Năm 2018, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã liệt kê một số bệnh truyền nhiễm đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Hầu hết, các căn bệnh này đều chưa có vắc-xin và ít thuốc đặc trị.
Điều đó được coi là yếu tố thúc đẩy các nghiên cứu về chúng. WHO gọi một trong số đó là “Bệnh X” - căn bệnh trong tương lai mà con người chưa từng thấy trước đây sẽ gây ra đại dịch. Covid-19 đã được chứng minh là bệnh X. Các nhà khoa học hiện chạy đua để phát triển các phương pháp điều trị và vắc-xin, nhằm chống lại căn bệnh này.
Nhiều bệnh được WHO xác định thường tồn tại ở động vật. Do đó, khả năng bùng phát sẽ tăng khi động vật và con người tiếp xúc thường xuyên hơn, như xâm phạm môi trường sống, chăn nuôi và buôn bán động vật hoang dã.
Vì vậy, kết hợp với các yếu tố khác như đi lại bằng đường hàng không, đô thị hóa và biến đổi khí hậu, rất có thể, ngay cả sau khi Covid-19 đã được kiểm soát, những đại dịch khác sẽ đe dọa chúng ta.
1. Ebola
Cho đến gần đây, vẫn chưa có vắc-xin được cấp phép cho Ebola. Đợt bùng phát dịch Ebola gần đây nhất ở Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) dường như đã kết thúc. Tuy nhiên, các quan chức y tế vẫn không ngừng cảnh giác.
Đợt bùng phát gần đây và dịch bệnh Ebola năm 2014 ở Tây Phi đã tiêu tốn một khoản kinh phí và nguồn lực lớn. Ebola lây lan nhanh chóng ở một số quốc gia. Các nhà khoa học lo ngại, sự lây lan còn tàn khốc hơn. Ebola cần sự tiếp xúc gần gũi của con người để lây lan.
Căn bệnh này lây truyền qua tiếp xúc vật lý trực tiếp với chất dịch cơ thể bị nhiễm bệnh, đặc biệt là máu, phân và chất nôn. Điều này khiến gia đình của những người bị nhiễm bệnh và nhân viên y tế có nguy cơ mắc bệnh rất cao. Vào tháng 2/2020, Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), Burundi, Ghana, Rwanda, Uganda và Zambia đã phê duyệt vắc-xin Ebola có tên Ervebo, do Merck sản xuất.
Năm 2014, Tây Phi ghi nhận 28.616 trường hợp mắc Ebola và 11.310 ca tử vong do bệnh này. Kể từ năm 1976 đến nay, Congo đã ghi nhận 14 đợt bùng phát dịch Ebola. Trong đó, có 6 đợt xảy ra từ năm 2018. Lần bùng phát ở Mbandaka là đợt dịch mới nhất.
2. Bệnh do virus Marburg
Từ cùng một họ virus với Ebola, Marburg gây ra các triệu chứng và lây lan theo cách tương tự, thông qua tiếp xúc với máu, dịch cơ thể của người bị nhiễm bệnh. Cũng như Ebola, các hoạt động mai táng liên quan đến việc tiếp xúc trực tiếp với người đã khuất có thể làm lây lan dịch bệnh. Marburg cực kỳ nguy hiểm. Virus có thể giết chết 88% số người mà nó lây nhiễm.
Năm 2017, trong đợt bùng phát gần đây nhất ở Uganda, có 3 trường hợp mắc bệnh. Tất cả những người này đều tử vong. Một đợt bùng phát trước đó vào năm 2005 ở Angola đã khiến hơn 200 người mắc bệnh. 90% trong số đó đã tử vong.
3. Sốt Lassa
Giống như Ebola và Marburg, sốt Lassa là một bệnh do virus gây ra. Bệnh gây tổn thương các cơ quan và làm vỡ mạch máu. Cứ 5 người bị nhiễm virus Lassa, thì có 1 người bị bệnh nặng ảnh hưởng đến gan, lá lách hoặc thận.
Virus này thường lây truyền qua nước tiểu hoặc phân của chuột Mastomys, có nguồn gốc từ châu Phi, qua các đồ vật trong nhà bị ô nhiễm. Nhân viên y tế tiếp xúc với máu hoặc mô cơ quan của bệnh nhân cũng có thể bị nhiễm bệnh.
Nhiễm sốt Lassa có thể dẫn đến tình trạng mất thính lực lâu dài sau khi hồi phục. Trong khi Ebola và Marburg gây ra những đợt bùng phát lẻ tẻ rồi giảm dần, thì sốt Lassa thường xuyên gây bùng phát kéo dài ở một số quốc gia ở Tây Phi. Bệnh giết chết 1 - 15% số người bị nhiễm.
