Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, những năm gần đây, tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp, nhiều loại virus gây bệnh nguy hiểm cho người và động vật đã được phát hiện. Chỉ riêng các loại do virus Arbo (virus lây truyền qua muỗi và côn trùng đốt) hiện đã phát hiện được khoảng 150 loại. Việt Nam và các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Campuchia... là những quốc gia nhiệt đới nằm trong khu vực lưu hành của nhiều loại bệnh do virus Arbo nguy hiểm, trong đó phải kể đến các loại bệnh được truyền từ muỗi Aedes như sốt xuất huyết (SXH) Dengue, Zika và Chikungunya. Việt Nam và các nước khu vực ASEAN là những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của SXH.
Bên cạnh bệnh SXH Dengue, năm 2016 vừa qua, một loại bệnh khác có cùng vector từ muỗi Aedes đã trở thành vấn đề khẩn cấp về y tế công cộng toàn cầu, đó là bệnh do virus Zika. Tại Việt Nam đã có 219 ca mắc Zika, trong đó có một ca mắc chứng đầu nhỏ nghi có liên quan tới virus Zika. Việt Nam đang mở rộng quy mô lấy mẫu muỗi vằn xét nghiệm Zika tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Hiện đã có hàng chục nghìn mẫu muỗi của các địa phương như Hà Nội, Nam Định, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, TPHCM… được thu thập làm xét nghiệm.
Hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học tập trung thảo luận, đưa ra những khuyến nghị cấp quốc gia, những giải pháp giải quyết những tồn tại trong phòng chống SXH Dengue, Zika, Chikungunya tại khu vực, bao gồm chẩn đoán và điều trị, giám sát và phòng chống vectơ, nghiên cứu virus và vắc xin cho cộng đồng, sự hợp tác bền vững giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế…