Những trải nghiệm thú vị trong Tháng nhiếp ảnh “PHOTO HANOI ‘21”

GD&TĐ - Chương trình “Photo Hanoi ‘21” do Viện Pháp tại Hà Nội - L"Espace khởi xướng nhằm tôn vinh nhiếp ảnh và nhiếp ảnh gia đồng thời kết nối công chúng với những khía cạnh đa dạng của nhiếp ảnh.

Ông Thierry Vergon - Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội - L"Espace và các nghệ sĩ tham gia giới thiệu chương trình Tháng Nhiếp ảnh.
Ông Thierry Vergon - Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội - L"Espace và các nghệ sĩ tham gia giới thiệu chương trình Tháng Nhiếp ảnh.

Xuyên suốt tháng Năm đến 11/6, chuỗi triển lãm, tọa đàm, chiếu phim và khoá học sẽ diễn ra tại nhiều địa điểm văn hóa của thủ đô: Viện Pháp tại Hà Nội, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, Không gian Nhiếp ảnh Matca, Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom VCCA, Làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá. Chuỗi hoạt động của dự án này sẽ đem tới cho giới làm nghề và công chúng các cách tiếp cận khác biệt trong việc sáng tạo và trưng bày hình ảnh.

Tham gia chương trình có sự góp mặt của gần 30 nhiếp ảnh gia, nghệ sĩ thị giác, người làm công việc sáng tạo trong và ngoài nước, bao gồm nhiếp ảnh gia Lâm Đức Hiền (người Pháp gốc Việt), nhiếp ảnh gia  Philippe Marinig (Pháp), Alexandre Dupeyron  (Pháp), Joseph Gobin (Pháp), nghệ sĩ Prune Phi (người Pháp gốc Việt), Fabien Jacob (Pháp), Nic Shonfeld (Anh), Roselena Ramistella (Ý), Malte Sanger (Đức), Thi My Lien Nguyen (Thụy Sĩ), Alexandre Garel (Pháp), Elodie Ledure (Bỉ), Victoria Siwik (Ba Lan), và Loes Heerink (Hà Lan) cùng các nghệ sĩ Việt như Duy Phương, Nguyễn Phương, Yến Dương, Trần Lê Quỳnh Anh, Duy Tuấn, Mai Nguyên Anh, Nguyễn Thế Sơn, Phạm Tuấn Ngọc, Nguyễn Huy Hùng, Hai LeCao...

Tác phẩm trưng bày tại triển lãm “Những ngã rẽ: Góc nhìn từ châu Âu” của nghệ sĩ Victoria Siwik (Ba Lan)
Tác phẩm trưng bày tại triển lãm “Những ngã rẽ: Góc nhìn từ châu Âu” của nghệ sĩ Victoria Siwik (Ba Lan)

Với chủ đề mở, phiên bản đầu tiên giới thiệu tác phẩm nhiếp ảnh sử dụng phương tiện thủ công và kỹ thuật số, dẫn dắt những câu chuyện từ Việt Nam, Pháp và xa hơn nữa thông qua ngôn ngữ thị giác.

6 triển lãm trong khuôn khổ “Photo Hanoi ‘21” bao gồm:  “Mê Kông - Chuyện đôi bờ” (Lâm Đức Hiền) tại Viện Pháp tại Hà Nội - L"Espace, “Khoảnh khắc bí mật của Maiko” – (Philippe Marinig) tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam - Japan Foundation, “Đã tới lúc thắp sáng lại những vì sao” - Punk Dragon tại Không gian Nhiếp ảnh Matca, triển lãm “Khuôn dạng” và triển lãm “Những ngã rẽ: Góc nhìn từ châu Âu” tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom VCCA, triển lãm Tinh hoa ẩm thực Pháp tại Viện Pháp tại Hà Nội - L"Espace.

Xuất phát từ niềm tin rằng nhiếp ảnh dành cho tất cả mọi người, các hoạt động giáo dục của sự kiện này đều hướng đến khán giả thuộc mọi lứa tuổi, giới tính và trình độ chuyên môn. Những ngày cuối tuần dành cho hoạt động  trải nghiệm thú vị như: Ghé thăm làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá, thảo luận về “Tìm đầu ra cho tác phẩm nhiếp ảnh”, khoá học “Xây lên chiếc hộp câu chuyện”, khóa học in cyanotype, khoá học làm ấn phẩm nhỏ từ ảnh…

Tác phẩm trưng bày tại triển lãm “Khoảnh khắc bí mật của Maiko” của nghệ sĩ Philippe Marinig
Tác phẩm trưng bày tại triển lãm “Khoảnh khắc bí mật của Maiko” của nghệ sĩ Philippe Marinig

Thông tin về Tháng nhiếp ảnh Hà Nội với báo giới, ông Thierry Vergon, Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội - L"Espace đưa ra thông điệp: “Những hoạt động gặp gỡ, trưng bày và giáo dục trong chương trình nhằm bộc lộ tài năng, kỹ thuật điêu luyện và tầm nhìn độc đáo mà đã chuyển hoá hành động ghi chép đơn thuần thành tác phẩm chuyên chở ý tưởng - đó chính là kết quả của một quá trình tư duy thấu đáo. “Photo Hanoi”  nhắc chúng ta rằng có một tác giả đứng sau mỗi tấm ảnh, và đúng như nhiếp ảnh gia Willy Ronis nói, “máy ảnh nhìn, con mắt thấy”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.