Tiếng nói tri âm của Nguyễn Du trong Độc Tiểu Thanh kí
Độc Tiểu Thanh kí nằm trong tập Thanh Hiên thi tập, là bài thơ chữ Hán xuất sắc của Nguyễn Du. Thi phẩm là niềm thương tiếc, xót xa con người tài sắc, phận bạc, từ đó nhà thơ bộc lộ suy nghĩ về số phận con người tài hoa, tài tử, liên hệ bản thân với những nỗi niềm băn khoăn gửi tới hậu thế.
Mở đầu bài thơ là hình ảnh nhà thơ trên hành trình kiếm tìm tri âm, đồng điệu với nàng Tiểu Thanh:
Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư,
(Vườn hoa bên Tây Hồ đã thành bãi hoang rồi)
Hai cảnh trái ngược được đặt trên một trục thời gian, miêu tả đồng hiện: hoa uyển – khư; quá khứ – hiện tại; tươi tốt – hoang dại, lụi tàn. Sự tương phản cho thấy đổi thay nhanh chóng, nhỡn tiền, sự biến thiên nghiệt ngã.
Giữa cơn dâu bể của hiện thực, thời đại, của số phận con người, Nguyễn Du đã một mình đối diện với tiếng lòng Tiểu Thanh ba trăm năm trước:
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư
(Chỉ viếng nàng qua một tập sách đọc trước cửa sổ)
Những gì con vương sót lại là “mảnh giấy tàn” – di cảo của Tiểu Thanh đủ khơi dậy trong lòng thi nhân nỗi niềm xót thương. Một lòng đau đã tìm gặp được một hồn đau.
Hai câu thơ đầu vừa mở ra ngoại cảnh (cảm thức trước sự đổi thay dâu bể), vừa mở ra cả tâm cảnh (xót xa trước số kiếp tài hoa). “Trái tim lớn” của nhà nhân đạo Nguyễn Du đã tìm đến một lòng đau để cảm thông, sẻ chia, thấu hiểu:
Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư
Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kì oan ngã tự cư
(Son phấn có thần chắc phải xót xa vì những việc sau khi chết
Văn chương không có số mệnh mà cũng bị đốt dở
Những mối hận cổ kim khó mà hỏi trời được
Ta tự coi như người cùng một hội với kẻ mắc nỗi oan lạ lùng vì nết phong nhã)
Hai hình ảnh son phấn và văn chương biểu trưng cho sắc đẹp và tài năng nhưng đều chịu số phận đáng thương như chủ nhân của nó: son phấn bẽ bàng, văn chương đốt dở. Từ bi kịch của cuộc đời Tiểu Thanh, nhà thơ đã mở rộng số phận, nỗi oan chung từ cổ kim đông tây.
Câu thơ như tiếng thở dài đầy não nề, là nỗi băn khoăn, bất lực của Nguyễn Du, của thế hệ ông, của thời đại ông trước nỗi oan khuất của con người. Cách biệt về không gian, thời gian nhưng số phận bất hạnh của người con gái tài sắc Tiểu Thanh đã làm dấy lên sự đồng cảm, tiếng nói tri âm sâu sắc của tác giả.
Xúc cảm đồng điệu ấy không dừng lại ở sự xót xa đối với những kiếp người “tài hoa bạc mệnh” mà sự tri âm, đồng điệu ấy là khi Nguyễn Du tự đặt mình “cùng hội cùng thuyền” với nàng Tiểu Thanh. Đến đây, khách thể và chủ thể đã hòa cùng làm một.
Từ câu chuyện của nàng Tiểu Thanh, câu chuyện của những kiếp người tài hoa mệnh bạc, Nguyễn Du quay về trăn trở chính mình:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như
(Không biết hơn ba trăm năm sau
Thiên hạ ai người khóc Tố Như)
Nguyễn Du quay về tiên liệu cho chính bản thân mình với mối hồ nghi khó giải tỏa, vừa hi vọng lại vừa tuyệt vọng. Tiểu Thanh có tâm hồn tri kỉ Nguyễn Du tìm đến để cùng thở than, thấu hiểu, chia sẻ, rửa những oan khiên.
Khóc cho Tiểu Thanh, Nguyễn Du đồng thời khóc cho chính mình, hướng về hậu thế bày tỏ khát khao tìm gặp tri âm tri kỉ giữa cuộc đời.
