Chép lấy, chụp lấy một khoảnh khắc đặc biệt nhất. Chính vì thế, anh chụp ảnh bằng tình yêu con người đến cháy lòng, cháy dạ. Anh luôn biến đối tượng chụp thành những thực thể nghệ thuật. Và, hơn nữa cứ như ánh sáng tạo chúng cho chính anh thưởng ngoạn trước tiên!
Giữ hẹn, tôi đến ngôi nhà ở phố Đường Thành, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nơi có căn phòng làm việc nhỏ xíu của Trần Hồng, bạn đồng môn nghề báo.
Như sáo nhảy theo những bậc thang cũ mèm, Hồng xuống đón và cất xe cho tôi. Đôi mắt sắc lẻm trực diện, như gần lại như xa đo đếm điều gì ấy, pha với nụ cười tinh tế, thân sâu rất đỗi Trần Hồng.
Lâu lâu mới gặp, tôi thầm lòng sẽ níu hỏi “ngón nghề” Trần Hồng chụp về những Mẹ Việt Nam Anh hùng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sao lại bắt mắt bắt lòng người xem bền lâu đến vậy?
“Cùng học nghề báo viết, cớ sao anh lại nhảy sang nghề ảnh?” - Tôi vào chuyện. Hồng dõi mắt vào tôi cứ như đếm định nội tâm người hỏi: “Thì cũng vẫn là việc phải quan sát. Cái hơn của mỗi nhà báo là tài quan sát. Quan sát là nghệ thuật - nghệ thuật để nhìn thấy. Để lấy ra nét đặc trưng của sự vật hoặc nhân vật.
Chép lấy, chụp lấy một khoảnh khắc đặc biệt nhất... Điều này không mới nhưng chẳng khi nào cũ... Làm ở báo Quân đội từ những năm đầu 70 của thế kỷ trước, theo nghề ảnh là do sự phân công. Cầm máy, tôi luôn tự nhủ: “Máy ảnh là công cụ dạy người ta làm sao để nhìn mà không có máy ảnh”.
Cổ nhân cũng từng nói: “Văn học là nhân học”. Người cầm máy ảnh cũng tương tự: “Bản thân ta thế nào thì ta nhìn sự vật thế ấy”! Lời bộc bạch của Trần Hồng làm tôi thoảng nhớ: Quả thực, tác nghiệp ở những lễ nghi, hội nghị, hội thảo Trần Hồng thường rất ý tứ mỗi khi di chuyển; không loăng quăng, tùy tiện qua mặt các quan khách ngồi dự...
“Hạnh phúc nhất cuộc đời là được cầm máy ảnh”! Câu nói thốt lên thành lời ấy, Trần Hồng láy đi láy lại nhiều lần trong cuộc chuyện. Anh bảo: Cầm máy để đi tìm sự thật, ghi lấy sự thật trong khoảnh khắc. Người quay phim, chỉ một giây họ đã ghi cả lô lốc hình; khi ấy máy ảnh chỉ một, cho nên bức ảnh phải làm sao cho thật “đắt”.
Tuyệt nhiên không khi nào được dùng kỹ xảo để chỉnh sửa ảnh, không khi nào được lắp ghép hình. Ảnh báo chí phải đúng sự thật, phải chứa đựng lượng thông tin, không được lừa dối bạn đọc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói với Trần Hồng: “Sự thật là chân lý, là sức thuyết phục mạnh nhất”!
Chuyện nghề của tôi với nghệ sĩ Trần Hồng bùng nổ, sôi lên cứ như đang trong cuộc hội thảo chuyên sâu có đông người nghe, người dự.
Tự dưng hồi tưởng lại cuộc trưng bày 86 bức ảnh chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng lần đầu của Trần Hồng, ở 45 Tràng Tiền, Hà Nội vào cuối tháng 12/1992, tôi nói: “Xem ảnh, nhìn gương mặt những bà mẹ của Trần Hồng từ dạo ấy, cũng như những bức ảnh Trần Hồng chụp về Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau này, mình cứ nghĩ tay máy của anh như có quyền lực hay ma thuật nào đấy”.
Trần Hồng đón ngay: “Đâu đến thế. Ma thuật là ở chỗ mình phải biết nhìn thấy con người theo những cách mới lạ”.
