Thưa ông, thời gian qua, nhiều bạn đọc hỏi vì sao từ năm 2018, người sử dụng không phải đổi thẻ BHYT? Điểm mới của quy định này cụ thể là gì? Điều này có lợi gì cho người sử dụng thẻ BHYT?
Ông Võ Khánh Bình: Thực hiện Luật số 46/2014/QH13, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 13/06/2014, để thực hiện mục tiêu cấp thẻ điện tử cho người dân và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý BHXH, BHYT, BHXH Việt Nam đã xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung; cấp số định danh cá nhân cho người tham gia BHXH, BHYT. Sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Y tế tại Công văn số 4184/BYT-BH ngày 26/7/2017, BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 3340/BHXH-ST ngày 08/8/2017 về việc cấp sổ BHXH, thẻ BHYT theo mã số BHXH.
Theo đó, thẻ BHYT cấp cho người tham gia theo mã số BHXH (để tránh cấp trùng 01 người nhiều thẻ BHYT và quản lý, xác định thời điểm tham gia đủ 5 năm liên tục của từng người). Ngoài ra, thẻ mới chỉ ghi giá trị sử dụng từ ngày .../.../.... (bỏ quy định ghi giá trị sử dụng đến ngày .../.../.....), vì vậy, thẻ sẽ sử dụng lâu dài, không phải đổi lại hàng năm.
Những điểm mới trong quy định về cấp thẻ BHYT cụ thể như sau:
- Một là, kết cấu mã thẻ thay đổi từ 06 ô, nay chỉ còn 04 ô. Trong đó: 03 ô đầu tiên được giữ nguyên, còn 03 ô cuối thay bằng 01 ô ghi mã số BHXH.
Ví dụ: thẻ trước đây in “Số:
DT 2 | 01 | 01 | 180 | 00001 |
DT | 2 | 01 | 0118000001 |
”
- Hai là, thời hạn sử dụng thẻ BHYT: chỉ in “Giá trị sử dụng: từ ngày.../…/….”. Cơ sở khám, chữa bệnh BHYT: khi tra cứu thông tin về thẻ BHYT của người tham gia trên Cổng thông tin giám định BHYT mà cơ sở dữ liệu không đầy đủ hoặc không đúng thì liên hệ với phòng/bộ phận giám định BHYT của cơ quan BHXH nơi ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT để xác minh.
Những thay đổi này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng thẻ BHYT, cụ thể là giảm thủ tục người tham gia phải nộp lại thẻ BHYT cũ còn giá trị sử dụng cho cơ quan BHXH khi ngừng đóng BHYT; Thẻ BHYT theo mã số BHXH cấp cho người tham gia được sử dụng lâu dài và không phải đổi lại hàng năm (trừ trường hợp mất, rách, hỏng hoặc thay đổi thông tin trên thẻ), để tránh trường hợp in, đổi thẻ không kịp thời như các năm trước đây, làm ảnh hưởng đến quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT của người tham gia.
Mọi thông tin về thẻ BHYT được đăng và cập nhật công khai trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam (địa chỉ: http://www.baohiemxahoi.gov.vn), rất thuận lợi cho người dân có thể tự tra cứu.
Người dân có thể tìm hiểu thông tin về thời hạn sử dụng về thẻ BHYT của mình ở đâu, thưa ông?
Ông Võ Khánh Bình: Để biết giá trị sử dụng thẻ, người dân có thể tìm hiểu thông tin về thời hạn sử dụng thẻ BHYT bằng rất nhiều hình thức như:
- Kiểm tra qua danh sách cấp thẻ BHYT lưu tại đơn vị.
- Kiểm tra trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam (địa chỉ: http://www.baohiemxahoi.gov.vn).
- Liên hệ với Trung tâm hỗ trợ khách hàng của BHXH Việt Nam (tổng đài: 1900969668); hoặc liên hệ trực tiếp với cơ quan BHXH, bưu điện văn hóa xã, Ủy ban Nhân dân xã, đơn vị, đại lý thu nơi tham gia BHXH, BHYT, cơ sở KCB BHYT để được giải đáp.
Khi đến kỳ hạn nộp tiền, cơ quan BHXH có trách nhiệm thông tin, tuyên truyền và đôn đốc đơn vị, người tham gia tiếp tục đóng theo quy định (trên biên lai thu tiền cũng ghi rõ thời hạn sử dụng thẻ BHYT để người tham gia BHYT tự nguyện được biết).
Vậy nếu thông tin trên thẻ BHYT có sai sót, người dân sẽ cần tới đâu để điều chỉnh, thưa ông?
Ông Võ Khánh Bình: Trường hợp thông tin in trên thẻ BHYT có sai sót, người dân có thể đề nghị điều chỉnh thông tin bằng nhiều cách:
- Liên hệ trực tiếp với cơ quan BHXH nơi cấp thẻ để đề nghị điều chỉnh và đổi thẻ BHYT mới.
- Thông qua đơn vị quản lý đối tượng, đại lý thu để đề nghị cơ quan BHXH điều chỉnh thông tin và đổi thẻ BHYT mới.
