vị tha. Họ có thể giới thiệu bạn bè đến hiến trứng và nói rằng đó là chị gái mình. Dù ai cũng biết người bạn đó được trả tiền nhưng không có bằng chứng trao đổi tiền. Nghèo đói là nguyên nhân chính”, ông Jimoh nói.
Quy định lỏng lẻo
Theo luật sư Amarachi Nickabugu, cần có luật bảo vệ người hiến tặng, người nhận và người chăm sóc. Luật cần quy định ai được tham gia vào quá trình hiến tặng bởi hiện tại đa phần người cho là phụ nữ trẻ, sinh viên đại học. Họ bị đẩy đến đường bán trứng trong tình cảnh dễ bị tổn thương, không có quyền lực và không một xu dính túi.
Giải thích về lỗ hổng trong Đạo luật Y tế quốc gia, ông Nickabugu cho biết, luật cấm buôn bán mô người nhưng không nêu rõ việc hiến trứng là bất hợp pháp. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là, những người cho trứng đang “tặng” hay “bán” trứng của họ? Về mặt lý thuyết, các phòng khám mô tả khoản thanh toán là bồi dưỡng cho quá trình, chứ không phải thanh toán cho việc bán trứng.
Adefunke, 37 tuổi, đã thụ tinh ống nghiệm bằng trứng của những người hiến tặng như Joan và Esther nhưng không thành công. Chi phí cho một lần thụ tinh trong ống nghiệm rất tốn kém, vào khoảng 5 – 7 nghìn USD.
Dù vậy, chị vẫn hy vọng vào một phép màu. Sau 14 năm lấy nhau nhưng không có con, chồng Adefunke đã lấy vợ hai. Cô chưa bao giờ tiếp xúc với những người hiến tặng trứng vì họ đều ẩn danh. Người được cho trứng sẽ điền một mẫu đơn nêu rõ điều kiện mong muốn như nước da, kiểu gen...
Joan quay lại phòng khám 5 ngày sau cuộc gặp gỡ tồi tệ với bác sĩ và được một người khác khám. Sau khi kiểm tra nhanh, cô được yêu cầu quay lại vào ngày hôm sau để lấy trứng. Quá trình này không mất nhiều thời gian và không gây đau đớn.
Khi về nhà, cô nhận được tin nhắn thông báo có 243 USD được chuyển vào tài khoản. Mặc dù rất vui khi có cơ hội giúp đỡ phụ nữ thụ thai, Joan cho biết cô sẽ không bao giờ làm việc đó nữa nhưng cô hiểu vì sao ngành công nghiệp này phát triển.
“Ở bệnh viện, những người phụ nữ hiếm muộn tuyệt vọng tìm gặp bác sĩ để điều trị. Nếu tôi ở trong hoàn cảnh như vậy, tôi cũng sẽ trả nhiều tiền nhất có thể”, Joan nói.
Sinh sản là ngành kinh doanh phát triển mạnh mẽ tại Nigeria. Nhiều người bán trứng, tinh trùng cho phương pháp thụ tinh ống nghiệm (IVF) tại bệnh viện công lẫn viện tư. Theo Hiệp hội Sức khỏe Sinh sản và Khả năng sinh sản (AFRH), ngoài viện công, Nigeria có khoảng 23 phòng khám tư nhân đăng ký làm các dịch vụ trên. Nhưng con số thực tế có thể lên tới 70 phòng khám và vẫn đang tăng. Có rất ít hoặc không có quy định nào đối với các cơ sở này.