Sau kỷ niệm 68 năm ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2021), giới nhiếp ảnh xôn xao thông tin về Khánh Phan - nữ nhiếp ảnh quê Thái Bình (sống tại TP HCM) đoạt giải nhất hạng mục ảnh du lịch của cuộc thi quốc tế Sony World Photography Awards.
Sẽ không có gì xôn xao nếu như đó là giải thưởng quốc tế bình thường. Đằng này, một cuộc thi nhiếp ảnh có sức cạnh tranh gay gắt bậc nhất thế giới, khi nhận 330.000 ảnh nhưng chỉ chọn 10 ảnh tốt nhất cho 10 mục ảnh của giải Open.
Khánh Phan là tác giả Việt Nam đầu tiên và duy nhất thắng giải mở rộng. Bức ảnh mà Khánh Phan chụp thể hiện một cô gái đang phơi những khay cá ở chợ Long Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu). Những khay gỗ khi nhìn từ trên cao tạo cảm giác như cô gái đang dệt một tấm thổ cẩm khổng lồ.
Nhìn lại nền nhiếp ảnh 68 năm qua, mới thấy những cống hiến của các nghệ sĩ đối với nghệ thuật nhiếp ảnh là rất lớn. Mới đây, bà Trần Thị Thu Đông – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam trong thư gửi các hội viên đã khẳng định: Với nhiều hoạt động nghiệp vụ đa dạng, phong phú, hấp dẫn, đúng định hướng, Hội đã có những bước tiến vượt bậc, khẳng định vị trí, vai trò của mình trong đời sống văn hóa - xã hội của đất nước, đồng thời chứng tỏ tài năng sáng tác của các nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng cần bàn đến những hạn chế của nhiếp ảnh được ví như những “căn bệnh khó chữa” như nhân bản, đánh cắp ý tưởng, lạm dụng công nghệ, tư duy cũ mòn… đã làm tính chân thật của nhiếp ảnh trở nên giả tạo, mất lòng tin đối với công chúng.
Trong các liên hoan ảnh khu vực, điều mà giám khảo dễ bắt gặp nhất chính là vấn nạn đánh cắp ý tưởng, bắt chước nhau. Những bức ảnh năm nay cứ na ná như mấy năm trước; thậm chí có những tác phẩm giống hệt nhau từ góc máy đến bố cục, màu sắc.
Sự giống nhau, đôi khi không phải là “ăn cắp” của nhau nhưng lại xuất phát từ một nguyên nhân mà dân gian gọi theo cách rất “bố đời”: Sáng tác hội đồng.
Một nhóm mười nhiếp ảnh gia (thậm chí đông hơn) rủ nhau đi sáng tác. Cùng một sự kiện, một cảnh huống nhưng thay nhau đứng cùng một góc chĩa máy để chụp. Ông trẻ hơn thấy ông thâm niên dùng ống máy này thì cũng thay ngay ống máy ấy.
Về nhà, bức ảnh ấy được chỉnh sửa hết cỡ, khiến cho người ngoài tưởng khâu chỉnh sửa mới là công việc chính của một nhiếp ảnh gia! Nghệ sĩ nhiếp ảnh lạm dụng photoshop, coi công nghệ như “cứu cánh” giúp cho bức ảnh trở nên sống động, thần thái.
Công nghệ photoshop không phải là xấu, nhưng nó chỉ tốt khi người sử dụng đủ thông minh để biến ý tưởng của mình trở nên độc đáo hơn. Đồng thời giúp cho người thưởng thức tác phẩm có thêm những mường tượng cụ thể. Tuy vậy, nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh khẳng định, rất hạn chế can thiệp công nghệ vào ảnh mộc vì tôn trọng vẻ đẹp tự nhiên vốn có và tôn trọng sức lao động của bản thân.
Xa rời sự thật, không dấn thân tìm tòi sáng tạo, chạy theo vẻ đẹp giả tạo nuông chiều thị giác… không chỉ là “căn bệnh” làm nghệ sĩ “lùn” đi, mà còn là bức tường ngăn cách khiến họ không bao giờ chạm được tay vào nghệ thuật. Mà nghệ thuật thì mỏng lắm, giữa nhiếp ảnh gia và “phó nháy” chỉ cách nhau một tờ giấy.