Những tiết dạy đặc sắc tại hội thi giáo viên dạy giỏi Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, cô giáo đến từ các trường Tiểu học quận Hoàng Mai đã thể hiện những tiết dạy sáng tạo.

Tiết dạy môn Tiếng Việt của cô Nguyễn Thu Trang - Giáo viên trường Tiểu học Vĩnh Hưng.
Tiết dạy môn Tiếng Việt của cô Nguyễn Thu Trang - Giáo viên trường Tiểu học Vĩnh Hưng.

Đổi mới phương pháp, hình thức dạy học

Hội thi giáo viên dạy giỏi thành phố Hà Nội cấp tiểu học năm 2023 là hội thi đầu tiên thực hiện theo chương trình GDPT 2018. Quận Hoàng Mai có 5 giáo viên tham gia thì cả 5 đều đạt giải Nhất. Mỗi tiết học đều hội tụ sáng tạo trong việc đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và năng lực sư phạm.

Cô giáo Nguyễn Thu Trang - Trường Tiểu học Vĩnh Hưng với bài dạy môn Tiếng Việt lớp 1 đã vận dụng linh hoạt các biện pháp, kỹ thuật dạy học tích cực, kết hợp sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại vào bài dạy phân môn Học vần, bài “Oen - oet”. Quan điểm “Mang cuộc sống vào bài học - Đưa bài học vào cuộc sống” được cô Trang thể hiện rõ nét trong tiết dạy.

Cô đã ứng dụng CNTT vào tiết dạy hợp lí, đưa hình ảnh, video đẹp mắt, có chọn lọc vào bài học. Các tình huống trong tiết học được giáo viên xử lí khéo léo và sâu sắc. Trong bài dạy, cô Trang xác định rõ kiến thức và trọng tâm, chú trọng hình thành kiến thức và phát triển năng lực học sinh. Từng hoạt động trong tiết học được kết nối với nhau để mạch tiến trình xuyên suốt, rõ ràng, logic.

Cô Cao Thị Lệ Thủy - Trường Tiểu học Yên Sở trong tiết dạy môn Toán lớp 1.

Cô Cao Thị Lệ Thủy - Trường Tiểu học Yên Sở trong tiết dạy môn Toán lớp 1.

Giờ dạy môn Toán lớp 1 của cô Cao Thị Lệ Thủy - Trường Tiểu học Yên Sở để lại ấn tượng sâu sắc với bài dạy “Dài hơn - Ngắn hơn”. Điều đặc biệt qua các hoạt động “Học thông qua chơi” học sinh được khám phá, tìm hiểu kiến thức sôi nổi, hào hứng.

Đồng thời các em được vận dụng kiến thức bài học vào hoạt động trải nghiệm một cách thiết thực, gần gũi như: biết so sánh độ dài của các vật xung quanh, vận dụng để xếp hàng khi tham gia hoạt động tập thể. Sau khi tham gia các hoạt động trong giờ học, học sinh được phát triển tốt một số năng lực Toán học: Năng lực giải quyết vấn đề, hợp tác, giao tiếp.

Tiết dạy của cô Bùi Thúy Quỳnh được Ban giám khảo đánh giá cao ở khả năng tổ chức linh hoạt, sáng tạo các hoạt động học tập.

Tiết dạy của cô Bùi Thúy Quỳnh được Ban giám khảo đánh giá cao ở khả năng tổ chức linh hoạt, sáng tạo các hoạt động học tập.

Với môn Đạo đức lớp 1, cô giáo Bùi Thúy Quỳnh - Trường Tiểu học Tân Định đã thực hành dạy bài “Trả lại của rơi - Tiết 1”. Để đảm bảo mục tiêu, tạo sự mới lạ hấp dẫn cho tiết học, cô Quỳnh mạnh dạn thay đổi ngữ liệu trong sách giáo khoa giúp bài học trở nên gần gũi dễ hiểu.

Đây cũng là hướng mở trong Chương trình GDPT 2018, giáo viên có thể lựa chọn hình thức và phương pháp dạy học phù hợp học sinh. Trong tiết dạy, cô Quỳnh đã thay đổi từ cô giáo thành “Chị phóng viên Kính hồng” để thu hút học sinh, thay đổi không khí lớp học.

