Chất lượng khám chữa bệnh y tế cơ sở: Đã đến lúc nhìn thẳng vào sự thật

GD&TĐ - Ngày 6/7, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội tổ chức Hội nghị trực tuyến Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tuyến y tế cơ sở. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, đây là dịp để cung cấp thông tin, trao đổi, thống nhất các giải pháp về cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương để nâng cao chất lượng và tăng cường khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) tuyến cơ sở.

Chất lượng khám chữa bệnh y tế cơ sở: Đã đến lúc nhìn thẳng vào sự thật

Kỳ vọng nhiều

Nhờ có mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cơ bản đã được triển khai có hiệu quả, sâu rộng như tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, dân số - kế hoạch hóa gia đình, khám chữa bệnh thông thường, truyền thông giáo dục sức khỏe và một số bệnh mãn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, phục hồi chức năng...

Điển hình như tại Bắc Giang, nhiều năm nay, trạm y tế không đơn giản là nơi khám chữa bệnh đơn giản như nhức đầu, sổ mũi, khám thai đơn thuần mà còn quản lý, điều trị cho người mắc bệnh mãn tính… Thống kê của Sở Y tế tỉnh này cho thấy, tính đến hết quý I, 187/230 trạm y tế đã quản lý 16.855 bệnh nhân tăng huyết áp tại 187/230 TYT xã. Đồng thời, triển khai quản lý, điều trị ngoại trú bệnh đái tháo đường tại 6 trạm y tế xã với 40 bệnh nhân.

Trung tâm Y tế Sóc Sơn (Hà Nội) cũng là điển hình trong việc “canh” sức khỏe cho người dân. Đây là một trong số ít nơi thực hiện mô hình bác sĩ gia đình hiệu quả. Đến nay số bệnh nhân mắc bệnh mạn tính được lập bệnh án quản lý là 38.465 người, trong đó có 11.057 bệnh nhân tăng huyết áp, 5.330 bệnh nhân đái tháo đường. Việc triển khai quản lý, cấp thuốc điều trị ngoại trú tăng huyết áp và các bệnh mạn tính ngay tại tuyến cơ sở đã có hiệu quả rõ rệt, người bệnh được điều trị sớm, kiểm soát được chỉ số huyết áp, thuận lợi cho người dân và giảm chi phí y tế so với điều trị tại tuyến trên.

Đầu tư ít

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, việc coi y tế cơ sở là người “gác cổng” trong hệ thống y tế, các nước trên thế giới đã sử dụng các nguồn tài chính khác nhau, trong đó có nguồn tài chính từ BHYT cho chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế cơ sở. Hàn Quốc sử dụng 19% quỹ BHYT cho chăm sóc sức khỏe ban đầu. Con số này ở Nhật Bản là 25% và Đức là 29%. Tỷ trọng chi từ quỹ BHYT trong tổng chi cho chăm sóc sức khỏe ban đầu ở Hàn Quốc lên tới 51%, Nhật Bản là 76%, Đức là 78%.

Còn ở nước ta, dù xác định y tế cơ sở là nền tảng, phương châm của xây dựng hệ thống y tế công bằng, hiệu quả và phát triển nhưng hệ thống này còn gặp nhiều khó khăn, thách thức về chất lượng khám chữa bệnh cho người dân nói chung và cho người có thẻ BHYT nói riêng. Nguyên nhân do hạn chế về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chưa đáp ứng, các dịch vụ chuyên môn trong khám chữa bệnh (KCB) còn hạn chế, nguồn kinh phí từ quỹ BHYT cho trạm y tế tuyến xã chưa đảm bảo. Theo quy định hiện nay, quỹ KCB BHYT được sử dụng tại trạm y tế tuyến xã tối đa chỉ bằng 20% quỹ KCB BHYT ngoại trú.

Còn theo Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) Lê Văn Khảm, đang có sự mất cân đối trong việc chi trả BHYT giữa y tế cơ sở và bệnh viện tuyến trên. Bằng chứng là số lượt khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở chiếm trên 70% tổng số lượt KCB BHYT trong khi chi phí KCB BHYT chỉ chiếm khoảng 30% tổng chi phí. Ngược lại số lượt KCB tại tuyến tỉnh, tuyến Trung ương chiếm chưa đến 30% tổng số lượt nhưng chi phí lại chiếm gần 70% tổng chi phí.

Y tế cơ sở vốn đã khó khăn nay càng khó khăn khi nguồn tiền BHYT có xu hướng dồn cho tuyến trên. Điều này làm cho chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu và làm cho người dân chưa tin tưởng và vượt lên các tuyến trên để khám chữa bệnh gây tốn kém về thời gian, tiền bạc, công sức và các chi phí xã hội khác.

Vậy làm thế nào để nâng cao năng lực cho y tế cơ sở như mong muốn của bộ, ngành cũng như xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng đã đến lúc phải khắc phục bất cập hiện nay trong KCB BHYT thông qua việc đổi mới cơ chế chi trả KCB BHYT tại trạm y tế, triển khai gói dịch vụ y tế cơ bản trên diện rộng, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, nhân lực và chuyển giao kỹ thuật, tin học hóa việc quản lý bệnh nhân…Có như vậy mới xây dựng được vị thế vững chắc của tuyến y tế cơ sở trong lòng người dân.

- Ước tính đến hết 30/6/2018, cả nước có 81,59 triệu người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ đạt 86,9%,

- Năm 2018, cả nước có 2.169 cơ sở KCB thuộc tất cả các tuyến chuyên môn kỹ thuật, trong đó cơ sở y tế công lập là 1.549, cơ sở y tế tư nhân là 544 và y tế cơ quan là 223 cơ sở; có 9.821/11.161 TYT xã (88%) thực hiện KCB BHYT.

- Số lượt khám chữa bệnh BHYT tăng dần qua các năm, từ 130 triệu lượt năm 2015 đến 147 triệu lượt năm 2016 và 150 triệu lượt năm 2017. Và, chi phí do quỹ BHYT chi trả tương ứng là trên 47.000 tỷ đồng (2015), 68.000 tỷ đồng (2016), 88.000 tỷ đồng (2017).

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