Những thay đổi trong Kỳ thi THPT quốc gia 2019: Hướng đến thực chất và nghiêm túc

GD&TĐ - Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ có những thay đổi cơ bản trong công tác tổ chức, giám sát và chấm thi. Mục tiêu là nhằm triệt tiêu mọi nguy cơ gian lận, phản ánh một cách trung thực kết quả dạy và học trong các trường phổ thông.

Kỳ thi THPT quốc gia được giữ ổn định và được triển khai nghiêm túc, thực chất
Kỳ thi THPT quốc gia được giữ ổn định và được triển khai nghiêm túc, thực chất

Sớm công bố đề thi tham khảo, chặt chẽ hơn công tác chấm thi

Đây là thông tin vừa được ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) khẳng định. Theo ông Mai Văn Trinh, để công tác học tập, ôn luyện của học sinh, giáo viên được chủ động, Bộ GD&ĐT sẽ sớm công bố đề thi tham khảo để giáo viên và học sinh yên tâm tổ chức hoạt động dạy và học, chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia 2019.

Về cơ bản, kỳ thi 2019 sẽ vẫn ổn định như 2018, những thay đổi không gì khác ngoài mục tiêu đảm bảo phản ánh đúng thực chất kết quả việc dạy và học của các trường phổ thông. Những thay đổi theo lời Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT đó là công tác tổ chức, giám sát kỳ thi sẽ siết chặt hơn nữa, chi tiết vai trò, nhiệm vụ đến từng cá nhân. Là công tác đảm bảo an ninh, an toàn đề thi, bài thi, cũng như công tác chấm thi.

“Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục rà soát phần mềm chấm thi theo hướng tăng cường bảo mật để làm sao không những chấm thi tốt mà còn có thể phòng ngừa những sai phạm, hoặc dễ dàng phát hiện sai phạm. Trong đó, đặc biệt coi trọng khâu lựa chọn nhân sự, lựa chọn những người có trách nhiệm, am hiểu công việc, công tác tập huấn phải được tập luyện. Đặc biệt công tác thanh tra, giám sát phải đi vào hiệu quả hơn” – ông Mai Văn Trinh nêu rõ.

Những giải pháp này cùng với giải pháp về mặt quy trình sẽ làm cho việc ứng dụng CNTT trong việc chấm thi nói riêng và tổ chức Kỳ thi THPT nói chung an toàn hơn. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng đang nghiên cứu phương án tổ chức chấm thi theo cụm, không để cho giáo viên chấm bài thi học sinh của tỉnh mình. 
Ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh

Thực tế, Kỳ thi THPT quốc gia 2018 được đánh giá là khá thành công trong công tác tổ chức. Một vài trục trặc xuất phát chủ yếu là từ ý chí sai phạm của vài cá nhân với mục đích và động cơ khá rõ ràng.

Vì vậy, để đảm bảo tính công bằng, sự nghiêm minh cũng như kết quả thi của học sinh phải phản ánh đúng quá trình dạy và học, trong Kỳ thi THPT quốc gia 2019 Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT. Đặc biệt là công tác chấm thi các bài trắc nghiệm sẽ được tăng cường tính bảo mật cao hơn nữa bằng việc mã hóa những dữ liệu chấm thi.

Trong nhiều giải pháp thay đổi, củng cố hơn nữa công tác tổ chức, giám sát cho Kỳ thi THPT quốc gia 2019, việc tăng cường nhiều hơn nữa vai trò của các trường đại học trong công tác tổ chức, giám sát kỳ thi cũng được Bộ GD&ĐT đặt ra.

Theo đó, các trường đại học không chỉ giám sát, cử cán bộ chấm thi, cắm chốt thanh tra tất cả các điểm thi, hội đồng thi cùng với cán bộ của địa phương, mà còn đóng vai trò lớn trong hội đồng chấm của các cụm.

Những đổi mới của Kỳ thi THPT quốc gia nhằm mang đến sự thuận lợi, chính xác và công bằng cho thí sinh
Những đổi mới của Kỳ thi THPT quốc gia nhằm mang đến sự thuận lợi, chính xác và công bằng cho thí sinh

Chương trình GDPT mới sẽ là nền tảng thay đổi cách dạy và học

Đây là khẳng định của GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình GDPT mới khi tháng 10/2018 tới Bộ GD&ĐT sẽ công bố khung Chương trình GDPT mới.

