Có một số dự báo đáng chú ý được đưa ra khi chỉ còn 5 tháng nữa là kết thúc năm, trong đó có dự kiến chỉ số sản xuất công nghiệp cả năm tăng trên 8%, góp phần bảo đảm mục tiêu tăng trưởng của ngành năm 2017.
Các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày khá bình ổn
Theo Bộ Công Thương, tính chung 6 tháng đầu năm, nhập siêu cả nước ước là 2,78 tỷ USD, chiếm 2,8% KNXK (thấp hơn mức nhập siêu theo mục tiêu cả năm là 3,5% so với KNXK). Đóng góp vào thành tích kiểm soát nhập siêu dưới mức mục tiêu của 6T đầu năm là do:
Thứ nhất, nhập khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng và sắt thép, kim loại tăng cao để phục vụ các dự án đầu tư tăng. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 6 tháng đầu năm 2017, ước tính tổng vốn FDI thực hiện đạt khoảng 7,72 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2016, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực chế biến, chế tạo. Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Điện lực Vĩnh Tân 1, Nhiệt điện Thăng Long cũng tăng cường nhập khẩu máy móc thiết bị phục vụ một số dự án về năng lượng; Viettel tăng nhập khẩu thiết bị phục vụ dự án 4G,..
Thứ hai, nhu cầu nhập khẩu phục vụ sản xuất. Thông lệ hàng năm, xuất khẩu từ tháng 6 trở đi bắt đầu vào chu kỳ tăng trưởng, đặc biệt là các mặt hàng có kim ngạch lớn như đồ gỗ, dệt may, giày dép,v.v.. nên các doanh nghiệp gia tăng nhập khẩu để sản xuất các đơn hàng xuất khẩu.
Thứ ba, mặt bằng giá thế giới tăng. Tính chung các nhóm hàng có thống kê về lượng nhập khẩu thì sự tăng giảm của yếu tố giá đã làm kim ngạch nhập khẩu tăng thêm khoảng 4,64 tỷ USD.
Còn ở trong nước, thị trường hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày khá bình ổn, nguồn cung hàng hóa của các doanh nghiệp khá dồi dào, đa dạng, giá hàng hóa không có biến động lớn.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm đạt 1.924.124 tỷ đồng, tăng 10,16% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó các nhóm chính là lương thực, thực phẩm và lưu trú ăn uống có mức tăng cao lần lượt 10,2% và 12%.
Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 6 tháng tăng khoảng 8,4%, đây là mức tăng khá tốt trong thời gian khá dài gần đây (từ năm 2011 đến 2016 thường tăng quanh mức 4,8-7,6%) cho thấy sức mua trên thị trường đang có dấu hiệu phục hồi tốt.
Tín hiệu và dự báo những tháng cuối năm
Dự báo 6 tháng cuối năm giá dầu thô diễn biến khó lường, tình hình khai thác khó khăn hơn do mùa gió chướng sẽ tác động đến khả năng sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, Bộ Công Thương khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo PVN tập trung mọi nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các Nhà thầu Dầu khí nước ngoài và có kế hoạch cụ thể chi tiết bảo đảm khai thác hơn 1 triệu tấn dầu thô và 1 tỷ m3 khí so với kế hoạch được giao, qua đó phấn đấu cả năm sẽ đạt trên 13,28 triệu tấn dầu thô và 10,6 tỷ m3 khí, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong khi đó, năng lực sản xuất của ngành còn dư để gia tăng sản lượng. Tuy nhiên, việc gia tăng sản lượng hiện nay tùy thuộc vào nhu cầu của thị trường (đặc biệt là của các hộ tiêu thụ lớn ở trong nước). Trong khi nhu cầu thị trường trong nước còn thấp, xuất khẩu cũng gặp khó khăn do giá thành cao, nguồn cung trên thị trường dồi dào... Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho biết sẽ chỉ đạo ngành than phấn đấu hoàn thành mục tiêu sản lượng than sạch sản xuất khoảng 39,43 triệu tấn, tăng 2,4% so với năm 2016.
“Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn trong công tác tiêu thụ các loại khoáng sản tồn đọng, có giá trị để các doanh nghiệp sớm thực hiện được các đơn hàng xuất khẩu ở mức tối đa, góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp”- Bộ này khẳng định.
Bộ Công Thương cũng cho biết sẽ thực hiện rà soát, đánh giá khả năng tăng trưởng những tháng cuối năm của 24 sản phẩm chủ yếu của nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy một số sản phẩm có khả năng tăng trưởng sản lượng tốt (tăng trên 8,0%) gồm: sắt thép thô; thép cán; tivi; vải dệt từ sợi tự nhiên; quần áo mặc thường; bia các loại; sữa bột; xi măng; dầu gội, dầu xả; sơn hóa học; alumin.
Một số sản phẩm có khả năng tăng trưởng sản lượng ở mức trung bình dưới 8,0% gồm: Thép thanh, thép góc; xe máy; phân NPK; phân ure; điện thoại di động; ô tô; vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo; giày dép da; thuốc lá bao các loại; sữa tắm, sữa rửa mặt; bột giặt và các chế phẩm dùng để tẩy rửa. Dự kiến sản xuất các nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo sẽ đạt và vượt mức kế hoạch đề ra.
