Những tiết học rạng rỡ niềm vui
Trong giờ học Giáo dục công dân, học sinh lớp 6A4 Trường THCS Nguyễn Trãi (quận Ba Đình, Hà Nội) được học bài “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân Việt Nam” tích hợp với một số hoạt động gắn với nội dung chuyên đề của dự án Trường học hạnh phúc.
Mở đầu là hoạt động học sinh cùng nhau hát bài hát "Thở vào, thở ra”. Nội dung bài hát cùng những động tác múa đem lại cho học sinh cảm giác dễ chịu, khoan khoái. Sau đó, các em theo dõi từng nhịp thở của mình và diễn tả tâm trạng ngày hôm nay của mình qua cách giơ tay. Khởi động cho một tiết học đã giúp cô trò xích lại gần nhau trong cách biểu lộ, chia sẻ cảm xúc của mình.
Tiết học tiếp diễn trôi chảy với các nội dung về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân Việt Nam. Trong những nghĩa vụ của công dân, từ bài tập khám phá, học sinh nhận thức được ngoài nghĩa vụ học tập, con cái trong gia đình cũng cần có trách nhiệm giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà.
Trong giờ dạy, cô giáo đã khéo léo tích hợp hướng dẫn học sinh nuôi dưỡng lòng biết ơn. Phần khám phá bài học được cô dẫn dắt rất khéo léo, làm cho học sinh trở thành trung tâm của tiết học, là người chủ động chiếm lĩnh kiến thức thông qua hệ thống bài tập phong phú, đa dạng, gần gũi với đời sống thực tế.
Điều đáng chú ý là trong suốt tiết dạy, thái độ cởi mở, ân cần, quan tâm động viên tới từng học sinh trong lớp được cô giáo bộc lộ rất tự nhiên, chân thành, làm cho mỗi học sinh không chỉ được gắn kết với bài học mà còn gắn kết với cô giáo, với bạn bè trong một không gian ngập tràn cảm xúc tích cực. Khuôn mặt của học sinh lớp 6A4 trong buổi học rạng rỡ niềm vui.
Giờ học Giáo dục công dân của học sinh lớp 6A4 Trường THCS Nguyễn Trãi. |
Cô Lê Hoàn Châu- Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi cho biết: Thời gian gần đây, “Trường học hạnh phúc” đã trở thành một từ khóa quen thuộc của ngành giáo dục. Cùng với trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh, việc tạo dựng ngôi trường hạnh phúc cũng được ngành giáo dục hết sức chú trọng.
Đầu năm học 2022-2023, nhà trường đã tổ chức hội nghị đối thoại giữa hiệu trưởng với đại diện cha mẹ học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên và đại diện học sinh các lớp với chủ đề "Chung tay xây dựng trường học hạnh phúc". Qua đó để tất cả các lực lượng trong nhà trường đều có chung mục tiêu và nhận thức, xác định rõ ràng vai trò của mình trong hành trình xây dựng trường học hạnh phúc.
Nhà trường cũng đổi mới nội dung một số hoạt động như cải tạo cảnh quan của nhà trường. Trong khuôn viên trường và ở các lớp đã thêm một số tranh ảnh, cây hoa, các bài thơ tạo không gian xanh mát, tràn ngập lòng biết ơn và những cảm xúc tươi vui, tích cực.
Các thầy cô khuyến khích các lớp thiết kế sản phẩm “Cây mơ ước” hoặc “Cây cảm xúc”, để học sinh có thể ghi lại ước mơ hoặc cảm xúc của mình hàng ngày bất kể khi nào các em muốn viết và treo lên cây. Trong phòng làm việc chung của các thầy cô cũng có một cây cảm xúc như thế.
Nhóm giáo viên Trường THCS Nguyễn Trãi tham gia dự án Trường học hạnh phúc. |
Mỗi sự sáng tạo đều được tôn trọng
Bà Bùi Thị Nhiệm- chuyên viên Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Hà Nội, điều phối viên Dự án Trường học hạnh phúc trên địa bàn thành phố Hà Nội cho biết: Dự án Trường học hạnh phúc được triển khai với sự tư vấn của GS Hà Vĩnh Thọ - Chủ tịch Học viện Eaurasia về Hạnh phúc và An sinh cùng sự đồng hành của nhóm dự án.