Các chuyên gia nghi ngờ, có khoảng 100 - 300 nghìn ca nhiễm sốt Lassa hằng năm, với khoảng 5.000 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, số người mắc thực sự chưa được xác định, do sự giám sát và bằng chứng hạn chế.
4. MERS-CoV (Hội chứng hô hấp Trung Đông)
MERS-CoV là một trong ba Coronavirus gây ra mối đe dọa lớn với sức khỏe toàn cầu trong hai thập kỷ qua. Là một bệnh hô hấp do virus gây ra, bệnh được cho là lây lan qua dịch tiết đường hô hấp như ho. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa được chứng minh.
Cho đến nay, MERS-CoV không dễ dàng lây lan từ người này sang người khác, trừ khi tiếp xúc gần. Một loại vắc-xin MERS-CoV đã được thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn 2. Tuy nhiên, những ứng cử viên này đang được thử nghiệm về hiệu quả chống lại Covid-19. Kể từ lần đầu tiên được xác định vào năm 2012 tại Ả-rập Xê-út, các đợt bùng phát MERS-CoV lẻ tẻ đã khiến 2.519 người mắc và 866 ca tử vong.
5. SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng)
SARS gây ra đại dịch toàn cầu vào năm 2003. Trong vòng chưa đầy một năm, từ cuối năm 2002 đến tháng 7/2003, virus đã gây ra 8.273 trường hợp mắc và 775 trường hợp tử vong trên 37 quốc gia. Tuy nhiên, so với Covid-19, con số này được cho là tương đối nhỏ.
Song, không có gì đảm bảo rằng virus SARS sẽ không quay trở lại và gây ra thiệt hại khủng khiếp hơn. Tương tự Covid-19, virus được cho là lây truyền qua các giọt bắn khi người bệnh hắt hơi hoặc ho. Tuy nhiên, không giống Covid-19, khi bị nhiễm SARS, bệnh nhân dường như luôn có các triệu chứng nghiêm trọng. Điều đó giúp người mắc dễ dàng nhận biết hơn.
6. Nipah
Là “họ hàng xa” của virus sởi, Nipah có thể giết chết 75% số người mà nó lây nhiễm. Nipah đã gây ra các đợt bùng phát thường xuyên ở Đông Nam Á kể từ khi xuất hiện vào năm 1998. Virus này có thể gây sưng tấy các tế bào não, với những triệu chứng bao gồm đau đầu, nôn mửa, chóng mặt và hôn mê.
Giống virus Corona, Nipah là virus lây truyền từ động vật sang người. Nipah xuất hiện phổ biến ở dơi, đặc biệt là dơi ăn quả ở Đông Nam Á. Lây truyền thường xảy ra khi con người tiếp xúc trực tiếp với động vật hoặc thông qua tiêu thụ thực phẩm bị ô nhiễm. Tuy nhiên, số lượng lớn ca virus Nipah lây truyền từ người sang người cũng đã được ghi nhận.
Dơi ăn quả thuộc họ Pteropodidae - thường gọi là “cáo bay” - là vật mang mầm bệnh tự nhiên của Nipah. Loài dơi này có khả năng truyền virus cho động vật khác, bao gồm lợn, chó, mèo, dê, ngựa và cừu.
Các đợt bùng phát năm 2018 ở Kerala, miền Nam Ấn Độ, đã được kiểm soát tốt. Điều này được cho là do cơ sở hạ tầng y tế tương đối mạnh mẽ của bang. Việc lây nhiễm qua giọt bắn như ho và hắt hơi khi tiếp xúc gần cũng có thể xảy ra. Điều đáng lo ngại là virus có thể đột biến để lây lan nhanh hơn. Trong đợt bùng phát năm 2018 ở Kerala, có 23 trường hợp mắc và 17 ca tử vong.
7. Zika
Zika đã gây ra hiện tượng đáng báo động về dị tật bẩm sinh được gọi là hội chứng Zika bẩm sinh. |
Virus Zika hầu hết gây ra bệnh nhẹ, bao gồm sốt, phát ban và đau cơ. Tuy nhiên, trong năm 2015 - 2016, Zika đã gây ra hiện tượng đáng báo động về dị tật bẩm sinh được gọi là hội chứng Zika bẩm sinh. Ngoài nguy cơ sẩy thai cao hơn, trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm Zika còn có nguy cơ bị tật đầu nhỏ. Gần đây, các nhà khoa học đã quan sát thấy, những đứa trẻ được sinh ra trước đây không có triệu chứng rõ ràng có thể biểu hiện các vấn đề như mất thị lực sau này.