Cơ quan BHXH nhận được đề nghị điều chỉnh sai sót thì thực hiện ngay việc đổi thẻ BHYT mới và phối hợp với Bưu điện, đơn vị quản lý đối tượng, đại lý thu để chuyển thẻ đến tận tay người tham gia BHYT.
Xin ông cho biết, với các trường hợp thẻ BHYT của người sử dụng bị in sai thời hạn đủ 5 năm tham gia, có cần phải đổi lại hoặc đính chính thông tin không?
Ông Võ Khánh Bình: Hiện nay, hệ thống dữ liệu thu và cấp thẻ BHYT được cơ quan BHXH cập nhật, quản lý theo mã số BHXH để xác định thời điểm thẻ có giá trị, thời điểm người tham gia đủ 5 năm liên tục. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có một số trường hợp có sai sót về thời điểm đủ 5 năm liên tục ghi trên thẻ BHYT.
Trường hợp có sai sót về thông tin tham gia 5 năm liên tục, ảnh hưởng đến quyền lợi, người tham gia, đơn vị quản lý đối tượng cần liên hệ với cơ quan BHXH nơi cấp thẻ để được đổi lại. Cơ quan BHXH sẽ có trách nhiệm đổi thẻ BHYT ngay trong ngày làm việc khi đơn vị quản lý đối tượng hoặc người tham gia BHYT đến làm thủ tục cấp đổi thẻ BHYT do sai thông tin về thời gian tham gia BHYT theo hướng dẫn tại Công văn số 238/BHXH-CNTT ngày 22/01/2018 của BHXH Việt Nam.
Với đối tượng tham gia BHYT tự nguyện, mức đóng trong năm nay và thời gian tới sẽ thay đổi như thế nào? BHXH Việt Nam có tạo điều kiện và thủ tục nào là thuận tiện hơn với đối tượng tham gia BHYT tự nguyện tại các địa phương?
Ông Võ Khánh Bình: Căn cứ theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 2 Nghị định 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT, mức đóng BHYT của tất cả các thành viên hộ gia đình: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% lương cơ sở, người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Thực hiện Khoản 7 Điều 3 Nghị quyết 49/2017/QH14 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018, ngày 15/5/2018 Chính phủ ban hành Nghị định số 72/2018/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, theo đó kể từ ngày 01/7/2018, mức lương cơ sở tăng từ 1.300.000 đồng/tháng lên 1.390.000 đồng/tháng. Do vậy, mức đóng BHYT của thành viên hộ gia đình tham gia BHYT thay đổi theo mức lương cơ sở do nhà nước quy định.
Trong hộ gia đình, mức đóng BHYT của người thứ nhất sẽ bằng 750.600 đồng (tăng 48.600 đồng so với mức đóng trước 01/7/2018); mức đóng của người thứ hai trong gia đình bằng 525.420 đồng; mức đóng của người thứ ba bằng 450.360 đồng; người thứ tư là 375.300 đồng và từ người thứ năm trở đi mức đóng là 300.240 đồng.
Thời gian vừa qua, BHXH Việt Nam đã rất quyết liệt trong công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia, giảm phiền hà trong khâu thủ tục, giấy tờ kèm theo. Đồng thời, BHXH Việt Nam đã phát triển, mở rộng hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT rộng khắp toàn quốc với nhiều tổ chức làm đại lý thu, đẩy mạnh hơn nữa trong công tác tuyên truyền, vận động người tham gia BHYT theo hộ gia đình.
Ngày 14/4/2017, BHXH Việt Nam ban hành Quyết định số 595/QĐ-BHXH, theo đó: Người tham gia BHYT theo hộ gia đình lập Tờ khai theo mẫu do cơ quan BHXH hoặc Đại lý thu cung cấp. Trường hợp người tham gia đã có mã số BHXH thì chỉ cần cung cấp mã số cho cơ quan BHXH, Đại lý thu để lập danh sách tham gia BHYT (không phải lập Tờ khai). Đóng tiền cho Đại lý thu hoặc cho cơ quan BHXH.
Nhiều bạn đọc phản ánh có nhận được thông tin từ ngày 01/01/2019, thời gian cấp thẻ BHYT chỉ trong 24 giờ, điều này có chính xác không? Người dân có thể thực hiện các thủ tục cấp đổi thẻ BHYT ngay trong ngày ở cơ quan BHXH cấp nào?
Ông Võ Khánh Bình: Nhằm hướng tới phục vụ tốt nhất người tham gia BHXH, BHYT, thời gian qua, BHXH Việt Nam tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính cũng như rút ngắn thời gian giải quyết nhiều thủ tục, trong đó có việc cấp, cấp đổi thẻ BHYT. Theo quy định tại Điều 30 Quy trình quản lý ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/7/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam:
- Trường hợp người tham gia đang điều trị tại các cơ sở KCB, cơ quan BHXH đã và đang thực hiện cấp lại, đổi thẻ BHYT trong ngày khi nhận đủ hồ sơ theo quy định.
- Từ ngày 1/1/2019, trường hợp đổi thẻ không thay đổi thông tin, thời gian giải quyết trong ngày khi nhận đủ hồ sơ.
Việc cấp lại, đổi thẻ được thực hiện tại cơ quan BHXH nơi quản lý thu và cấp thẻ BHYT trước đó./.
Trân trọng cảm ơn ông!