Vui Giao thừa
Tết Nguyên đán 2024 là lần thứ 2 thầy Võ Hoàng Sơn - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Hai Bà Trưng (Sa Bình, Sa Thầy, Kon Tum) đón thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới cùng người dân, học sinh huyện biên giới.
Quê thầy Sơn ở huyện Đô Lương (Nghệ An). Năm 2004, sau khi tốt nghiệp trường sư phạm, thầy Sơn chọn Tây Nguyên làm nơi trao truyền tri thức cho học trò. Hàng chục năm gắn bó với huyện biên giới, thầy Sơn thấu hiểu nhiều gia đình vì quá khó khăn nên không có điều kiện cho con em đến trường.
Không để con đường học tập của các em đứt quãng, thầy Sơn cùng giáo viên đến từng nhà vận động phụ huynh đưa con em đến lớp. Bên cạnh tuyên truyền, thầy còn trích tiền túi mua sách vở, nhu yếu phẩm… tặng học sinh. Biết việc làm ý nghĩa của thầy, nhiều bạn bè, người thân đã chung tay hỗ trợ để trò nghèo đủ đầy hơn khi đến lớp.
“Tôi thường vào làng, đến từng nhà học sinh khó khăn, hay nghỉ học tìm hiểu hoàn cảnh gia đình. Từ chia sẻ của phụ huynh, học sinh, bản thân hiểu hơn cuộc sống của trò để tìm ra biện pháp hỗ trợ phù hợp, kịp thời. Từ đó, duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng giáo dục”, thầy Sơn tâm sự.
Công tác xa nhà, những dịp Tết đến Xuân về là lúc thầy Sơn cùng gia đình nhỏ sum họp với cha mẹ già ở quê. Thế nhưng năm nay, để hiểu hơn phong tục tập quán của bà con, thầy quyết định ở lại đón Giao thừa, vui Tết cùng phụ huynh, học sinh.
Tết Nguyên đán 2019, khi còn công tác ở xã Mô Rai (huyện Sa Thầy), thầy Sơn vui lửa trại, tham gia múa xoang… cùng người Rơ Măm vào thời khắc Giao thừa. Trong niềm vui năm mới, thầy Sơn biết thêm nhiều phong tục, tập quán và nét văn hóa của người dân.
Khoảng cách giữa người thầy và phụ huynh, học sinh dường như chẳng còn. Thầy Sơn hòa chung niềm vui của dân làng, thưởng thức ẩm thực truyền thống và cùng múa lửa trại. Với những học sinh khó khăn, thầy mua nhu yếu phẩm tặng cho các em nhằm động viên, hỗ trợ gia đình đón Tết trọn vẹn hơn.
“Có gần gũi, đón Tết cùng người dân mới thấu hiểu cuộc sống của họ. Qua những dịp quan trọng như này bà con cũng tin tưởng, sẻ chia nhiều hơn. Từ đó, phụ huynh chủ động quan tâm đến việc học của con em mình, thầy cô đỡ vất vả trong giảng dạy, vận động học sinh ra lớp sau Tết”, thầy Sơn nói.
Để có thể hòa mình và hiểu hơn về văn hóa, hoàn cảnh học sinh, gia đình luôn ủng hộ thầy trong những việc làm ý nghĩa. Thầy Sơn dự định Giao thừa năm nay sẽ cùng vợ, con hòa chung không khí rộn ràng, tươi vui của người Jrai và Hà Lăng ở xã Sa Bình. Qua đó thầy mong muốn các con hiểu hơn về cuộc sống của bạn bè đồng trang lứa nơi vùng biên, từ đó thêm sẻ chia, đồng hành.
