Trải lòng nghề y của nữ bác sĩ thận – lọc máu BV Việt Đức

Với nam giới khi chọn nghề y là xác định sẽ phải đối mặt với trực đêm, với áp lực công việc bộn bề, đi sớm về khuya… Gánh nặng ấy khi đặt trên vai một người phụ nữ như chị lại càng vất vả hơn.

PGS.TS Hà Phan Hải An, Trưởng khoa Thận – lọc máu (BV Việt Đức).
PGS.TS Hà Phan Hải An, Trưởng khoa Thận – lọc máu (BV Việt Đức).

Là một nữ bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thận – lọc máu, PGS.TS Hà Phan Hải An, Trưởng khoa Thận – lọc máu (BV Việt Đức) chia sẻ:

Phụ nữ trong nghề y đứng trước rất nhiều áp lực, khó khăn bởi họ phải cân đối hài hòa giữa gia đình và công việc. Với chị, động lực giúp chị vượt qua những thăng trầm đó chính là bệnh nhân của mình…

Không phải ai sinh ra cũng có một cơ thể khỏe mạnh. Nhiều người sống với những bộ phận cơ thể không trọn vẹn hay mang trong mình những căn bệnh hiểm nghèo như suy gan, suy thận… phải sống trong mòn mỏi chờ đợi được ghép tạng, để tiếp tục sống. 

Trong suốt quá trình nhiều năm trực tiếp điều trị cho bệnh nhân và phẫu thuật các ca ghép thận, PGS.TS Hải An tâm sự, tuy có nhiều nhọc nhằn vất vả nhưng những bác sĩ như chị luôn coi người bệnh chính là động lực để mình vượt qua và bước tiếp.

“Trước những ca bệnh đặc biệt, trước áp lực trong công việc, điều gì giúp chúng tôi vượt qua được? Đó chính là bệnh nhân của chúng tôi. Nếu như một bác sĩ cảm thấy họ có thể mang lại điều gì cho người bệnh của mình, khiến bệnh nhân hài lòng, mang lại cho họ sức khỏe thì đó cũng chính là niềm vui với bác sĩ.

Nghề y là một nghề như vậy, vừa nguy hiểm, vừa vất vả nhưng lại mang động lực vô hình, giúp chúng tôi vượt qua khó khăn” - PGS.TS Hải An trải lòng.

Nói về lựa chọn nghề nghiệp và quyết định gắn bó với nghề y, nữ bác sĩ thận – lọc máu chia sẻ, với mỗi người khác nhau có thể do nguyện vọng, sở thích cá nhân hoặc cũng có thể do một định hướng nghề nghiệp sẵn có nào đó. Nhưng với chị, khi bắt đầu lựa chọn nghề y chị thực sự chưa biết “mình đang dấn thân vào điều gì?”. 

Chị kể: “Hồi đó, lựa chọn nghề nghiệp đôi khi không hẳn do nguyện vọng cá nhân bởi vì khi ấy chúng tôi không có nhiều cơ hội tiếp xúc như bây giờ, cho nên không có nhiều khái niệm về vấn đề lựa chọn ngành nào, nghề nào. Trên thực tế với tôi, điều này mang tính truyền thống gia đình nhiều hơn…”.

Mặc dù vậy, khi đã bước chân với nghề y, chị đã nhanh chóng “say” nghề. “Nghề y không chỉ đơn thuần là một công việc giúp chúng tôi duy trì cuộc sống như bao ngành nghề khác. 

Khi bạn sống được bằng nghề nghiệp của mình thì đó đã là niềm tự hào nhưng riêng với nghề y, điều cần thiết phải có thêm đó là đam mê với nghề, tình yêu nghề. Đây là một trong những yếu tố cần thiết để giúp bạn có thể tiếp tục trên con đường thực sự rất khó khăn mà mình đã chọn”- Chị nói.

Chị An tâm sự: “Công việc với phụ nữ làm nghề y thì thật sự khó khăn vì phải cân đối hài hòa giữa công việc – gia đình, nhưng thực sự mà nói thì bản thân tôi không thể cân đối, hài hòa được, chúng tôi bắt buộc phải “bỏ bớt”. Vì thế phụ nữ làm nghề y cần nhiều hơn sự hỗ trợ, một “điểm tựa” để chị em có thể tiếp tục theo đuổi niềm đam mê trong công việc.

