Niềm tin về kinh tế và y tế...

GD&TĐ - 28/1 là “ngày đặc biệt” trong quãng thời gian hơn 1 năm phòng chống dịch bệnh Covid-19 ở nước ta bởi sau 55 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, chỉ trong một ngày đã phát hiện tới gần 100 ca mắc mới.

Theo nhận định của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh Covid-19, đây là lần đầu tiên nước ta có số ca lây nhiễm trong cộng đồng lớn trong một ngày đến như vậy do virus biến chủng lây lan nhanh. Bởi vậy, yêu cầu đặt ra với các cơ quan chức năng là phải ứng phó nhanh nhạy, kịp thời, thậm chí như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phải thần tốc.

Hai ngày sau khi dịch bùng phát, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 khẳng định: Đến giờ phút này, dù không chủ quan nhưng tình hình đã được kiểm soát. Chúng tôi tự hứa cố gắng trong 10 ngày sẽ khoanh trọn dịch.

Niềm tin này không chỉ của riêng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mà là của mọi người dân cũng như các lực lượng trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia phòng chống dịch bệnh. Đó không đơn thuần là một cam kết mà còn là trách nhiệm. Thế nhưng đáng tiếc, vẫn có những cá nhân xem nhẹ sức khỏe, tính mạng bản thân, thờ ơ về sự an toàn của cộng đồng khi cố tình không hợp tác với cơ quan chức năng.

Ai cũng biết, trong phòng chống dịch bệnh, việc chủ động khai báo có vai trò đặc biệt quan trọng. Vậy nhưng trong đợt dịch này, dù tình hình nghiêm trọng hơn nhưng tỷ lệ người dân bất hợp tác, không cung cấp thông tin rất lớn: Có tới 20% các F0 không hợp tác trong quá trình phỏng vấn, chưa kể các F1, F2.

Thậm chí có người còn tắt điện thoại, từ chối nhận cuộc gọi, chặn số từ Bộ Y tế hoặc thành viên tổ truy vết khiến cho công tác này gặp rất nhiều khó khăn - Phó Tổ trưởng Tổ Thông tin Đáp ứng nhanh phòng, chống Covid-19 Nguyễn Thế Trung cho biết.

Theo ông Trung, nguyên nhân có thể là do người dân hoảng loạn, lo lắng dẫn tới hành động tắt máy, chặn số của Bộ Y tế hoặc có những thông tin cá nhân không muốn tiết lộ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, không có bất cứ lý do nào có thể coi là hợp lý, là thuyết phục cho việc từ chối hợp tác với các cơ quan chức năng.

Đương nhiên khi dịch bùng phát trở lại sẽ ảnh hưởng rất lớn tới đời sống, sinh hoạt của người dân. Vậy nhưng, không thể chỉ vì sự thoải mái, không nhận thức đầy đủ của một số cá nhân mà gây nguy hại cho cộng đồng. Hơn lúc nào hết, thời điểm này, mọi người dân cần ý thức rằng việc chủ động hợp tác, khai báo đầy đủ, chính xác thông tin với cơ quan chức năng không chỉ để bảo vệ bản thân mà còn vì sự an bình của đất nước.

Khi trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại Hải Dương và thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh cách đây vài ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh: Tôi có thêm lòng tin rằng có thể cam kết 6 ngày nữa chúng ta sẽ khoanh gọn được ổ dịch ở Cộng Hòa, Chí Linh.

Còn tại Phiên họp thường kỳ tháng 1 của Chính phủ diễn ra hôm 2/2, Thủ tướng cũng khẳng định phải tiếp tục điều hành vĩ mô tốt, ổn định, tạo niềm tin cả về kinh tế và y tế. Và thực tế, cho đến thời điểm này, có nhiều “dữ liệu” để khẳng định rằng một lần nữa chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh, để người dân được hưởng cái Tết an toàn, ấm cúng, tươi vui...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.