Thêm sức mạnh cho niềm tin

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT vừa công bố danh sách 34 trường đại học được khen thưởng vì có bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế thuộc ISI, SCI, SCIE.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đây mới chỉ là các trường trực thuộc Bộ GD&ĐT, không tính các đại học quốc gia và trực thuộc các bộ, ngành khác, trường ngoài công lập. Theo danh sách công bố năm 2020, 34 trường đại học được khen thưởng có 3.627 bài báo, được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín. Trong số đó, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có nhiều bài báo nhất (491 bài) được nhận gần 1,5 tỷ đồng. Trong bảng danh sách này cũng có những trường đại học vùng, đại học địa phương, điều này cho thấy ý chí và nghị lực rất lớn của nhà trường và các cá nhân có bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín.

Năm 2019, mức thưởng của Bộ GD&ĐT cho hơn 2.400 bài báo khoa học trên tạp chí uy tín là 8 tỷ đồng. Năm nay tổng số tiền thưởng là 10,8 tỷ đồng, tăng gần 3 tỷ đồng so với năm ngoái. Tùy tạp chí, mức thưởng tối thiểu là 2 triệu đồng một bài. Giá trị tiền thưởng không lớn nhưng theo giới khoa học, ý nghĩa động viên tinh thần của Bộ GD&ĐT cho các trường và đặc biệt là tác giả rất lớn. Vì việc đăng bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín thuộc ISI, SCI, SCIE là mục tiêu của các đại học, nhất là trường thuộc nhóm nghiên cứu. Các bảng xếp hạng đại học thế giới uy tín như THE, QS, ARWU đều xem nghiên cứu khoa học là một trong những chỉ số quan trọng để đánh giá. Đây cũng là một trong những nỗ lực của các giảng viên –  nhà khoa học đang giảng dạy và nghiên cứu ở trường đại học.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ từng nói: “Nghiên cứu khoa học trong các trường đại học không chỉ tạo ra sản phẩm khoa học công nghệ để phục vụ cuộc sống mà trước hết là nâng cao chất lượng đào tạo. Đại học không chỉ truyền bá kiến thức mà quan trọng hơn là tạo ra tri thức mới; điều này giúp trường đại học trở nên khác biệt với trường phổ thông. Nếu không đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, trường đại học sẽ là trường phổ thông cấp 4”. Quan điểm này của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng là điều các trường đại học tự nhận thấy và nỗ lực thực hiện trong thời gian qua. Nhiều trường có chính sách khen thưởng lớn với cá nhân có bài báo đăng trên các tạp chí khoa học danh tiếng.

Còn trong giới nghiên cứu, việc có bài báo đăng tải trên các tạp chí khoa học tên tuổi, ISI, SCI, SCIE… cũng là “thước đo” năng lực nghiên cứu khoa học cá nhân đó. Đánh giá này theo những quy định chặt chẽ xoay quanh giá trị khoa học của bài viết, có sự khách quan của các thành viên hội đồng khoa học. Những giá trị và thành tích khoa học này được “đo” theo những tiêu chuẩn quốc tế. Bởi vậy, bài báo khoa học chính là giá trị nghiên cứu, công trình khoa học được thẩm định về chuyên môn thông qua phản biện của các chuyên gia, nên độ tin tưởng và giá trị học thuật luôn được đề cao.

Điều này lý giải vì sao sân chơi này được tin tưởng, giá trị khoa học nghiên cứu là tiêu chí đánh giá cao nhất. Nơi đây không phân biệt tuổi tác, giới tính và quốc gia mà chỉ có giá trị khoa học. Có những bài báo khoa học mang tên của những giáo sư tên tuổi, nhưng cũng có sự góp mặt của không ít người trẻ. Hơn ai hết, họ hiểu rằng việc công bố phát hiện của mình trên các tạp chí khoa học quốc tế cũng là công khai, minh bạch và chia sẻ các giá trị nghiên cứu để mọi người cùng biết. Trong giới nghiên cứu, có một luật bất thành văn là cá nhân nào có công trình nghiên cứu và bài trên tạp chí quốc tế uy tín cũng đồng nghĩa với tính chính danh của tác giả đó. Thế nên, nếu không có bài báo tức là anh đứng ngoài cuộc chơi và không được cộng đồng khoa học thừa nhận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