Tiết dạy của cô Bùi Thúy Quỳnh được Ban giám khảo đánh giá cao ở khả năng tổ chức linh hoạt, sáng tạo các hoạt động học tập, giúp học sinh phát triển kĩ năng giao tiếp và tư duy sáng tạo. Cô đã làm chủ được tiết dạy, thu hút các em bằng nhiệt huyết trong từng hoạt động.

Hướng dẫn hoạt động nhóm trong tiết dạy môn Tự nhiên và Xã hội của cô Cao Thanh Xuyến - giáo viên trường Tiểu học Lĩnh Nam

Hướng dẫn hoạt động nhóm trong tiết dạy môn Tự nhiên và Xã hội của cô Cao Thanh Xuyến - giáo viên trường Tiểu học Lĩnh Nam

Học sinh chủ động tìm hiểu kiến thức

Cô giáo Cao Thanh Xuyến - Trường Tiểu học Lĩnh Nam thực hiện xuất sắc bài dạy môn Tự nhiên và xã hội lớp 1 “Cơ thể em - Tiết 2”. Ở hoạt động khám phá kiến thức mới, cô khéo kết hợp nhân vật “Ong Biết Tuốt” để đồng hành cùng học sinh thông qua trò chơi “Ai thông minh hơn học sinh lớp 1”, cô đã hướng dẫn học sinh chủ động tìm tòi kiến thức để nắm vững các bộ phận trên cơ thể và hoạt động của chúng.

Ở phần củng cố kiến thức, với trò chơi “Đoán ý đồng đội”, học sinh được cô giáo củng cố lại toàn bộ kiến thức trong tiết học một cách sôi động, vui vẻ, tự nhiên. Trong tất cả các hoạt động của tiết học, học sinh đều tích cực, hợp tác, tự tin khi trao đổi, chia sẻ, bày tỏ ý kiến để chiếm lĩnh kiến thức, điều này tạo ấn tượng đặc biệt cho Ban giám khảo.

Hoạt động đóng vai trong tiết dạy Tiếng Anh của cô giáo Nguyễn Thị Khánh Duyên (Trường Tiểu học Đại Kim).

Hoạt động đóng vai trong tiết dạy Tiếng Anh của cô giáo Nguyễn Thị Khánh Duyên (Trường Tiểu học Đại Kim).

Bài dạy "Unit 14: What happened in the story? - Lesson 2" - môn Tiếng Anh lớp 5 của cô Nguyễn Thị Khánh Duyên - Trường Tiểu học Đại Kim được Ban giám khảo ghi nhận và đánh giá cao.khi thực hành tiết dạy với sự đổi mới về phương pháp theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, thực hiện đúng sự định hướng Chương trình GDPT 2018.

Trong bài học, giáo viên hướng dẫn học sinh biết tự tìm lại kiến thức đã học để liên kết với kiến thức mới, tổ chức các hoạt động học tập giúp học sinh chủ động phát hiện kiến thức mới. Học sinh được hoạt động, phối hợp đa dạng các hình thức hoạt động như: Cá nhân, cặp, nhóm để phát triển tính tích cực, tự lực, sự cộng tác khi học tập.

Giáo viên tổ chức nhận xét, đánh giá xuyên suốt tiến trình bài học, đồng thời luôn khuyến khích, tạo điều kiện để học sinh được tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau. Qua bài học, học sinh được thể hiện quan điểm về các nhân vật trong các câu chuyện được học, chủ động, tự tin lĩnh hội kiến thức.

TS Nguyễn Ngọc Tú- thành viên Ban giám khảo Hội thi giáo viên dạy giỏi thành phố Hà Nội năm 2023 cho biết: Hội thi năm nay diễn ra sôi nổi, khách quan và thành công trên nhiều tiêu chí, là kỳ sinh hoạt chuyên môn bổ ích và cần thiết góp phần thực hiện thành công chương trình GDPT 2018 đã và đang triển khai ở các cấp học...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Gỡ bỏ gánh nặng

GD&TĐ - Một thời gian dài, sáng kiến - kinh nghiệm là điều kiện bắt buộc để xét thi đua.