Thánh thơ Đỗ Phủ từng trăn trở:
Bách niên ca tự khổ
Vị kiến hữu tri âm
(Cả đời nói lên nỗi khổ của mình
Chưa từng thấy tri âm)
Tìm được tiếng nói tri âm trong văn chương nghệ thuật quả rất khó. Với Độc Tiểu Thanh kí, Nguyễn Du đã có được tiếng nói đồng điệu, tri âm đó. Thương người, thương mình cũng chính là niềm thương xót cho những kiếp người tài hoa, mệnh bạc của Nguyễn Du – trái tim lớn, người nghệ sĩ lớn.
Tiếng nói tri âm của Thanh Thảo trong Đàn ghi-ta của Lorca
Thanh Thảo thuộc thế hệ các nhà thơ trẻ thời chống Mĩ. Sau ngày đất nước thống nhất (1975), Thanh Thảo dành nhiều tâm huyết cho cuộc đổi mới thơ ca.
Ông có nhiều bài thơ thành công trong hành trình kiếm tìm sự đồng cảm, tri âm với những nghệ sĩ lớn, những nhân cách cao đẹp như Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu, Ê-xê-nhin… Bài thơ Đàn ghi-ta của Lorca ra đời trong nguồn mạch cảm hứng đó - là tiếng nói tri âm, đồng cảm, là khúc tưởng niệm đối với Lorca - một nghệ sĩ đa tài, một chiến sĩ đấu tranh cho tự do, dân chủ của đất nước Tây Ban Nha ở thế kỉ XX, đồng thời là nhà cách tân đổi mới nghệ thuật.
Cảm hứng chủ đạo xuyên suốt toàn bộ thi phẩm là: ngưỡng mộ tài năng và tiếc thương cho thân phận. Thi phẩm là tiếng nói tri âm, đồng cảm, là nỗi đau vô hạn trước số phận bi thảm, là sự ngưỡng mộ đối với một nhân cách nghệ sĩ vĩ đại - Lorca. Hình tượng Lorca được tạo dựng trên nền thời đại bi tráng, khắc họa ấn tượng theo lối chấm phá đầy sức gợi:
Những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
Đất nước Tây Ban Nha lúc bấy giờ là một đấu trường khổng lồ của khát vọng tự do, dân chủ mà Lorca là đại diện với thế lực nền chính trị độc tài; là cuộc cách tân đổi mới nền nghệ thuật già nua mà Lorca là người tiên phong.
Trên nền không gian văn hóa, thời đại Tây Ban Nha đặc thù là hình tượng người chiến sĩ - nghệ sĩ chân chính Lorca.
Li la - li la - li la
Đi lang thang về miền đơn độc
Với vầng trăng chuếnh choáng
Trên yên ngựa mỏi mòn
Chuỗi âm li-la như một giai điệu mở đầu của bài ca về người nghệ sĩ tài danh, bài ca về người chiến sĩ đấu tranh cho lí tưởng cao đẹp.
Hình ảnh Lorca là người nghệ sĩ lãng du với tâm hồn phóng khoáng, tha thiết yêu người, yêu đời, yêu tự do cũng là người nghệ sĩ cô đơn trong sáng tạo và càng cô đơn hơn vì đó là người nghệ sĩ đi tìm cái đẹp trong thế giới bạo tàn - thế giới vốn thù địch với cái đẹp.
Cái chết đột ngột, bi thảm của Lorca đã gây sự chấn động mạnh trong tâm hồn thi sĩ và cả người đọc:
Tây Ban Nha
Hát nghêu ngao
Bỗng kinh hoàng
Áo choàng bê bết đỏ
Cái chết bi thương của Lorca được Thanh Thảo gợi bằng hình ảnh tả thực Áo choàng bê bết đỏ được tiếp nối bằng chuỗi hình ảnh theo lối tượng trưng liên tục chuyển đổi cảm giác, cũng là dòng cảm xúc đau đớn, xót xa tuôn chảy cùng âm thanh tiếng đàn nức nở:
Tiếng ghita nâu
Bầu trời cô gái ấy
Tiếng ghita tròn bọt nước vỡ tan
Tiếng ghita ròng ròng máu chảy
Đằng sau nỗi xót thương trước cái chết của Lorca là sự nuối tiếc những cách tân nghệ thuật còn dang dở:
Không ai chôn cất tiếng đàn
Tiếng đàn như cỏ mọc hoang
Hai câu thơ được xem như đỉnh điểm của tiếng nói tri âm trong thi phẩm. Tiếng đàn là biểu tượng của nghệ thuật, biểu tượng cho những khát vọng cách tân nghệ thuật của người nghệ sĩ Lorca.