Mục tiêu của Dự án là đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho giáo viên thông qua việc hỗ trợ phát triển một khung lý thuyết rõ ràng cùng phương pháp thực hành thực tế nhằm xây dựng Trường học hạnh phúc. Dự án tập trung trau dồi cho các thầy cô kiến thức và năng lực thực hành 3 thành tố của sự quan tâm: Tự quan tâm, Quan tâm đến người khác và xã hội, Quan tâm đến môi trường và hành tinh.
Ở những bước đi đầu tiên thực hiện dự án, GS Hà Vĩnh Thọ cùng nhóm dự án đã đến thăm, làm việc, khảo sát đối với các thầy cô giáo, học sinh trường THCS Nguyễn Trãi cùng một số trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội. Các thầy cô cán bộ quản lí và giáo viên nòng cốt đã được tham gia tập huấn về nhiều nội dung xoay quanh Trường học hạnh phúc.
Hiện nay, các thầy cô đã bước đầu triển khai các kĩ năng được tập huấn áp dụng trong công việc quản lí, giảng dạy, giáo dục, tiếp tục tham gia các buổi học tập trực tuyến. Trong quá trình triển khai, các thầy cô đã nhận thức sâu sắc rằng Trường học hạnh phúc hiểu một cách đơn giản, đó là khi mỗi học sinh cảm nhận được sự an toàn và ấm áp, yêu thương.
Hạnh phúc có khi rất giản dị, một lời hỏi thăm, nhắn nhủ, động viên của bạn bè; một lời phê, nhận xét chính xác, chân tình của thầy cô; một giờ giảng hay, một buổi ngoại khoá hấp dẫn; một không gian dễ chịu, ấm áp; mỗi sự cố gắng của cá nhân đều được ghi nhận; mỗi sự sáng tạo đều được tôn trọng.
Xây dựng Trường học hạnh phúc bắt đầu từ chính mỗi giáo viên. Bản thân mỗi giáo viên phải là những người hạnh phúc, biết nhận diện và quản lý được cảm xúc, quan tâm đến bản thân, quan tâm đến người khác, quan tâm đến môi trường tự nhiên. Cảm nhận được hạnh phúc khi giảng dạy và tham gia các hoạt động giáo dục, mỗi giáo viên sẽ lan tỏa được năng lực tích cực đến các em học sinh và ngược lại.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi luôn hạnh phúc mỗi khi đến trường. |
Cô Lê Hoàn Châu- Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi chia sẻ: Những tiết học tích hợp với các nội dung giáo dục “Tự quan tâm, quan tâm tới người khác và xã hội, quan tâm tới môi trường và hành tinh” sẽ tiếp tục được nghiên cứu, thí điểm triển khai, đúc rút kinh nghiệm và vận dụng hợp lý nhằm gia tăng cảm xúc hạnh phúc trong mỗi giờ dạy ở trường THCS Nguyễn Trãi trong thời gian tới.
Sau học kì I năm học 2022-2023, các nội dung giáo dục về xây dựng trường học hạnh phúc được triển khai tích hợp trong hầu hết các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt tập thể. Sang học kì II, kế hoạch của nhà trường là đem hạnh phúc vào trong từng tiết dạy, làm cho thầy cô và học sinh cùng nhân lên niềm hạnh phúc nho nhỏ, mỗi ngày.
Trong các ngày từ 3/4 đến 6/4 tại Trường Đại học Sư phạm Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ diễn ra hội nghị chuyên đề quốc tế về trường học hạnh phúc. Mục đích nhằm tổng kết giai đoạn thí điểm chương trình trường học hạnh phúc, chia sẻ các bài học và báo cáo đánh giá, ghi nhận tiến trình và tiếp tục phát triển dự án tại Việt Nam. Đoàn Hà Nội sẽ gồm các cán bộ, giáo viên đến từ các trường học tham gia thí điểm dự án tại các quận Ba Đình, Hai Bà Trưng.