Virus Zika lây lan bởi muỗi Aedes. Loại muỗi này cũng truyền bệnh sốt xuất huyết và chikungunya. Sự lây lan nhanh chóng của virus Zika ở Tây bán cầu trong năm 2015 và 2016 đã chứng tỏ khả năng gây đại dịch của nó. Năm 2015 và 2016, có hơn 500.000 trường hợp mắc Zika, 18 ca tử vong và 3.700 trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh.
8. Sốt xuất huyết Crimean-Congo
Căn bệnh này chủ yếu ảnh hưởng đến động vật, đặc biệt là gia súc. Bệnh thường lây lan qua vết cắn của bọ ve bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, mọi người có thể bị lây lan khi tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh. Đã có một số báo cáo về sự lây truyền từ người sang người do tiếp xúc với chất dịch cơ thể của người bị nhiễm bệnh.
Ban đầu khi bị nhiễm trùng, virus gây ra các triệu chứng giống cúm. Một số triệu chứng khác có thể là nhạy cảm với ánh sáng hoặc cứng gáy mà có thể bị nhầm với bệnh sởi. Tuy nhiên, sau đó, bệnh nhân có thể bị chảy máu nghiêm trọng, không kiểm soát được.
Sốt xuất huyết Crimean-Congo là bệnh đặc hữu ở nhiều quốc gia ở châu Á, châu Phi và vùng Balka. Tại Afghanistan, nơi số mắc bệnh đang tăng đều, có 483 trường hợp nhiễm và 59 ca tử vong trong năm 2018.
9. Sốt Thung lũng Rift
Sốt Thung lũng Rift là một bệnh do muỗi gây ra và chủ yếu ảnh hưởng đến động vật. Tuy nhiên, mọi người có thể bị nhiễm bệnh nếu tiếp xúc với các chất dịch cơ thể, như máu hoặc sữa, của động vật mắc sốt Thung lũng Rift. Người bệnh cũng có thể bị nhiễm qua vết muỗi đốt.
Cho đến nay, chưa có tài liệu nào về sự lây truyền từ người sang người. Khi con người bị nhiễm bệnh, trường hợp nhẹ có thể bị sốt và đau nhức cơ. Trong khi đó, trường hợp nặng hơn có thể bị mù, sưng tấy não hoặc chảy máu không kiểm soát. Một số quốc gia ở châu Phi đã báo cáo về các đợt bùng phát trong nhiều thập kỷ.
Kể từ năm 2000, các đợt bùng phát sốt Thung lũng Rift đã lan rộng sang Trung Đông. Đây được coi là một căn bệnh đặc biệt nhạy cảm với hiện tượng El Niño - sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan, liên quan đến biến đổi khí hậu. Bởi, hiện tượng làm tăng nguy cơ lây lan bệnh.
Trong đợt bùng phát vào năm 2010 và 2011 ở Nam Phi, đã có hơn 250 trường hợp người mắc bệnh và 25 ca tử vong.
10. Đậu mùa khỉ
Đậu mùa khỉ hiện xuất hiện ở 75 quốc gia và vùng lãnh thổ. |
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, đậu mùa khỉ là một bệnh hiếm gặp do nhiễm virus đậu mùa khỉ. Virus đậu mùa khỉ là một loại có cùng họ với bệnh đậu mùa. Các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ tương tự các triệu chứng bệnh đậu mùa, nhưng nhẹ hơn... Bệnh đậu mùa khỉ không liên quan đến thủy đậu.
Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ có thể bao gồm: Sốt, đau đầu, đau cơ và đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, kiệt sức. Bệnh thường bắt đầu với 1 - 3 ngày sốt. Tổn thương da có thể biểu hiện bằng các nốt ban chứa dung dịch trong hoặc hơi vàng và sau đó có thể đóng vảy, khô và rụng vảy.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 23/7 tuyên bố dịch bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Đây là mức cảnh báo cao nhất tổ chức này có thể đưa ra.
Theo WHO, việc ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu nghĩa là đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ này là một “sự kiện bất thường”, có thể lan sang nhiều quốc gia hơn và cần phản ứng phối hợp trên toàn cầu.
Hiện tại, có 16.000 trường hợp ở 75 quốc gia và vùng lãnh thổ mắc bệnh và đã có 5 trường hợp tử vong trong giai đoạn can thiệp. Bệnh chủ yếu lây lan ở động vật hoang dã như loài gặm nhấm và linh trưởng. Tuy nhiên, bệnh có thể lây lan giữa người sang người khi tiếp xúc với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn hoặc quần áo hay giường bị ô nhiễm.