Những tình tiết “nóng” nổi bật trong vụ 9 người tử vong sau chạy thận ở Hòa Bình

GD&TĐ - Với nhiều bất thường trong vụ án này như con số tử vong mới được đưa ra chính xác là 9 người chết chứ không phải 8 người chết; lời khai của cả nhân chứng và bác sĩ Lương có nhiều điểm chưa rõ ràng, có nguy cơ sai lệch hồ sơ vụ án; không xác định rõ trách nhiệm của những người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước tiên, …

Những tình tiết “nóng” nổi bật trong vụ 9 người tử vong sau chạy thận ở Hòa Bình

Dưới đây là tổng hợp những tình tiết nổi bật trong vụ sự cố chạy thận ở Hòa Bình trong mấy ngày qua.

Con số tử vong chính xác trong sự cố chạy thận là 9 người

Trong phiên xét xử sáng 18/5, luật sư Nguyễn Hoàng Trung (luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị hại) cho biết, số nạn nhân bị tử vong trong vụ án trên không phải là 8 mà là 9 bệnh nhân.

"Tôi xin đính chính là trong vụ án này, số nạn nhân tử vong vì tai biến chạy thận tại tỉnh Hoà Bình là 9 người. Người vừa mới không qua khỏi là ông Phạm Ngọc Trung. Tôi đã đăng ký bổ sung là người đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia định nạn nhân thứ 9 và đã được HĐXX chấp thuận", luật sư Trung nói.

Chia sẻ với báo chí, luật sư Trung cho biết, người tử vong thứ 9 là nam bệnh nhân ở TP. Hòa Bình. Nạn nhân này tử vong vào cuối năm 2017 và sau đó gia đình đã nhờ luật sư Trung bảo vệ.

Luật sư Trung cho biết, nạn nhân trước đó là 1 trong 18 người bị tai biến trong vụ chạy thận. Sau đó, bệnh nhân được chuyển xuống BV Bạch Mai điều trị. Tuy nhiên, đến cuối năm 2017 thì tử vong.

“Có những nạn nhân tử vong tại thời điểm xảy ra tai biến, nhưng có bệnh nhân một thời gian sau mới tử vong và trường hợp của nạn nhân thứ 9 là như vậy”, luật sư Trung nói.

Cụ thể, nạn nhân thứ 9 là Phạm Ngọc Trung (sinh năm 1961, trú tại H.Kỳ Sơn, Hòa Bình), tử vong cuối năm 2017. Ông Phạm Ngọc Trung cùng 17 người khác được đưa vào lọc máu tại đơn nguyên thận nhân tạo BVĐK Hòa Bình ngày 29/5/2017.

Sau đó, cả 18 người cùng có những biểu hiện nôn nao, cả người mẩn ngứa và hôn mê. Ngay tại thời điểm đó đã có 8 người tử vong, nạn nhân trẻ nhất mới 36 tuổi.

Cuốn sổ phân công nhiệm vụ cho BS Lương có nhiều điểm chưa rõ ràng

Trong phiên thẩm vấn chiều 18/5, luật sư, Viện Kiểm sát (VKS) và Hội đồng Xét xử (HĐXX) phiên tòa vụ án 9 bệnh nhân chạy thận tử vong ở Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình đã tập trung hỏi về cuốn sổ giao ban có nội dung phân công bác sĩ Hoàng Công Lương phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo.

Cuốn sổ này được coi là một trong những chứng cứ để các cơ quan tố tụng xác định trách nhiệm của bác sĩ Lương. Trong suốt những ngày qua, bác sĩ Lương liên tục khẳng định chỉ làm nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân, không phụ trách đơn vị này.

Bác sĩ Hoàng Công Tình - phó khoa Hồi sức tích cực BVĐK Hoà Bình đã cho HĐXX xem lại cuốn sổ giao ban năm 2016 ở cuối có nội dung phân công bác sĩ Lương phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo, ông Tình cho biết mình chủ toạ buổi họp đó và đã ký vào biên bản cuộc họp trong sổ.

Nhưng ông Tình khẳng định buổi họp chỉ có nội dung bình xét công việc của cán bộ, viên chức chứ không có phần phân công nhiệm vụ. Ông Tình nói dòng phân công nhiệm vụ cho bác sĩ Lương đã được ghi thêm vào.

Theo ông Tình, lý do có thể ghi thêm là vì ông ký cách với nội dung biên bản 3 dòng vì "tại buổi họp chưa bình xét hết cán bộ".

