Những thầy thuốc tương lai "xung trận"

Những thầy thuốc tương lai "xung trận"

Xung phong ra tuyến đầu

Mặc dù đã được nghỉ học nhưng mỗi tuần 1 lần, Đỗ Phạm Nguyệt Thanh, SV năm 6 ngành y đa khoa, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch vẫn đến trường. Thanh là một trong 10 SV đầu tiên đăng ký tình nguyện tham gia chống dịch khi Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch phát động lời kêu gọi. Hàng tuần, Thanh tham gia các lớp tập huấn cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống bệnh truyền nhiễm để sẵn sàng ra tuyến đầu. 

Thanh kể, dù quyết định của em nhận được sự ủng hộ từ gia đình nhưng nhiều bạn bè, người thân lại ra sức ngăn cản, họ cho rằng em tham gia chống dịch là quá mạo hiểm nhưng “là một thầy thuốc tương lai, trong thời điểm lịch sử này em nghĩ rằng việc tham gia chống lại dịch bệnh không chỉ là trách nhiệm, mà còn là một trải nghiệm đáng quý cho nghề nghiệp sau này”, Thanh chia sẻ.

Từ cuối tháng 3, Trần Duy Quân, SV năm cuối Trường Đại học Y Dược TPHCM cùng các bạn trong lớp được phân công đến một khu lưu trú công nhân trên địa bàn phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức để tuyên truyền cách phòng chống dịch. “Đa số người dân vẫn chưa biết cách phòng dịch đúng như ho, hắt hơi vào lòng bàn tay, rửa tay qua loa… và nhiệm vụ của chúng em là giúp cộng đồng biết được việc đó để phòng bệnh. Người dân cần phải có những kiến thức để biết cách phòng bệnh, tự bảo vệ bản thân thì dịch bệnh mới không thể lây lan”, Quân cho biết.

Cùng thời điểm đó, đội hình SV tình nguyện khác do các bạn Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng có mặt tại một khu dân cư trên địa bàn Quận 8 để hướng dẫn người dân cách phòng dịch hiệu quả. Tại đây, các SV hướng dẫn người dân điền thông tin khai báo y tế trên điện thoại thông minh, lưu ý các phụ huynh thường xuyên nhắc con em mình rửa tay, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người. Những chai cồn y tế loại nhỏ do các bạn sinh viên pha chế cũng được gửi tặng người dân tại đây.

Đội hình do Thành đoàn TPHCM phát động, đã tập hợp được 200 “chiến sĩ” là các y, bác sĩ trẻ, nhân viên các phòng khám, bệnh viện, hội viên Hội Thầy thuốc trẻ thành phố và SV các trường y khoa trên địa bàn. Đến nay, đội hình thầy thuốc trẻ và SV tình nguyện tham gia hỗ trợ phòng chống dịch đã triển khai thực hiện tập huấn tại các trường học, khu lưu trú công nhân, khu dân cư tại quận Thủ Đức, Quận 6 và Quận 8. Đồng thời, đội hình cũng tham gia hỗ trợ việc nhập thông tin phiếu khai báo y tế tại các trung tâm cách ly tập trung của thành phố và hỗ trợ các cơ quan chức năng, ngành y tế điều tra dịch tễ trong cộng đồng.

“Tuổi nhỏ làm việc nhỏ”

Sẵn sàng lên đường tham gia chống dịch là tinh thần của hầu hết các sinh viên đang được tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ tại hai trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Đại học Y Dược TPHCM. “Chỉ cần Tổ quốc cần, thành phố cần, người dân cần chúng em sẽ lên đường ngay”, Lê Vĩnh Nghi, SV năm cuối ngành y đa khoa, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch khẳng định.