Tôi lại xen lời: “Xem ảnh anh chụp về Mẹ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp... tôi có cảm nhận Trần Hồng chụp ảnh bằng tình yêu con người đến cháy lòng cháy dạ. Anh luôn biến đối tượng chụp thành những thực thể nghệ thuật. Và, hơn nữa cứ như anh sáng tạo chúng cho chính anh thưởng ngoạn trước tiên!”.
Nghệ sĩ Trần Hồng nối ngay: “Đúng vậy. Nghệ thuật là thế. Báo chí cũng vậy. Mình không rung, không cảm thì mong chi truyền cảm đến người đọc, người xem! Thế có nghĩa là, không có gì mang tính nghệ thuật hơn là trái tim phải thực sự rung động, thực sự yêu thương người khác. Cũng có nghĩa nội dung cảm xúc của một bức ảnh là quan trọng nhất. Phải biến cái mới mẻ thành quen thuộc và những điều quen thuộc thành mới mẻ!...”.
Giọng trầm xuống, như đong như đếm, Hồng kể: Anh tính, chụp về những người Mẹ Anh hùng làm sao mình không rung động cơ chứ. Tất cả các bà mẹ đều đau nỗi đau xé lòng vì mất con, nhưng chung một nét đẹp: Kiệm nhời khi nói về mình, nhưng lại bộn lời khen người khác.
Mẹ Thứ ở Quảng Nam hiến dâng cho Tổ quốc cả 9 người con là minh chứng rất đậm về điều này. Quan sát mẹ Nguyễn Thị Khánh ở ấp Tám Ngàn, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) tôi quá thương, bởi nét cô đơn, hiu quạnh đến chát lòng, duy chỉ chú mèo mun lúc nào cũng quấn bên chân mẹ như chia sẻ, cảm thông, cho dù mẹ sống trong ngôi nhà gỗ rất đẹp do Sư Đoàn 4 hiến tặng.
Bốn lần tôi đến gặp mẹ thì cả bốn lần không sao chụp được ảnh mẹ. Bởi, ba lần mẹ khóc, một lần tôi khóc. Bởi, bảy lần mẹ tiễn những người con của mẹ ra chiến trường, thì cả bảy người con ấy không đứa nào trở về với mẹ. Phải lựa bữa cơm chiều và tôi phải mặc thường phục mới chụp được chân dung mẹ. Ngồi bên mâm cơm đôi mắt mẹ vẫn thẫn thờ, đợi mong, vô vọng!
Cho nên, trước khi bấm máy, cảm xúc của tôi thường dâng trào. Tình cảm ấy khơi nguồn từ sự quan sát, từ sự từng trải. Cũng bởi, lúc sinh thời mẹ đẻ của tôi rất thương yêu tôi.
Đất quê Đức Thọ, Hà Tĩnh nơi mẹ sinh tôi nghèo khó, năm nắng mười mưa mẹ cha mới làm ra củ khoai, hạt gạo nuôi con. Vậy mà mỗi khi về thăm mẹ, cho dù tôi đã là sĩ quan quân đội, nhưng mẹ vẫn lo cho tôi từ miếng ăn, vẫn kéo tôi ra chum nước để gội đầu như thuở là con nít.
Lúc nhắm mắt xuôi tay ở tuổi 97, đôi tất chân bạc phếch của mẹ vẫn găm đầy hoa cỏ trà may của đất cằn, lam lũ... khiến tôi hay liên tưởng, hay nghĩ về những người mẹ tận lòng với nước với dân, hiến dâng cả những người con thân yêu nhất cho Tổ quốc độc lập tự do!”.
“Hạnh phúc nhất cuộc đời là được cầm máy ảnh”! Trần Hồng láy lại cụm từ ấy cứ như sợ ai đấy sẽ cất đi hoặc lấy mất không bằng. Lời sẻ chia thân tình: “Người ta nói ảnh là sự đọng lại của con tim rung động, đúng nhưng chưa đủ mà còn là ở con mắt, con mắt biết nhìn thấy theo những cách mới lạ!”.
Tôi nối tiếp: “Người cầm máy còn phải đam mê, đam mê hết mình. Đam mê theo chủ đề, theo chủ thể yêu hoặc ghét đã chọn, rồi lao vào thực hiện cho tới hơi cùng sức kiệt!”.