Có 2 người có lời khai tại cơ quan điều tra nhưng không có mặt ở toà là bác sĩ Nguyễn Thị Huyền và Nguyễn Mạnh Linh, thể hiện tại đơn nguyên thận nhân tạo, bác sĩ Hoàng Công Lương được giao phụ trách chung và phụ trách về chuyên môn, cũng phụ trách trực tiếp 2 bác sĩ còn lại, và là người ra y lệnh cuối cùng của mỗi ca chạy thận nhân tạo.

Tuy nhiên, bác sĩ Lương nói: "Lời khai của 2 bác sĩ như vậy là không đúng". Bác sĩ Lương cho biết chỉ ký các hồ sơ bệnh án cùng 2 bác sĩ kia với tư cách người chia sẻ về chuyên môn.

Đến phiên xử hôm 21/5, được HĐXX truy cuối buổi trước khi kết thúc phiên toà, ông Đinh Tiến Công, điều dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình đứng lên trả lời câu hỏi luật sư trong vai trò là nhân chứng. Ông Công khai, thời điểm năm 2015, 2016 trong biên bản cuộc họp không có nội dung phân công bác sĩ Hoàng Công Lương chịu trách nhiệm đơn nguyên Thận nhân tạo. Sau khi sự cố xảy ra mới viết thêm nội dung phân công nhiệm vụ cho bác sĩ Lương vào biên bản này.

Khi HĐXX hỏi: Cuộc họp giao ban năm 2015-2016 khai có phần phân công nhiệm vụ như sau này giao nhiệm vụ không?, ông Công đáp: Lời khai thực tế có phân công nhiệm vụ, khi họp chưa ghi. Sau này khi sự cố xảy ra thì mới ghi để hoàn thiện sổ sách.

Khi tòa hỏi lý do tại sao sau sự cố mới viết thêm phần nội dung phân công công việc cho bác sĩ Lương?. Ông Công nói: Lý do không vì một mục đích gì cả, chỉ để hoàn thiện thủ tục hành chính, sau sự cố tập thể khoa không biết nguyên nhân do đâu, nhưng thủ tục hành chính phải hoàn thiện. Do lãnh đạo cụ thể là trưởng và phó khoa chỉ đạo.

Tòa tiếp tục hỏi "ai chỉ đạo"? Ông Công nói rằng "không nhớ" nhưng ông khẳng định có vết thêm đoạn phân công nhiệm vụ ở mục cuối cùng trong biên bản vì trước đó ông có nghe được phân công công việc cho bác sĩ Lương phụ trách khoa thận tiết niệu lọc máu bằng hình thức "miệng".

"Về nội dung cuộc họp 2015, sau sự cố, Khoa thường xuyên họp và thống nhất. Tôi được Trưởng khoa Hoàng Đình Khiếu chỉ đạo viết thêm. Năm 2016 thì ghi nội dung phân công không thay đổi so với năm 2015", ông Công trả lời.

Phải đối chất về lời khai này, ông Hoàng Đình Khiếu cho biết, việc phân công cho các thành viên trong khoa là trách nhiệm và quyền hạn của ông Khiếu. Năm 2015, ông Khiếu đã phân công trách nhiệm cho cán bộ y tế nhận nhiệm vụ 2016 để hoạt động.

Ông Khiếu nói rằng, ông đã khai với cơ quan điều tra và không nắm được nội dung cuốn sổ đó có những nội dung gì. Việc chỉ đạo, ông Khiếu không chỉ đạo sửa chữa hay ghi thêm nội dung gì trong cuộc họp. Ông Khiếu cũng không biết Công ghi thêm nội dung lúc nào.

Nhiều nhân vật "chủ chốt" liên quan trực tiếp đến vụ án liên tục vắng mặt

Sau sự cố chạy thận khiến 9 người chết, đây được coi là một vụ án nghiêm trọng, một sự cố y khoa về chạy thận có nhiều người chết nhất xảy ra tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình. Tuy nhiên, suốt những xét xử vừa qua, ông Trương Quý Dương (nguyên giám đốc bệnh viện) đã vắng mặt vô thời hạn dù tòa đã nhiều lần có giấy triệu tập tới với vai trò là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tới vụ án.

Trong suốt 6 ngày qua, cả cựu giám đốc BV Trương Quý Dương và trưởng phòng Vật tư Trần Văn Thắng đều vắng mặt.