Quá trình làm việc, chúng tôi gặp rất nhiều trường hợp bệnh nặng, nghèo khó và tôi nghĩ so với họ, có lẽ mình còn may mắn hơn rất nhiều. 

Nếu chúng ta nhìn một cách tích cực, chúng ta không nên nhìn điều gì đó quá xa vời, mà chúng ta hãy nhìn xung quanh. Cũng giống như khi nói đến vấn đề hiến tạng, chết não, ngừng tim chẳng hạn thì đó là điều mà tôi nghĩ là rất đời thường nhưng rất cấp thiết. 

Bác sĩ chúng tôi thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân, với người ốm và nhận ra rằng, họ cần điều gì đó khác cho sức khỏe hơn là bạn cần một cái áo mới, một cái chăn mới; người bệnh họ cần tạng để ghép hơn những điều khác… 

Tôi nghĩ về phía nhân viên y tế, câu chuyện đó rất dễ hiểu nhưng để mọi người cùng hiểu được như chúng tôi quan niệm thì có lẽ cần cả một quãng đường dài…”.

Bàn về vấn đề ghép tạng, mà chủ yếu là lĩnh vực ghép thận, PGS. Hải An luôn đau đáu nỗi niềm, khi đã thực hiện ghép thận thì làm sao phải tạo ra hai người khỏe mạnh chứ không phải đánh đổi một người yếu lấy một người khỏe hoặc tạo ra hai người bị bệnh giống nhau. 

Chị nói: “Người cho luôn là đối tượng đáng được ưu tiên và họ phải là người được ưu tiên cao nhất với tất cả các vấn đề liên quan đến ghép. 

Đặc biệt là đối với người cho sống, điều này giống như là một điều luật yêu cầu người thầy thuốc phải đảm bảo tối đa sự an toàn cho người hiến. 

Do đó, tiêu chuẩn đánh giá người cho rất chặt chẽ, đòi hỏi phải có những người có khả năng đánh giá chi tiết, nhận định những nguy cơ tiềm ẩn, giúp họ khi đã hiến rồi vẫn đảm bảo an toàn. Mục tiêu cuối cùng là tạo ra hai người khỏe mạnh chứ không phải đánh đổi hoặc tạo ra hai người bị bệnh giống nhau”.

Hiện nay, nhớ có tính ưu việt của BHYT mà nhiều người bệnh thực hiện ghép tạng , ghép thận đã được hỗ trợ đồng chi trả, giảm bớt gánh nặng tài chính cho bệnh nhân. 

Với chị An, đây cũng là điều đáng mừng vì khi có hỗ trợ bệnh nhân như vậy thì có thể mở rộng chỉ định ra rất nhiều, giúp hồi sinh sự sống cho nhiều người bệnh hơn nữa.

Theo thống kê tại Việt Nam hiện nay có hơn 16.000 người bệnh suy giảm chức năng tim, thận, gan, phổi... đang chờ được ghép tạng và khoảng 6.000 người đang chờ ghép giác mạc. 

Nhiều bệnh nhân đã phải chết trong thời gian chờ ghép tạng trong khi nguồn mô, tạng từ hàng chục nghìn ca chết não, chết ngưng tim vì tai nạn giao thông và các trường hợp tử vong khác đã không được sử dụng.

Cả nước hiện có 15 cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện các kỹ thuật ghép tạng . Chỉ riêng BV Việt Đức đã tiến hành 25 ca ghép gan (trong đó 3 trường hợp được ghép từ người cho sống), 11 ca ghép tim và hơn 250 ca ghép thận .

Mỗi ngày tại BV Hữu nghị Việt Đức có 2-3 bệnh nhân chết não và mỗi năm hơn 11 ngàn trường hợp tử vong do tai nạn giao thông có thể hiến tạng. 

Theo các chuyên gia ghép tạng, một người chết não cho đa tạng có thể cứu được 6-10 người bệnh. Tuy nhiên, 5 năm qua, chỉ có 25 trường hợp hiến tạng do chết não. 

Đây thực sự là điều đáng tiếc khi bác sĩ vẫn có đủ khả năng để cứu chữa người bệnh, khi người bệnh vẫn còn cơ hội và khao khát sống nhưng phải bó tay bởi không có nguồn tạng để ghép.

Theo suckhoedoisong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.