Hoạt động hiệu quả của thư viện được coi như giải pháp xây dựng văn hóa đọc cho cả thầy và trò; góp phần hình thành, rèn luyện thói quen tự học, nghiên cứu; từ đó nâng cao chất lượng dạy - học.
Còn trăn trở
Dù ngày càng được quan tâm, chuyển biến tốt, nhưng phải nhìn nhận còn những hạn chế, khó khăn trong công tác thư viện trường học. Không ít trường, thư viện được đầu tư cơ sở vật chất, nguồn sách dồi dào nhưng ít thu hút học sinh. Có nơi thư viện nghèo nàn, không đáp ứng được nhu cầu của giáo viên, người học… Điều này cho thấy, đổi mới hoạt động thư viện hấp dẫn, thu hút học sinh ngày càng cấp thiết.
Dù ở vùng khó, nhưng theo thầy Ksơr Y Chét - giáo viên Trường Tiểu học và THCS EaTrol (Sông Hinh, Phú Yên), nhà trường trang bị thư viện khá hiện đại, đầy đủ loại sách, đồ dùng cho giáo viên, học sinh. Giờ ra chơi, nhiều em vào thư viện đọc sách, truyện. Trường có nhân viên thư viện chuyên trách phù hợp vị trí việc làm.
Tuy nhiên, thư viện chỉ bố trí được ở điểm trường chính và 1 điểm lẻ (trong số 3 điểm lẻ của trường). Thêm vào đó, vì có hai cấp học nên phải chia thời gian cho học sinh đọc sách, giáo viên mượn đồ dùng. “Tôi đang dạy ở điểm trường buôn Đức Mùi. Dù chưa có thư viện nhưng thầy cô huy động được khá nhiều sách, truyện để ở phòng chờ giáo viên, đáp ứng phần nào nhu cầu đọc của học sinh”, thầy Ksơr Y Chét cho biết.
Là cán bộ thư viện, cô Đinh Thị Bích Nguyên - Trường Tiểu học Lê Lợi (buôn M’Hăng, xã Cư Huê, huyện Ea Kar, Đắk Lắk) trăn trở khi không nhiều học sinh hào hứng với thư viện. Trong nhiều lý do có việc mạng Internet phát triển, sách, truyện đều có trên mạng, bởi vậy học sinh ngày càng thờ ơ, không thích cách đọc sách báo, tìm kiếm thông tin truyền thống. Các em cũng chưa hình thành thói quen tự đọc, đặc biệt với sách báo giấy. Giờ ra chơi nhiều học sinh dành cho hoạt động vui chơi, trò chuyện cũng là lý do ít em đến thư viện.
“Đầu tư kinh phí còn khiêm tốn, số lượng máy tính kết nối Internet trong thư viện ít, tài liệu bổ sung không thường xuyên, vốn tài liệu thiếu đa dạng phong phú… cũng làm chất lượng hoạt động thư viện chưa nâng cao.
Phòng đọc còn nhỏ, trong khi toàn trường có trên 700 em, do đó, học sinh đến thư viện đọc sách phải theo lịch. Giải pháp của nhà trường là thường xuyên tổ chức giới thiệu sách báo, đọc to nghe chung cho học sinh; tổ chức thư viện góc lớp để các em có thể đọc những lúc rảnh”, cô Nguyên chia sẻ.
Hoạt động giới thiệu sách tại Trường Tiểu học Lê Lợi (buôn M'Hăng, xã Cư Huê, huyện Ea Kar, Đắk Lắk). Ảnh nhà trường cung cấp. |
Đổi mới phương thức hoạt động
Năm học 2023 - 2024, lần đầu tiên Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc giao chỉ tiêu phát triển văn hóa đọc cho học sinh phổ thông. Theo đó, tại Văn bản số 1603/SGDĐT-GDPT về triển khai công tác thư viện trường học, sở GD&ĐT yêu cầu bố trí thời gian phù hợp trong tuần để tổ chức tiết đọc sách cho học sinh.
