Xuất khẩu gạo đang khởi sắc trở lại

GD&TĐ - Sau một thời gian dài giảm liên tục, hiện tình hình xuất khẩu gạo hiện đang ấm dần với những tín hiệu khá lạc quan. Mặc dù chưa thực sự tạo ra đột biến, nhưng những tín hiệu này cũng đã góp phần giúp thị trường lúa gạo Việt Nam sôi động trở lại.

Xuất khẩu gạo có chiều hướng lạc quan sau thời gian dài trầm lắng
Xuất khẩu gạo có chiều hướng lạc quan sau thời gian dài trầm lắng

Những tín hiệu tích cực

Tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước 6 tháng đầu năm diễn ra gần đây, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho hay, kim ngạch xuất khẩu gạo đã quay lại đà tăng sau nhiều tháng suy giảm mạnh. Kết quả này là sự nỗ lực của hai Bộ Công Thương và NN&PTNN trong việc phối hợp mở cửa thị trường, tháo gỡ khó khăn về đầu ra cho sản phẩm.

Theo đó, kim ngạch xuất khẩu gạo tháng 6 ước đạt 413.000 tấn với giá trị 182 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 6 tháng đầu ước đạt 2,8 triệu tấn, giá trị 1,2 tỷ USD, tăng 6,3% về khối lượng và tăng 4,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), từ đầu năm đến nay, nhu cầu các hợp đồng tập trung tăng cao. Dự kiến, sẽ có khoảng 770.000 tấn gạo được các nước nhập khẩu nhận giao hàng từ nay đến tháng 8/2017.

Trung Quốc tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với 46,5% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này từ đầu năm đến nay đạt hơn 1,1 triệu tấn và 488 triệu USD, tăng 34,2% về khối lượng và tăng 31,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Con số tăng trưởng này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh Trung Quốc đang siết dần nhập khẩu tiểu ngạch, cho thấy các doanh nghiệp xuất khẩu đã và đang quen dần với việc chuyên nghiệp hoá trong xuất khẩu chính ngạch sang quốc gia này.

Cơ hội về thị trường đang rộng mở khi Philippines sẽ đấu thầu mua 250.000 tấn gạo trong tháng 7 và khả năng Việt Nam được chọn để cung cấp là rất cao. Tiếp đó, Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) cũng xem xét nhập khẩu 544.000 tấn gạo trong thời gian từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 9 để chuẩn bị cho mùa giáp hạt 2017 sau nhiều lần tạm hoãn nhập khẩu gạo.

Ngoài ra, Bản ghi nhớ (MOU) về thương mại gạo giữa Việt Nam và Bangladesh vừa được ký gia hạn và sẽ có hiệu lực 5 năm, kể từ đầu năm 2017 đến năm 2022 đang mang lại nhiều cơ hội xuất khẩu ngay lập tức 250.000 - 300.000 tấn gạo trắng 5% cho doanh nghiệp. Tiếp sau đó, mỗi năm, tuỳ theo nhu cầu và giá cả thị trường, Việt Nam sẽ cung cấp cho Bangladesh 1 triệu tấn gạo các loại...

Còn đó những nỗi lo

Theo VFA, tính đến thời điểm này các doanh nghiệp vẫn còn khoảng 1,1 triệu tấn gạo đã ký hợp đồng song chưa giao hàng, trong đó gần 900.000 tấn là thuộc hình thức hợp đồng thương mại. Số lượng hợp đồng đăng ký xuất khẩu hiện tăng trở lại, chủ yếu do giá xuất khẩu giảm, có sức cạnh tranh về giá nên thu hút người mua quay lại.

Các chuyên gia cho rằng, dù không không muốn thừa nhận, nhưng gạo Việt Nam chỉ có thể cạnh tranh được với các nguồn cung khác nếu có giá bán thấp hơn. Đây là một thực tế khó tránh được khi xét về mặt bằng chung, gạo Việt còn chưa có thương hiệu và chất lượng còn thấp hơn so với những nước này. Điều này cũng lý giải nguyên nhân vì sao những tháng đầu năm nay giá lúa gạo trong nước cao bất thường, kéo theo giá xuất khẩu tăng theo, nhưng doanh nghiệp lại không ký được nhiều hợp đồng mới nên xuất khẩu đã chững lại.

Mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực, nhưng một số doanh nghiệp cho rằng, những tín hiệu trên vẫn chưa đủ sức tạo sự đột biến để thay đổi cục diện cho vấn đề xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện nay.

Vẫn không ít lo ngại về việc liệu các doanh nghiệp Việt có tiếp cận được với những nhu cầu này không. Bởi hiện Philippines đã chuyển sang cơ chế điều hành nhập khẩu gạo mới, thay vì tổ chức đấu thầu tập trung sang cho tự nhân mua gạo. Điều này tuy giúp các doanh nghiệp Việt chủ động tiếp cận các nhu cầu, nhưng nếu không cải thiện chất lượng, có thương hiệu, có giá bán tốt thì gạo Việt sẽ khó cạnh tranh với các nguồn cung cấp khác.

Các chuyên gia cho rằng, từ nay đến hết năm 2017, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tốt hơn so với những tháng vừa qua. Bởi hiện Thái Lan đã xả gần hết lượng gạo tồn kho, phần còn lại không đáng kể. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp thương mại gạo không chỉ riêng Việt Nam mà của toàn cầu sẽ trở lại quỹ đạo cũ, không bị áp lực lớn như thời gian vừa qua. Mặt khác, giá gạo xuất khẩu Việt Nam đã giảm nhẹ so với trước đó, trong khi mặt bằng giá của các nguồn cung khác lại cao hơn...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