Còn ngành điện được dự tính sẽ phấn đấu đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện và thị trường điện đáp ứng nhu cầu điện cả nước. EVN đảm bảo cung cấp điện nếu nhu cầu tăng 11,5% hoặc cao hơn, ngành phấn đấu đạt mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2017 của ngành tăng khoảng 11,5%.
Trong 6 tháng cuối năm, xuất khẩu dự tính sẽ tăng cao đối với một số mặt hàng công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn bắt đầu vào chu kỳ tăng trưởng như dệt may, giày dép, đồ gỗ đều bước vào mùa vụ thu đông xuất khẩu. Nhập khẩu máy móc thiết bị đã tăng rất cao trong những tháng đầu năm do việc giải ngân của một loạt các dự án nên sẽ giảm dần trong những tháng cuối năm.
Dự báo, kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt khoảng 200 tỷ USD, tăng trên 13% so với cùng kỳ, vượt chỉ tiêu kế hoạch. Nhập khẩu năm 2017 ước đạt 205 tỷ USD, tăng trên 17% so với cùng kỳ. Nhập siêu ước khoảng 5 tỷ USD, bằng khoảng 2,5% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn mức Quốc hội đề ra.
Còn thương mại nội địa dự kiến vẫn tiếp tục xu hướng tăng tốt, đặc biệt trong dịp cuối năm nhu cầu tiêu dùng tăng cao, dự kiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2017 ước đạt khoảng 3.881 nghìn tỷ đồng, tăng trên 10% so với năm 2016, bảo đảm mục tiêu kế hoạch đề ra.
Giải pháp nhằm đạt mục tiêu
Với ngành công nghiệp, để đạt mục tiêu đề ra, thời gian tới sẽ tập trung vào một số giải pháp lớn và mang tính nền tảng như: Tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty trong các lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế để khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh lớn của nền kinh tế.
Thêm vào đó là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua các chính sách về thuế, phí... để giúp cho các doanh nghiệp cắt giảm được chi phí, phát triển thị trường, cạnh tranh có hiệu quả với các sản phẩm nhập khẩu cũng như đẩy mạnh được xuất khẩu, qua đó tăng trưởng được sản lượng sản xuất.
Rà soát, tăng cường kiểm soát, quản lý nhà nước và tập trung giải quyết các dự án đang tồn đọng, các dự án còn vướng mắc để sớm tái khởi động, đưa vào khai thác sản xuất kinh doanh, phát huy nguồn lực đóng góp mạnh mẽ vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho năm 2017 và những năm tiếp theo.
Đây là một trong những nguồn lực để đóng góp vào tăng trưởng GDP của đất nước không chỉ năm 2017 mà còn cho những năm tiếp theo. Đồng thời, tiếp tục bám sát thị trường, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và bảo vệ lợi ích của các ngành sản xuất trong nước (đặc biệt là các ngành như: thép, ô tô, phân bón, hóa chất...) để tiếp tục gia tăng sản lượng, giải phóng lực lượng sản xuất gắn liền với đổi mới cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Bộ Công Thương cho rằng cần thúc đẩy phát triển thị trường ngoài nước, khai thác tốt các FTAs và ứng phó một cách chủ động, có hiệu quả với các xu thế bảo hộ và hàng rào kỹ thuật ở các thị trường trên thế giới.
Bên cạnh việc tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất công nghiệp, theo đó tập trung vào 2 nhóm giải pháp chính là: (1) hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp áp các hệ thống quản lý chất lượng hiện đại, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; (2) đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ nâng cao năng lực sản xuất và cung cấp các sản phẩm nội địa có chất lượng và khả năng cạnh tranh.
Trong khi tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất trong nước và cho các dự án sản xuất hàng xuất khẩu để tạo nguồn hàng cho xuất khẩu; Tăng cường công tác thông tin thị trường và các biện pháp tháo gỡ vướng mắc về rào cản thị trường; tiếp tục tổ chức tuyên truyền rộng rãi về ưu đãi FTA; hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các hàng rào về tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng của nước nhập khẩu, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản.
Tiếp tục tháo gỡ rào cản, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu đặc biệt là nông sản, thủy sản thâm nhập vào các thị trường mới; Tăng cường quản lý nhập khẩu thông qua áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng nhập khẩu nhiều theo quy định của pháp luật và phù hợp với cam kết quốc tế.
Nhằm thúc đẩy sức mua trên thị trường trong nước, sẽ tập trung triển khai 71 dự án, nhiệm vụ thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 – 2020. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, đặc biệt là trong các dịp lễ, Tết, dịp cuối năm.
Tiếp tục tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại, hệ thống phân phối. Hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa, tập trung trước hết vào các chuỗi cung ứng hàng nông sản thực phẩm thiết yếu của thị trường xã hội; Hoàn thiện “Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.