“Tôi mong chờ thời khắc đón Giao thừa cùng học sinh và bà con nơi này. Mỗi vùng sẽ có một phong tục, nghi thức đón năm mới riêng nên đây là dịp quan trọng và ý nghĩa. Hy vọng sau những dịp đặc biệt nhà trường - phụ huynh sẽ cùng đồng hành, giúp các em học tốt để có tương lai tươi sáng”, thầy Sơn bộc bạch.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Hai Bà Trưng (huyện Sa Thầy, Kon Tum) múa cồng chiêng, múa xoang. Ảnh: Dung Nguyễn |
Thấu hiểu để sẻ chia
14 năm qua, vào dịp Tết Nguyên đán, cô Tống Thị Ngọc Thúy Vân - giáo viên chủ nhiệm lớp 6A1, Trường THCS Nguyễn Du (huyện Đăk Tô, Kon Tum) đều trích tiền túi ủng hộ Chương trình “Bánh chưng xanh”, cắt tóc miễn phí và vui chơi cùng học sinh ở làng Đăk Kang (xã Diên Bình).
Thay vì lì xì cho trò nghèo vào dịp Tết, cô Vân mua bánh kẹo, sách vở và quần áo để các em đón năm mới vui vẻ, trọn vẹn hơn. Sau Tết, học sinh vắng nhiều nên cô thường xuyên gọi điện thăm hỏi, vào làng tuyên truyền để gia đình tạo điều kiện cho con em ra lớp. Để thuận lợi hơn trong giao tiếp với bà con, cô Vân học thêm tiếng Xơ Đăng. Qua nhiều lần chia sẻ, động viên…, phụ huynh cũng tin tưởng và đồng hành nhằm duy trì sĩ số lớp học.
Là người địa phương, Tết năm nào thầy giáo A Hlưng - Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Đăk Rơ Nga (huyện Đăk Tô, Kon Tum) cũng quây quần cùng dân làng gói bánh chưng, đốt lửa đêm Giao thừa. Trong không khí vui tươi, rộn ràng, thầy A Hlưng không quên động viên học sinh cố gắng học tập để sau này bớt vất vả. Với những em đặc biệt khó khăn, đầu năm mới thầy đến từng nhà thăm hỏi, lì xì để trò phấn khởi.
Nhiều năm qua, vào dịp lễ hội Pơ Thi - lễ hội lớn nhất trong năm của người Ba Na, thầy Vũ Văn Tùng - giáo viên Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, Gia Lai) lại vui cùng bà con dân làng.
“Người Ba Na nơi đây không ăn Tết Nguyên đán. Lễ hội lớn nhất là Pơ Thi để tiễn đưa người chết về cõi vĩnh hằng. Lễ hội diễn ra từ đầu tháng 2 đến hết tháng 3 hằng năm nên dịp này nhiều học sinh không đến trường. Do đó, tôi tranh thủ tham gia cùng bà con để hiểu hơn về nét văn hóa truyền thống, cũng như động viên gia đình, học sinh bám trường, lớp”, thầy Tùng nói.
10 năm gắn bó với thôn làng, hòa chung niềm vui năm mới cùng bà con, Tết Nguyên đán 2024 thầy Tùng dự định về quê Nghệ An đón Tết với mẹ già đã ngoài 70 tuổi. Trước khi về quê, thầy Tùng không quên kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ nhu yếu phẩm và những phần quà thiết thực cho học sinh khó khăn để các em đón năm mới đủ đầy, ấm cúng.
“Tôi tiếp tục kêu gọi, hỗ trợ 40 suất quà Tết cho 40 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Món quà tuy chưa lớn nhưng phần nào giúp gia đình các em đón Tết trọn vẹn hơn. Đây cũng là động lực giúp trò cố gắng, vươn lên trong học tập để thoát khỏi đói nghèo”, thầy Tùng tâm sự.
Pơ Thi là nghi lễ lớn nhất của người Ba Na để tiễn đưa linh hồn người thân đã khuất về với Yàng (trời) và giải phóng những ràng buộc giữa người sống với người chết. Nghi lễ này kéo dài suốt 3 ngày, 3 đêm. Người dân sẽ mời cả làng cùng tham gia ăn uống, múa xoang và cồng chiêng. Những người thân trong gia đình nói chuyện lần cuối với người đã mất để dẫn đưa người chết vĩnh viễn về cõi Atâu (cõi chết).