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Chương trình GDPT mới nhằm đổi mới mục tiêu giáo dục, chuyển nền giáo dục nặng về trang bị kiến thức trước kia sang nền giáo dục theo hướng toàn diện, trang bị kỹ năng cho học sinh, cũng như phát triển tốt nhất năng lực, phẩm chất của người học.

“Chương trình GDPT mới nhằm thực hiện tốt nhất, đầy đủ nhất triết lý giáo dục “Thực học - Thực nghiệp” cho học sinh theo tinh thần của Nghị quyết 29. Vì vậy, ngoài việc thay đổi gần như triệt để quá trình dạy và học, tổ chức thi cử, đánh giá học sinh, thì Chương trình GDPT mới sắp tới còn thay đổi lớn về “độ mở” trong việc học của học sinh, việc dạy của giáo viên, hướng đến việc điều chỉnh cách dạy theo đúng tinh thần Nghị quyết 29” - GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh.

Chính vì mục tiêu và sứ mạng của Chương trình GDPT mới là như vậy nên ngay từ bây giờ ngoài việc tổ chức, hướng dẫn các trường, đội ngũ giáo viên tiếp cận với phương thức dạy học mới thì công tác tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia 2019 cũng hướng đến mục tiêu chính yếu của nó (theo tinh thần Nghị quyết 44 và Nghị quyết 29 của Trung ương); đánh giá lại quá trình học trong 12 năm của học sinh.

“Kết quả thi THPT quốc gia để sử dụng xét tốt nghiệp THPT nên đề thi của kỳ thi này sẽ chỉ đáp ứng mục tiêu mức độ học vấn THPT là cơ bản. Nó không phải là đề thi tuyển sinh ĐH, càng không phải là kỳ thi học sinh giỏi. Do đó, một trong những điều chỉnh trong đề thi năm 2019 là giải quyết những phán ảnh của kỳ thi trước (năm 2018) khi đề thi có một số câu hỏi quá khó, không phù hợp với sứ mệnh lịch sử của kỳ thi là để xét tốt nghiệp cho học sinh THPT.

Để đáp ứng mục tiêu xét tốt nghiệp là cơ bản, và làm cơ sở tuyển sinh ĐH - CĐ, năm 2019 đề thi sẽ được thiết kế để đánh giá mức độ học vấn phổ thông, gồm các câu hỏi ở mức độ cơ bản và một số câu hỏi có tác dụng phân hóa” - ông Mai Văn Trinh cho biết.

6 nhóm giải pháp sẽ được Bộ GD&ĐT triển khai trong Kỳ thi THPT Quốc gia 2019

1. Sẽ rà soát tổng thể về toàn bộ quy chế, quy trình của kỳ thi để cụ thể hóa những quy định trong quy chế, hướng dẫn. Trong đó, vấn đề quan trọng là xác định rõ hơn trách nhiệm của các bên liên quan tham gia tổ chức kỳ thi và chế tài xử lý.

2. Tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi đảm bảo chất lượng, các yêu cầu để đề thi chính thức phù hợp với tính chất kỳ thi, thời gian làm bài của thí sinh.

3. Hoàn thiện, củng cố ứng dụng CNTT vào các khâu của các kỳ thi. Trong đó sẽ hoàn thiện phần mềm kỳ thi, tăng cường bảo mật, hỗ trợ phát hiện gian lận.

4. Nghiên cứu, xem xét tổ chức về việc chấm thi theo hình thức mới. Bộ GD&ĐT đang xem xét theo hướng cán bộ chấm thi sẽ không chấm bài của thí sinh tỉnh mình.

5. Qua thực tiễn và cụ thể là qua sự việc kỳ thi 2018, công tác nhân sự, con người là vấn đề quan trọng nhất. Việc lựa chọn nhân sự tham gia vào công tác Kỳ thi THPT quốc gia 2019 sẽ được xem trọng.

6. Nâng cao chất lượng, hiệu quả thanh tra, giám sát tại các cụm thi, địa điểm thi và tất cả các phòng thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.