Như nhấn đúng mạch, Trần Hồng rộ lời: “Đúng. Đúng như vậy. 45 năm cầm máy, hai chủ thể lớn mình đam đuổi là Ảnh chân dung Mẹ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp...”.
Vừa nói, Trần Hồng vừa đưa cho tôi xem bức ảnh chụp thủ bút lưu niệm của Đại tướng khi tham quan triển lãm ảnh Mẹ Việt Nam Anh hùng. Toàn văn: “Những tấm ảnh (những bức tranh) như thơ, như nhạc. Qua những hình ảnh ghi lại, người xem rất xúc động với những tình cảm, những nỗi đau thương và những niềm vui. Qua những con mắt làm cho người xem nhớ mãi. Chúc Trần Hồng, người nghệ sĩ chiến sĩ có nhiều tác phẩm lớn. (Ngày 23/12/1992. Ký tên - Đại tướng Võ Nguyên Giáp).
Lời thân tình, Đại tướng hỏi: “86 bức ảnh chân dung Mẹ, Trần Hồng thích ảnh nào nhất”? “Dạ. Thưa, em thích cả 86 ảnh ạ”! Đại tướng cười vang, vỗ vai Hồng: “Cậu ranh thật. Người Hà Tĩnh có khác”! Thấy Hồng luôn đem bên mình 2 chiếc máy ảnh. Một chụp màu, một chụp đen trắng. Đại tướng hỏi lý do. Trần Hồng đáp: “Ảnh màu bắt mắt nhưng dễ bị đánh lừa. Đen trắng thật và minh bạch ạ”! Đại tướng cười vang: “Hay. Hay. Nghề báo phải đi đến tận cùng sự thật”!
Lần khác, Đại tướng nhỏ lời: “Trần Hồng, sao cậu chụp tớ nhiều thế”? Trần Hồng vui vẻ, giọng hóm hỉnh: “Dạ. Thưa, sao Đại tướng lại cho em, kẻ vô danh tiểu tốt được chụp ạ”? Cuộc đời cầm máy, được gần Đại tướng, đi và ghi ảnh, tôi hiểu Đại tướng là con người thẳng thắn, ghét dối trá, ghét “diễn” để “đánh bóng” mình. Cho nên tôi rất chú tâm quan sát Đại tướng. Mỗi khi đưa máy chụp, tôi luôn để tâm chọn góc, chọn nét đặc tả nhất để bấm máy...
Lần giở xem những bức ảnh của Trần Hồng. Đặc biệt tập sách Trần Hồng - Tôi chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp do Nhà xuất bản Lao động ấn hành tháng 9/2015 mới thấy nghệ sĩ Trần Hồng bám chủ đề, bám chủ thể đã chọn miết mải đến chừng nào. Bởi cuộc đời Đại tướng là cuộc đời binh nghiệp với biết bao dấu mốc vàng son lịch sử của đất nước.
Ấy là Đại tướng với Cao Bằng, với Điện Biên chấn động địa cầu; với Quảng Bình và dòng Kiến Giang thơ mộng nơi chôn nhau cắt rốn nặng sâu nghĩa tình; với căn nhà 30 Hoàng Diệu; với đồng chí, đồng bào; với bầu bạn năm châu... Mỗi địa danh là dấu mốc lịch sử; mỗi bức ảnh Trần Hồng chụp Đại tướng là dấu mốc để đời về nhân vật tài ba mà dân dã; oai phong nhưng cũng rất bình dân, giản dị, đời thường... đậm mãi, ở mãi (cả bằng ảnh - nhờ tài quan sát, con mắt thần kỳ của nghệ sĩ).
Khép cuộc chuyện với đồng nghiệp, kẻ báo viết - người báo ảnh, câu nói của triết gia ảnh người nước Áo từ thế kỷ trước cứ vang lên trong tôi: “Chiếc máy ảnh không tạo được chút khác biệt nào. Tất cả những gì chúng ta làm là ghi nhận những gì ta đang nhìn thấy”! Ngộ ra, đó chính là nghệ thuật quan sát. Là con mắt thần kỳ của nghệ sĩ nhiếp ảnh.