Kỳ thi THPT quốc gia 2019: 6 nhóm giải pháp củng cố công tác tổ chức, giám sát và chấm thi

Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2018. Ảnh Internet
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2018. Ảnh Internet

Công tác tổ chức và chấm thi sẽ siết chặt hơn nữa

Những thay đổi, theo Cục trưởng cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT, là công tác tổ chức, giám sát kỳ thi sẽ siết chặt hơn nữa, chi tiết vai trò, nhiệm vụ đến từng cá nhân; công tác đảm bảo an ninh, an toàn đề thi, bài thi, cũng như công tác chấm thi thông qua việc mã hóa dữ liệu, xây dựng phần mềm nhận diện vi phạm.  

Cũng theo chia sẻ của ông Mai Văn Trinh, để hạn chế tối đa những sự vụ không hay đã xảy ra trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018, kỳ thi 2019 Bộ GD&ĐT sẽ triển khai 6 nhóm giải pháp nhằm củng cố chắc chắn hơn nữa công tác tổ chức thi, giám sát và chấm thi.

Ông Mai Văn Trinh- Cục trưởng cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT thông tin về kỳ thi 2019 cho phóng viên khu vực phía Nam
 Ông Mai Văn Trinh- Cục trưởng cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT thông tin về kỳ thi 2019 cho phóng viên khu vực phía Nam

Cụ thể: Sớm xây dựng ngân hàng đề thi lớn, đảm bảo chất lượng của từng bộ đề thi cũng như sớm có đề thi tham khảo để học sinh, giáo viên yên tâm ôn tập theo đề thi tham khảo;

Tiếp tục hoàn thiện phần mềm chấm thi, ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa CNTT vào công tác tổ chức thi, chấm thi;

Rà soát lại toàn bộ quy chế, quy trình của kỳ thi; xác định rõ hơn trách nhiệm của các bên tham gia tổ chức kỳ thi và có chế tài cụ thể đến từng cá nhân;

Tăng cường công tác bảo mật để chống tiêu cực trong chấm thi. Trong đó, cán bộ chấm thi không chấm bài của học sinh tỉnh mình;

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, giám sát trong từng hội đồng thi, phòng thi;

Nghiên cứu công tác tổ chức chấm thi theo cụm, sự lựa chọn cán bộ tham gia công tác chấm thi sẽ chi tiết và cụ thể hơn, song song với công tác tập huấn.

Học sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2018
 Học sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2018

Các trường đại học sẽ tham gia sâu hơn trong kỳ thi

Đây là điều chắc chắn sẽ được Bộ GD&ĐT triển khai trong kỳ thi năm 2019. Theo ông Mai  Văn Trinh sự tham gia sâu hơn(tăng cường vai trò - PV) của các trường đại học trong công tác tổ chức, giám sát, chấm thi là cần thiết, tốt hơn bởi công tác thanh tra, giám sát sẽ hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, không vì sai phạm của một vài cá nhân mà nghi ngờ các địa phương bởi thực tế các địa phương đã làm rất tốt, hỗ trợ Bộ GD&ĐT rất nhiều trong công tác tổ chức, chấm thi…

Giải thích thêm về những băn khoăn của phụ huynh, học sinh về việc năm 2019, kỳ thi sẽ không phải để phục vụ mục tiêu “2 trong 1” mà chủ yếu để xét tốt nghiệp, ông Mai Văn Trinh cho biết: vốn dĩ kỳ thi “ 2 trong 1” ( được xây dựng trên Nghị quyết 29) là để thực hiện cho mục tiêu đổi mới kỳ thi, xét tốt nghiệp

“Cách gọi kỳ thi “2 trong 1” là cách nói nôm, nói tắt tuy không sai nhưng thực tế nó không đầy đủ ý tứ, sứ mệnh của kỳ thi THPT Quốc gia. Kỳ thi THPT Quốc gia là nhằm mục tiêu đổi mới kỳ thi xét tốt nghiệp theo hướng giảm áp lực, tốn kém nhưng đảm bảo độ trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, đồng thời làm cơ sở để tuyển sinh ĐH và tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp.

Nếu kỳ thi này còn đủ đảm bảo độ tin cậy, phân hóa được thì các trường ĐH sẽ sử dụng kết quả. Việc sử dụng kết quả của các trường rất đa dạng. Nhiều trường chỉ dùng làm sơ tuyển, nhiều trường kết hợp cả phỏng vấn, đánh giá năng lực…

Mục tiêu quan trọng của kỳ thi là điều chỉnh quá trình dạy học. Trước đây, nếu không thi, chất lượng môn giáo dục công dân, lịch sử chưa được như các năm vừa rồi. 

           Ông Mai Văn Trinh chia sẻ

Mọi câu chữ trong Nghị quyết rất rõ ràng. Tại sao để xét công nhận tốt nghiệp? Vì Luật Giáo dục quy định học hết 12 năm, các em đủ điều kiện phải dự một kỳ thi xét tốt nghiệp THPT… Bộ GD&ĐT bám theo tinh thần của Nghị quyết 29, đặc biệt là cụ thể hóa Nghị quyết 44; tiến tới tổ chức kỳ thi chung lấy kết quả để xét tốt nghiệp THPT và làm cơ sở, căn cứ để các trường ĐH-CĐ tuyển sinh. Vì thế, việc xét tốt nghiệp THPT là quy định của Luật Giáo dục” - ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh.

Trên tinh thần đó, cùng với cách tổ chức dạy học như hiện nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia vẫn là giải pháp tối ưu nhất.

Theo ông Mai Văn Trinh, năm 2018, một trong những điều khiến kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia bị đánh giá chưa trọn vẹn là đề thi có một số câu hỏi quá khó, không phù hợp sứ mệnh của kỳ thi.

Vì vậy, để đáp ứng mục tiêu xét tốt nghiệp là cơ bản và làm cơ sở tuyển sinh ĐH- CĐ, năm 2019 đề thi sẽ được thiết kế để đánh giá mức độ học vấn phổ thông, gồm các câu hỏi ở mức độ cơ bản và một số câu hỏi có tác dụng phân hóa. Bộ GD&ĐT sẽ sớm ban hành đề tham khảo để học sinh tiếp cận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