“Thành phố vắng lặng đến nao lòng”
Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong sinh năm 1969 tại Sài Gòn. Là phóng viên ảnh tự do, anh có hơn 30 năm gắn bó với nghệ thuật nhiếp ảnh, trong đó có hơn 20 năm đi theo con đường nhiếp ảnh chuyên nghiệp.
Thế Phong từng tổ chức thành công 13 triển lãm trong và ngoài nước: Bão Chanchu, Những nẻo đường tuổi thơ, Nghệ sĩ đường phố, Gánh, Đọc báo, Vượt qua bóng tối, Trẻ em & Gánh (2014 – Bern & Zurich, Thụy Sĩ), Ánh sáng cuộc sống, 45 ngày tại Thụy Sĩ, Mưu sinh, Chân dung, Nhịp sống Sài Gòn…
Theo nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong, đây là cuộc triển lãm ảnh lần thứ 14 và là tập sách ảnh thứ 9 mang tên “Sài Gòn Covid-19” (song ngữ Việt - Anh) của anh.
Trái ngược hoàn toàn tập sách ảnh “Nhịp sống Sài Gòn” (xuất bản năm 2019) của Trần Thế Phong, là không gian phố xá sầm uất giữa dòng người vội vã, “Sài Gòn Covid-19” phản ánh một thành phố năng động bỗng dưng trầm lắng.
Với “Sài Gòn Covid-19”, người ta có thể nhìn và lắng nghe sự im lặng đến nao lòng. Đồng thời, nó cũng thể hiện sự mạnh mẽ, ấm áp và chở che của những con người sống trên vùng đất này. Hầu như, những khoảng khắc đáng nhớ của Sài Gòn - TPHCM trong thời gian giãn cách đều được anh ghi lại.
Lý giải nguyên do chọn đề tài này, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong chia sẻ: “Sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn - TPHCM, suốt hơn 50 năm qua, đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến một Thành phố vốn nhộn nhịp, sầm uất bỗng trở nên vắng lặng, bình yên và âu lo.
Một Sài Gòn - TPHCM thật lạ lẫm với tôi và chắc hẳn với mọi người. Đây lại chính là nhân duyên đẩy đưa tôi thai nghén và ghi lại những hình ảnh hiếm hoi này”.
Diễm lệ và nghĩa tình
Nhiều ý kiến cho rằng, đại dịch Covid-19 là thảm họa toàn cầu, tác động lên mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, nó lại giúp chúng ta hiểu đầy đủ hơn những giá trị của tự do, hạnh phúc, bình đẳng, bác ái.
Ứng phó với kiếp nạn này, người dân cả nước đã đồng tâm, hiệp sức thực hiện mọi biện pháp để phòng chống dịch bệnh, trong đó có việc giãn cách xã hội.
Bằng tất cả tâm huyết của một nghệ sĩ nhiếp ảnh, Trần Thế Phong đã thực hiện hơn 2.000 file ảnh, sau đó chọn 101 tác phẩm nhiếp ảnh để đưa vào tập sách ảnh “Sài Gòn Covid-19”. Anh mong muốn gửi đến mọi người những hình ảnh của một Sài Gòn - TPHCM thanh vắng, diễm lệ và nghĩa tình.
Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong cho biết, anh thực hiện bộ ảnh từ tháng 1/2020 và đỉnh điểm là đợt giãn cách xã hội 22 ngày vừa qua.
Trong 22 ngày Sài Gòn “vắng lạ” đến không ngờ, anh tranh thủ ghi lại hình ảnh từ tờ mờ sáng đến tận tối... Ngoài ra, thời gian còn lại trong ngày, anh cùng những người bạn đi phát gạo, thức ăn, quà bánh dành cho mảnh đời khó khăn đường phố.
Thấy tận mắt, nghe trực tiếp cùng trái tim của người nghệ sĩ, các bức ảnh của Trần Thế Phong gần như ôm trọn nhiều cảm xúc hơn bao giờ hết.
Anh cho biết, bắt gặp được nhiều khoảnh khắc đẹp đầy xúc động như “phát khẩu trang miễn phí”, ATM gạo với khẩu hiệu “Ai thiếu thì nhận ai thừa thì cho”, những bao gạo gói mì được chuẩn bị trao tặng với dòng chữ “Nếu khó khăn bạn hãy lấy một phần, nếu bạn ổn xin nhường người khác”, những hộp cơm giúp bà con san sẻ bớt nhọc nhằn…
Đó cũng là nghĩa tình của người dân Sài Gòn - TPHCM cùng nhau vượt qua thời kỳ khó khăn trong đại dịch.
Từ chủ đề đường phố, nhịp sống thường ngày, ảnh hưởng kinh tế, những địa điểm nổi tiếng, cửa hàng quán xá khép cửa, sự thay đổi linh hoạt trong dịch vụ kinh doanh mùa dịch, muôn kiểu mưu sinh, những mảnh đời khó khăn… Xem tất cả bộ ảnh, trong tâm trí mỗi người đọng lại câu nói: “Tất cả rồi sẽ ổn, hãy cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này”.
Nhà báo Trần Đức Tuấn chia sẻ: “Trần Thế Phong đã đem đến cho mọi người cơ hội ngàn vàng để chiêm ngưỡng một Sài Gòn hoàn toàn khác: Lặng lẽ, êm đềm, quý phái, trầm tư và tráng lệ, trong vắng lặng gần như tuyệt đối.
Nó làm cho đầu óc vốn hay phân tâm của con người bỗng nhiên tập trung, dồn sức, gần như lần đầu tiên nhìn thấy những kiến trúc tuyệt mỹ, những con đường thơ mộng, những đại lộ đầy cổ thụ trầm mặc, những ánh tà dương huyền bí trên nóc các đền đài.
Đây không chỉ là một món quà nghệ thuật, êm đềm cho hôm nay, mà còn là một áng tâm thư bằng hình ảnh gởi người đời sau, ưu tư và trân quý”.