Kỷ niệm ngày quốc tế phụ nữ 8/3

Niềm hạnh phúc không phải ai cũng có được!

GD&TĐ - Vất vả, song, nghề y đã mang đến cho các nữ bác sĩ niềm hạnh phúc mà không phải ai cũng có được, nhất là khi cứu chữa thành công cho người bệnh.

BSCKII Phạm Thanh Xuân. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
BSCKII Phạm Thanh Xuân. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Yêu và tự hào

Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1981, BSCKII Phạm Thanh Xuân theo chuyên ngành Nhi và là một trong những bác sĩ xuất sắc được đưa đi công tác và học tập tại Bỉ năm 1998. Bác sĩ Xuân luôn mong muốn được áp dụng những tiến bộ về chống lây nhiễm chéo của y học thế giới cho ngành y nước nhà. Ước mơ ấy đã trở thành hiện thực khi chị về công tác tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội. Chị chia sẻ: “Thật may mắn khi tôi được làm việc trong một môi trường tốt, được đầu tư các trang thiết bị kiểm soát nhiễm khuẩn theo tiêu chuẩn quốc tế. Bệnh nhân và người nhà được bảo vệ an toàn cũng giúp chúng tôi thoải mái, an tâm khi làm việc”.

Mỗi ngày, khoa này tiếp nhận một lượng lớn bệnh nhi đến khám và điều trị nên các y bác sĩ trong khoa nói chung và bác sĩ Xuân nói riêng phải đối mặt với những áp lực không hề nhỏ. “Dù cường độ công việc rất cao, song tôi đều nhắc nhở bản thân và các đồng nghiệp rằng, bệnh nhân có tin tưởng thì mới đến với mình. Vì thế, phải hết lòng phục vụ bằng cả cái tâm và cái tình của người thầy thuốc”, bác sĩ Xuân bộc bạch.

Chị luôn tâm niệm, cái tâm của người bác sĩ không chỉ thể hiện ở tình thương đối với bệnh nhân, mà còn thể hiện ở việc không ngừng trau dồi nghiệp vụ chuyên môn: “Có y đức nhưng không có tay nghề, không có nghiệp vụ thì có thể vô tình hại người bệnh. Nhưng nếu giỏi chuyên môn mà thiếu y đức cũng sẽ làm cho họ ‘khổ’ hơn”.

Trong khi đó, qua những năm công tác tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, bác sĩ Đồng Thu Trang, Khoa đẻ A2 cho biết, chị cùng đồng nghiệp chứng kiến biết bao chuyện buồn - vui của nghề. Chị vẫn nhớ ca cấp cứu cho sản phụ từng phá thai 30 tuần (bị dị tật) tại phòng khám tư song không thành. “Có lẽ, cả đời làm nghề tôi cũng không quên được tình trạng đáng thương của sản phụ khi cổ tử cung bị rách chằng chịt nhiều điểm, dịch âm đạo hôi thối, thai nhi đã hoại tử; chỉ số nhiễm trùng máu của người mẹ tăng gấp 200 lần… Cả kíp mổ đau lòng, choáng váng. Khó khăn là vậy, song chúng tôi đã làm việc hết sức khẩn trương với hi vọng cứu sống sản phụ thoát khỏi lưỡi hái tử thần”, bác sĩ Trang nhớ lại.

Dù luôn phải đối diện với nỗi đau, sự bất an khi chứng kiến nhiều ca bệnh nặng, nhưng theo bác sĩ Trang, chị và đồng nghiệp luôn cảm thấy yêu, tự hào về công việc mình đang gắn bó. Bởi ở đây, chị và đồng nghiệp luôn có những phút giây hạnh phúc tuyệt vời khi tận tay đỡ những em bé chào đời trong niềm vui của các gia đình.

Bác sĩ Đồng Thu Trang. Ảnh: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội

Bác sĩ Đồng Thu Trang. Ảnh: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội

Biến điều không thể thành... có thể

BSCKI Nguyễn Thị Nhã, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản của Bệnh viện Bưu điện, thường được biết đến với gương mặt phúc hậu, thường trực trên môi nụ cười dịu dàng. Hơn 30 năm kinh nghiệm sản phụ khoa, 10 năm chuyên sâu về hỗ trợ sinh sản, bác sĩ Nhã đã điều trị thành công, mang đến niềm hạnh phúc vô bờ bến cho hàng nghìn cặp vợ chồng hiếm muộn.

Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội chuyên ngành Ngoại sản năm 1985, sau khi làm việc tại một số cơ sở y tế, năm 1990, chị về công tác tại Bệnh viện Bưu điện. Hoàn thành chương trình đào tạo chuyên khoa cấp I về sản vào năm 2000, năm 2005, bác sĩ Nhã là người đầu tiên của Bệnh viện Bưu điện đăng ký đi đào tạo về hiếm muộn ở Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh).

“Thực ra, trước khi quyết định như vậy, tôi cũng trăn trở lắm. Bởi lúc đó điều kiện gia đình có nhiều khó khăn, các con đều còn nhỏ, nơi học cách nhà quá xa nhưng tôi rất muốn nghiên cứu, tìm hiểu về chuyên ngành còn quá mới mẻ đối với rất nhiều bệnh viện trong nước lúc bấy giờ”, bác sĩ Nhã cho biết.

BSCKI Nguyễn Thị Nhã tư vấn cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Bưu điện

BSCKI Nguyễn Thị Nhã tư vấn cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Bưu điện

Theo nữ bác sĩ này, việc gắn bó với chuyên ngành điều trị vô sinh hiếm muộn không phải là cơ duyên mà đó là duyên nghiệp. Bởi, từ khi còn rất trẻ, chị đã từng chứng kiến những buồn đau, hờn tủi của người thân khi không thể thực hiện thiên chức làm mẹ.

“Nhiều lúc tôi tự trách mình, tại sao là bác sĩ chuyên ngành Sản khoa mà tôi không thể giúp được gì. Vì vậy, khi được lãnh đạo bệnh viện tạo điều kiện cho đi đào tạo tại Bệnh viện Từ Dũ, tôi nghĩ đây chính là cơ hội học tập, nghiên cứu, thực hành các kỹ thuật hiện đại, tích lũy kinh nghiệm về điều trị hiếm muộn, vô sinh để thực hiện ước muốn được chia sẻ, giúp đỡ những người không may bị vô sinh, hiếm muộn”, bác sĩ Nhã chia sẻ.

Chị từng gặp gỡ, tư vấn và điều trị cho rất nhiều bệnh nhân, nhưng mỗi trường hợp vô sinh, hiếm muộn lại có một nguyên nhân bệnh lý khác nhau. Điểm giống nhau là bệnh nhân đều có tâm trạng buồn bã, đau khổ, bất lực và tuyệt vọng trên hành trình đằng đẵng tìm con. Vì thế, khi điều trị thành công, các bệnh nhân vô cùng vui sướng, hạnh phúc.

“Với tôi cũng như tất cả các đồng nghiệp của mình, bất cứ ca điều trị thành công nào, chúng tôi cũng cảm thấy rất vui, hạnh phúc và tự hào vì đã biến những điều tưởng như không thể thành có thể”, bác sĩ Nhã cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.