Cụ thể, mỗi lớp bố trí ít nhất 1 tiết/tuần đối với cấp tiểu học và 1 tiết/tháng đối với cấp THCS, THPT tại thư viện hoặc không gian mở, phù hợp với việc đọc sách (ví dụ như tại không gian đọc sách ngoài trời), không gây ảnh hưởng tới hoạt động giáo dục lớp khác. Thành lập và hướng dẫn tổ chức hoạt động các câu lạc bộ nhằm phát triển văn hóa đọc. Cách thức tổ chức, hoạt động thư viện trường học cũng yêu cầu đổi mới, thuận lợi cho học sinh tiếp cận thường xuyên với sách bằng nhiều hình thức, như: Thư viện xanh, thân thiện, điện tử…
Bà Bùi Thị Kim Tuyến - Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình khẳng định, nếu hoạt động thư viện hiệu quả, thu hút sự quan tâm của giáo viên, học sinh, sẽ góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt khi triển khai Chương trình GDPT 2018.
Xác định vai trò quan trọng này, Hòa Bình quyết tâm đạt 100% trường phổ thông và 10% trường mầm non có thư viện độc lập, đảm bảo diện tích, bố trí thư viện ở vị trí thuận lợi, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất thư viện năm học 2023 - 2024. Đồng thời, bảo đảm 100% học sinh có đủ sách giáo khoa, học liệu theo cấp học; 100% giáo viên đủ sách nghiệp vụ. Trang bị và sử dụng hiệu quả các thiết bị nghe, nhìn kết nối Internet tại thư viện phục vụ tiết học thư viện và tra cứu, khai thác tài liệu.
Bà Tuyến cho biết, các trường học trên địa bàn tỉnh Hòa Bình được yêu cầu tổ chức tuyên truyền, giới thiệu sách cho giáo viên, học sinh ít nhất 1 lần/tuần. Hướng dẫn học sinh đọc và làm theo sách bằng nhiều hình thức như: Lập kế hoạch đọc sách, tổ chức thi tìm hiểu kiến thức về sách, môn học, triển lãm, trưng bày sách, thi kể chuyện, vẽ tranh theo sách, giới thiệu, bình luận sách, trang trí bìa, thẻ đánh dấu sách, xếp sách mỹ thuật, viết và trình bày bài thu hoạch sau khi đọc sách…
Học sinh được hướng dẫn và rèn luyện kỹ năng đọc sách; tìm kiếm, khai thác, sử dụng thông tin an toàn, hữu ích. Nhiều trường làm tốt việc tham gia đóng góp sách xây dựng thư viện và tặng sách cho học sinh hoàn cảnh khó khăn.
“Cần nhiều giải pháp để thư viện trường học có thể đồng hành cùng đổi mới giáo dục. Trong đó có việc quan tâm bố trí thư viện ở vị trí thuận lợi; tăng cường đầu tư, khai thác hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị chuyên dùng phục vụ quản lý, tổ chức hoạt động thư viện trường học. Tích cực xây dựng nguồn tài nguyên trong thư viện.
Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ thư viện, khả năng tiếp cận phương thức quản lý thư viện hiện đại cho nhân viên. Tăng cường triển khai tiết đọc, học thư viện nhằm hình thành thói quen đọc sách, phát triển năng lực tự học cho học sinh”, Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình cho hay.
“Cần đổi mới phương thức tổ chức hoạt động thư viện trường học nhằm tạo môi trường thuận lợi, giúp học sinh tiếp cận thường xuyên với sách như: Thư viện lưu động, giá sách lưu động, thư viện/tủ sách góc lớp, thư viện xanh, xây dựng thư viện thân thiện…, phục vụ giáo viên, học sinh đọc tại chỗ và mượn sách, tài liệu về nhà”, bà Bùi Thị Kim Tuyến - Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình nói.