Về phổ điểm thi THPT quốc gia môn Lịch sử tại TPHCM: Cần nhìn nhận khách quan

GD&TĐ - Việc thay đổi từ hình thức tự luận sang trắc nghiệm và tổ chức bài thi tổ hợp KHXH đã thu hút nhiều thí sinh đăng ký dự môn Lịch sử hơn. Tuy nhiên, quyết tâm, mục tiêu của từng thí sinh đến với môn thi này là khác nhau, nên chưa thể nhìn vào điểm số để đánh giá hết chất lượng dạy - học môn Lịch sử.

Về phổ điểm thi THPT quốc gia môn Lịch sử tại TPHCM: Cần nhìn nhận khách quan

Đó là những chia sẻ của thầy Trần Trung Hiếu - giáo viên môn Lịch sử Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) trước những ý kiến về phổ điểm thi thấp của môn Lịch sử Kỳ thi THPT quốc gia tại TPHCM.

Không bất ngờ

Theo số liệu thống kê mới đây của TPHCM về điểm thi các môn Kỳ thi THPT quốc gia 2018, môn Lịch sử có 8.000 thí sinh dự thi với kết quả 80,9 % bài có điểm dưới trung bình; 19,1% học sinh đạt điểm trên trung bình.

Con số này khiến nhiều người giật mình khi so sánh với phổ điểm các môn thi còn lại. Tuy nhiên, theo thầy Trần Trung Hiếu - giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) thì điều này không gây bất ngờ. Thầy đưa ra một số nguyên nhân:

Thứ nhất, trong nhiều năm qua, số lượng thí sinh theo học và thi khối C để xét tuyển vào các ngành sư phạm, khoa học xã hội và nhân văn tại phía Nam không nhiều như ở miền Bắc.

Thứ hai, vì tính thực dụng của sự lựa chọn khối thi, tổ hợp thi, các em HS chọn thi môn Lịch sử và tổ hợp KHXH để xét tốt nghiệp vì cho rằng tổ hợp này dễ làm hơn so với tổ hợp KHTN.

Thứ ba, phần nhiều thí sinh nằm trong 81 % đó chọn môn thi Lịch sử và tổ hợp KHXH để xét tốt nghiệp. Với mục đích đó, các em chỉ cần điểm để đỗ tốt nghiệp THPT, tức là qua điểm liệt là đủ, chứ không cần cố gắng để đạt điểm cao. Việc xét công nhận tốt nghiệp cũng không chỉ dựa vào riêng điểm thi THPT quốc gia, mà còn dựa vào điểm học bạ.

Đừng đổ hết trách nhiệm lên người thầy

Tuy nhiên, kết quả này của TPHCM cũng đáng suy nghĩ, và nhiều người đặt câu hỏi liệu đề thi có quá khó. Thực tế, đề thi THPT quốc gia môn Lịch sử năm 2018 về cấu trúc giống như đề thi minh họa của Bộ trước đó, với 25 - 30% kiến thức trong chương trình lớp 11 và còn lại của lớp 12.

Có chăng, Bộ GD&ĐT và những người ra đề có sự điều chỉnh để tính phân loại của đề thi năm nay trở nên rõ ràng. Có những câu hỏi cần sự tư duy, phân tích, nắm chắc vấn đề. Vì thế, với những em không học, mà chỉ dựa vào may rủi hoặc phán đoán, suy diễn sẽ không làm được bài. Những em có năng lực vừa phải, nhưng lười học, cũng sẽ thấy khó.

Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng, toàn bộ kiến thức đề thi đều nằm trong chương trình sách giáo khoa. Thời gian thi, số lượng câu hỏi được giữ nguyên như Kỳ thi THPT quốc gia năm trước.

“Kết quả thi sẽ đánh giá được năng lực của học sinh, quá trình ôn tập và khả năng nắm vững kiến thức và ý thức, thái độ học tập của học sinh. Em nào học hành nghiêm túc, ôn tập tốt, thì sẽ đạt điểm tương xứng. Đừng vì kết quả, phổ điểm thi thấp, mà trút trách nhiệm lên đầu thầy cô”, thầy Trần Trung Hiếu nhấn mạnh.

Cần nhìn nhận khách quan

Trở lại vấn đề lựa chọn tổ hợp thi THPT quốc gia trong những năm qua, có thể thấy có những dịch chuyển khá rõ nét. Cụ thể là tỷ lệ thí sinh đăng ký tổ hợp KHXH tăng hơn so với tổ hợp KHTN.

Chẳng hạn tại Nghệ An, Kỳ thi THPT quốc gia 2018 có số thí sinh thi Lịch sử, Địa Lý, GDCD cao gần gấp đôi so với thí sinh thi Vật lý, Hóa học, Sinh học. Theo thầy Hiếu, điều này bắt nguồn từ truyền thống của xứ Nghệ là dân văn chương, với nhiều văn nhân nổi tiếng. Nằm trong bối cảnh chung đất nước, học sinh có xu hướng nhiều vào ngành khoa học cơ bản, và xem nhẹ KHXH, việc duy trì được số lượng thi tổ hợp KHXH là tín hiệu đáng mừng.

Cũng phải nhìn nhận rằng, Kỳ thi THPT là kỳ thi kép, giải quyết 2 mục đích: Công nhận tốt nghiệp và xét tuyển ĐH. Thế nên, không phải tất cả những em chọn tổ hợp KHXH là môn thi, khối thi xét đại học, và có học lực khá giỏi.

Số lượng HS chọn tổ hợp KHXH để xét công nhận tốt nghiệp chiếm phần lớn, số chọn để xét ĐH không nhiều. Bên cạnh đó, tỷ lệ học sinh chọn môn Lịch sử nói riêng và tổ hợp KTXH nói chung, chiếm nhiều ở vùng nông thôn, miền núi, và ít ở vùng đô thị, trung tâm.

Về điểm thi môn Lịch sử tại cụm thi ở TPHCM về phía các cơ quan báo chí cũng cần phải nhìn nhận thật khách quan. Bởi đây là một vùng đô thị lớn, tỷ lệ học sinh chọn thi môn Lịch sử để xét tốt nghiệp và kể cả xét ĐH thấp hơn nhiều so với các môn KHTN.

Điểm thi môn Lịch sử tại đây cũng chỉ là của 1 cụm thi, chưa hoàn toàn đánh giá hết cục diện của môn Sử trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018, và cũng chưa phải là kết quả đại diện cho kết quả điểm thi môn Sử trên toàn quốc.

“Muốn nhìn nhận một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ thì phải cần chờ các địa phương khác công bố kết quả thi, từ đó mới có kết luận, đánh giá công bằng, khách quan được. Và tôi cũng cho rằng, phổ điểm môn Lịch sử của các tỉnh phía Bắc sẽ cao hơn, khả quan hơn so với phía Nam”, thầy Trần Trung Hiếu chia sẻ.

Về phổ điểm thi THPT quốc gia môn Lịch sử tại TPHCM: Cần nhìn nhận khách quan ảnh 2Thầy Trần Trung Hiếu

“Đừng vì kết quả một môn thi của 1 địa phương mà có những nhận xét thiếu khách quan, toàn diện và đừng phủ nhận sạch trơn những gì Bộ GD&ĐT đang cố gắng. Tôi cũng mong rằng, tới đây, sau khi các địa phương công bố điểm thi và các trường ĐH, CĐ tuyển sinh, Bộ cũng sẽ thẳng thắn nhìn nhận những cái được hoặc chưa được từ Kỳ thi THPT quốc gia 2018 và rút kinh nghiệm để kỳ thi 2019 sẽ hoàn thiện hơn”. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.