Công việc của các SV tình nguyện tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) là trực đường dây nóng, hỗ trợ thống kê số liệu ở các khoa, phòng, cụ thể ở khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm; làm báo cáo định kỳ, báo cáo ngày, báo cáo tuần hay báo cáo đột xuất; xử lý các thông tin, theo dõi các đối tượng tiếp xúc gần với các ca nhiễm ở TPHCM; theo dõi các thông tin chuyến bay, cập nhật thông tin chuyến bay, hỗ trợ nhập liệu, cập nhật xét nghiệm tại tám khu cách ly trên địa bàn thành phố.

Tại khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Lê Thị Xuân Thanh, SV năm 6 khoa Y tế công cộng Trường ĐH Y Dược TPHCM, chăm chú vào màn hình máy tính, đôi tay liên tục nhập dữ liệu của các trường hợp người Việt Nam ở nước ngoài về hồi giữa tháng 3. “Em làm việc này được hơn 1 tuần rồi, lúc đầu còn bỡ ngỡ vì nhiều danh mục, số liệu nhưng nay thạo lắm. Mỗi mục sau khi nhập, em đều kiểm tra cẩn thận, không để xảy ra sai sót dù là nhỏ nhất”, Thanh chia sẻ.

Cô bác sĩ tương lai quê Quảng Ngãi không về quê mà tình nguyện làm đơn xin tham gia đội hỗ trợ phòng chống dịch khi nhà trường phát động. “Ba mẹ biết em ở lại và tham gia hỗ trợ phòng dịch Covid-19 thì khá lo lắng, nhưng cũng rất ủng hộ quyết định của em. Trong lớp có nhiều bạn tình nguyện tham gia phòng chống dịch lắm. Với tụi em, đây là cơ hội học hỏi nghề, đồng thời mong muốn góp sức vào đẩy lùi dịch bệnh”, Thanh bộc bạch.

Hoàng Thị Ngọc Giàu, SV năm 5 khoa Y tế Công cộng cho biết, công việc của bạn là thu thập, xác nhận thông tin, hoàn thành các báo cáo cho kịp tiến độ về tình hình dịch Covid-19. Giàu tâm sự: “Mới nhìn vào thì thấy công việc cũng đơn giản, nhưng khi đã bắt tay làm, em mới thấy nhiều áp lực. Nhất là hiện nay, số ca đang tăng từng ngày, một ca dương tính phải thu thập thêm thông tin của nhiều người khác, phải cập nhật từng ngày, từng giờ vì đó là nguồn để cung cấp thông tin chính xác cho người dân”.

PGS.TS Nguyễn Thanh Hiệp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, TPHCM đang thực hiện cách ly số lượng lớn người nghi nhiễm, người trở về từ vùng dịch, người có tiếp xúc gần với người nhiễm, do đó, ngành y tế và các lực lượng chức năng đang “căng mình” giám sát, theo dõi đối tượng này. Ngoài ra, khi các ca bệnh càng nhiều thì công tác điều tra dịch tễ trong cộng đồng cũng càng trở nên phức tạp. Và đây là lúc cần sự vào cuộc của lực lượng SV y khoa.

Các em năm cuối là những người đã được đào tạo kiến thức chuyên môn bài bản, từng trải qua nhiều kỳ thực tập tại các bệnh viện nên có thể chung tay hỗ trợ khi thành phố cần. Đội hình SV tham gia chống dịch sẽ tham gia hỗ trợ cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố các công tác như nhập dữ liệu vi tính các thông tin ca bệnh và đối tượng liên quan, các thủ tục hành chính, lập cây phả hệ theo dõi sự lan truyền bệnh, tham gia giám sát điều tra dịch tễ trong cộng đồng, thực hiện theo dõi sức khỏe cho những người cách ly tại các khu cách ly…

“Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, SV y khoa sẽ được phân công các công tác phù hợp với khả năng, chuyên môn của mình. Phải nhấn mạnh rằng, các hoạt động trên được thực hiện dưới sự tổ chức của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch thành phố chứ không phải là hoạt động tự phát nhằm bảo đảm hiệu quả và mức an toàn cao nhất cho SV tham gia chống dịch và cộng đồng”, PGS Nguyễn Thanh Hiệp cho biết. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