Ý thơ đối chọi với di chúc mà Thanh Thảo lấy làm đề từ: Khi tôi chết, hãy chôn tôi với cây đàn - là tình yêu nghệ thuật, tình yêu quê hương xứ sở và cũng là lời đề nghị với thế hệ sau: cần phải biết chôn nghệ thuật của ông để đi tới.
Câu thơ gợi thật nhiều xúc cảm và ý nghĩa: là nỗi xót thương trước cái chết của một thiên tài, là sự nuối tiếc hành trình cách tân nghệ thuật còn dang dở, là nỗi thảng thốt bởi Lorca chết, nghệ thuật thiếu kẻ dẫn đường trở nên côi cút.
Nhưng ý thơ đâu chỉ dừng ở đó, hai câu thơ thể hiện nỗi thất vọng lớn, dường như không ai thực sự hiểu Lorca: không ai dám chôn nghệ thuật của Lorca, dám giết Lorca để đi tới, phải chăng vì quá ngưỡng mộ Lorca? Đó cũng chính là nỗi buồn, nỗi thất vọng của Lorca.
Đó cũng là đạo đức của người nghệ sĩ vĩ đại, luôn đặt lợi ích của cộng đồng, của nhân loại, của nghệ thuật lên trên lợi ích và danh vọng cá nhân. Tiếng nói thấu hiểu, cảm thông và tri âm của Thanh Thảo với người nghệ sĩ lớn Lorca chính là đây.
Đường chỉ tay đã đứt
Dòng sông rộng vô cùng
Lorca bơi sang ngang
Trên chiếc ghita màu bạc
Chàng ném lá bùa
cô gái digan
vào xoáy nước
Chàng ném trái tim mình
vào lặng yên bất chợt
Cái chết là một định mệnh được báo trước trên đường chỉ tay. Câu thơ thể hiện thái độ chấp nhận định mệnh phũ phàng, chấp nhận quy luật ra đi không thể khác: đi vào cõi trường sinh nhẹ nhàng, thanh thản.
Hành động ném là bùa, ném trái tim vào cõi im lặng là sự từ giã, giải thoát, chia tay thực sự với mọi ràng buộc cõi trần. Lorca dành lấy thế chủ động trước cái chết của mình để chiến thắng cả định mệnh và hư vô.
Hơn ai hết, Lorca hiểu rằng: đến một lúc nào đó, tên tuổi và sự nghiệp của Lorca sẽ là lực cản, vật cản những nỗ lực sáng tạo của thế hệ kế tiếp. Cho nên chấp nhận định mệnh phũ phàng, giã từ cuộc đời cũng là vì tương lai của cả nền nghệ thuật.
Phải hiểu, phải trân trọng, ngưỡng mộ người nghệ sĩ thiên tài đến mức nào, Thanh Thảo mới có được những sáng tạo độc đáo và sâu sắc đến vậy. Với tất cả sự kính trọng dành cho Lorca, Thanh Thảo đã “chọn” cho Lorca một cách ra đi thật đẹp, thật sang đúng với tầm vóc, tư tưởng, nhân cách người nghệ sĩ tài danh: luôn muốn hậu thế chôn nghệ thuật của mình để tiến về phía trước.
Bằng cách kết thúc này, Thanh Thảo đã phục sinh thành công thời khắc bi tráng của Lorca, khắc tượng Lorca trong thế giới tâm hồn người đọc.
Điệp khúc li la - li la - li la cất lên bài ca về sự bất tử của nghệ thuật, của người nghệ sĩ chân chính hay chính là vòng hoa kính cẩn dâng lên hương hồn người nghệ sĩ vĩ đại.
Nhân cách cao đẹp cùng số phận bi thảm, oan khuất của nhà thơ lớn đất nước Tây Ban Nha hóa thân trong dòng cảm xúc tuôn trào trở thành hình tượng nghệ thuật bi tráng.
Sự thấu hiểu, cảm thông, tri âm của nhà thơ Thanh Thảo với người nghệ sĩ xa cách về không gian, thời gian, khác biệt về văn hóa đã làm sống lại huyền thoại về một con người, một nghệ sĩ, một chiến sĩ, một xứ sở của âm nhạc và thi ca.