Ông Dương đã uỷ quyền cho ông Đỗ Quốc Quyền tham gia tố tụng tại toà nhưng ông Quyền chỉ có mặt trong nửa ngày xử đầu tiên, riêng ông Thắng có đơn xin vắng do sức khoẻ không đảm bảo.

Các luật sư đều nhìn nhận, đây là những nhân vật chủ chốt, ký trực tiếp các quyết định liên quan đến toàn bộ vụ án.

Không chỉ có vậy, Giám đốc của Công ty TNHH Thiên Sơn là đơn vị cung cấp hệ thống máy chạy thận và dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống này cũng vắng mặt tại toà.

Rõ ràng sự vắng mặt của ông Dương và Giám đốc công ty Thiên Sơn tại tòa là điều rất bất thường vì đây là 2 cá nhân có pháp nhân và vai trò rất lớn liên quan tới vụ tai biến vì họ là những người ký kết hợp đồng kinh tế về việc hợp tác đặt máy chạy thận nhân tại tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, cũng như liên quan tới các dịch vụ bảo trì, sửa chữa hệ thống.

Sự vắng mặt của các cá nhân nêu trên không chỉ gây bất lợi cho các bị cáo, nhất là đối với bác sĩ Lương mà còn khiến quá trình xét xử vụ án khó đảm bảo được "công bằng, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội" ... như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình.

Hơn nữa, việc vắng đồng loạt của các cá nhân có liên quan trên không chỉ khiến những người dân không quản ngại vất vả tới theo dõi phiên tòa mà tất cả dư luận, cộng đồng xã hội đều rất bức xúc, phẫn nỗ trước thái độ vô trách nhiệm, bỏ mặc đồng nghiệp và cấp dưới của một số người có trách nhiệm tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Bày tỏ sự không hài lòng, LS Chiến đặt vấn đề tại sao phiên tòa càng về sau lại càng có nhiều người với vai trò quan trọng trong vụ án xin vắng mặt. LS Nguyễn Văn Chiến đã đề nghị HĐXX có biện pháp triệu tập nghiêm khắc hơn đối với những người này để đảm bảo quá trình xét xử diễn ra xuyên suốt.

Lời khai “sinh đôi”

Trong phiên sơ thẩm xét xử tai biến chạy thận tại tỉnh Hoà Bình, phần đối chất giữa bị cáo Hoàng Công Lương, điều dưỡng Đỗ Thị Điệp và điều tra viên Bùi Tuấn Nghĩa, cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Hoà Bình) được chú ý hơn cả.

Luật sư Nguyễn Văn Chiến đề nghị được đối chất với bị cáo Hoàng Công Lương. Trước Hội đồng xét xử (HĐXX), bác sĩ Hoàng Công Lương khẳng định điều tra viên đã đưa lời khai của trưởng khoa Hoàng Đình Khiếu để mình khai giống như vậy. "Bị cáo khai theo bản lời khai của ông Hoàng Đinh Khiếu", bác sĩ Lương nhắc lại.

Sau đó luật sư Chiến công bố trước HĐXX rằng đã có 2 biên bản lời khai của chị Điệp được lập cùng thời điểm 14h-15h30 ngày 15/7/2017 và đề nghị điều tra viên Nghĩa làm rõ, tại sao lại trùng thời gian? Ông Nghĩa trả lời: “Đã thể hiện rõ trong hồ sơ và tôi không giải thích gì thêm”.

Cụ thể, trong các lời khai của bác sĩ Hoàng Công Lương  tại cơ quan điều tra có lời khai bác sĩ này thừa nhận được giao trách nhiệm quản lý tại đơn nguyên thận nhân tạo - Khoa hồi sức tích cực.

Luật sư Nguyễn Chiến cho rằng khi xem xét hồ sơ nhận thấy lời khai của bị cáo Lương và của ông Hoàng Đình Khiếu trong phần phân công nhiệm vụ tại buổi họp cuối năm 2015 có 2 đoạn hầu như giống nhau, hay gọi cách khác là "lời khai sinh đôi".

Do vậy, luật sư Nguyễn Chiến tiếp tục chất vấn điều tra viên Bùi Tuấn Nghĩa về sự giống nhau trong 2 lời khai này. Trả lời luật sư, điều tra viên Nghĩa khẳng định đã hỏi cung theo đúng quy định pháp luật, không chuyển bất cứ tài liệu nào cho bị cáo Hoàng Công Lương trước khi lấy lời khai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.