Đón Tết trên quê “mới”

GD&TĐ - Giáo viên miền xuôi tình nguyện lên công tác tại miền núi, trải qua tháng ngày thách thức càng thêm gắn bó với vùng đất khó, yêu học trò nghèo và văn hóa địa phương.

Nhiều thầy cô vùng xuôi đã ở lại và hòa mình vào không khí Tết vùng cao cùng học trò. Ảnh: NVCC
Nhiều thầy cô vùng xuôi đã ở lại và hòa mình vào không khí Tết vùng cao cùng học trò. Ảnh: NVCC

Trên quê hương thứ 2, nhiều thầy cô đã đón những mùa xuân ấm áp bên đồng nghiệp, học trò… vợi đi cảm giác cô đơn, nỗi nhớ gia đình…

Những mùa xuân ở lại

Thầy Bùi Quang Hòa, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Bát Đại Sơn, từ quê Thái Bình ngược lên Quản Bạ (Hà Giang) công tác từ năm 1996. Tới nay đã tròn 25 năm, vợ chồng thầy Hòa ở lại cùng học trò miền núi đá. Kiến thức, tâm huyết đã theo chân thầy tới nhiều điểm trường khó khăn nhất. Bước sang năm thứ 26, thầy Hòa vẫn quyết tâm gắn bó với giáo dục vùng cao biên giới.

“Mùng 6 – 8 Tết, đồng nghiệp trả phép trở lại trường, chúng tôi lại quây quần bên nhau chia sẻ chuyện đón Tết mỗi gia đình dưới xuôi, cùng nhau làm bữa cơm đón “Tết lại” và tất bật chuẩn bị cơ sở vật chất trường lớp chờ ngày học sinh quay lại học tập…”, thầy Hòa chia sẻ. 

Nhớ lại thời gian đầu lên Quản Bạ lập nghiệp, thầy Hòa chia sẻ: Hà Giang khi ấy đường dân sinh từ huyện tới thôn bản chưa có, địa hình đồi núi, giao thông đi lại khó khăn vô cùng, phần lớn thôn bản không có điện và luôn khát khao nguồn nước sinh hoạt. Để tới điểm trường giáo viên phải đi bộ, vượt núi hàng chục km; đi từ sáng tới trưa mới tới nơi. Thầy cô muốn xuống trung tâm huyện hay về quê phải bắt xe nhiều giờ đồng hồ, nhưng có khi cả ngày không có một chuyến…

Những năm đầu đi dạy, lương giáo viên trẻ mới ra trường còn thấp nên chi tiêu sinh hoạt phải tiết kiệm tối đa. Giáo viên xây dựng gia đình hay chưa đều ở nhờ nhà công vụ của trường. Dịp lễ Tết, hè… phải cân nhắc tính toán đủ bề mới dám về thăm gia đình bởi mỗi chuyến đi không chỉ đường sá vất vả mà tốn kém về kinh tế.

“Năm 2000, lần đầu tiên tôi đón Tết tại Quản Bạ. Nỗi nhớ bố mẹ, gia đình khiến tôi bâng khuâng vì lần đầu xa nhà dịp Tết. Nhưng cũng may mắn bởi không khí đón Tết tại địa phương đã cho tôi cảm giác ấm áp, được hòa mình với phong tục tập quán của bà con dân tộc, quây quần bên mâm cỗ giản dị, chén rượu ngô thơm nồng do chính gia đình tự nấu… Biết thầy giáo trẻ dưới xuôi lên công tác, tới đâu bà con cũng trân trọng và mời vào nhà. Đi vòng quanh thôn, xóm, gia đình học sinh, một số đồng nghiệp chúc Tết (dù chưa đầy đủ) cũng hết thời gian nghỉ Tết”, thầy Hòa kể.

Cô Phạm Thị Hạnh quê huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa cũng vượt 500 km ngược lên vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái) tròn 7 năm. Tốt nghiệp Trường Đại học Tây Bắc (Sơn La) năm 2013, cô Hạnh có ý định về quê xin việc, nhưng khi ấy ngành Giáo dục địa phương không tuyển giáo viên. Còn cô giáo trẻ mới ra trường lại đầy nhiệt huyết, nhất định không bỏ nghề nên được bạn giới thiệu “đầu quân” lên Mù Cang Chải đang cần tuyển giáo viên. Không suy nghĩ đắn đo, cô nhanh chóng nộp đơn và may mắn được phân công về Trường PTDTBT THCS Lao Chải (Mù Cang Chải, Yên Bái) dạy học tới nay.

Cô Hạnh bùi ngùi chia sẻ: Lên Mù Cang Chải dù đã đặt quyết tâm vượt khó miễn sao được làm cô giáo, nhưng cũng không khỏi ngỡ ngàng bởi thực tế, điều kiện sống và làm việc khác xa những gì đã trải qua và suy nghĩ. Không chỉ điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, mà giáo dục cũng đầy thách thức. Học sinh nhút nhát, trình độ tiếp thu chậm so với dưới xuôi, gia đình ít quan tâm tới việc học của trẻ. Thậm chí sẵn sàng cho con em nghỉ học ở nhà lao động kiếm sống…

Đặc biệt 100% học sinh là người Mông nên thường xuyên phải giao tiếp bằng tiếng dân tộc, trong khi đó cô giáo trẻ chỉ có thể nói và hiểu tiếng phổ thông. Thời gian đầu khi chưa kịp học tiếng dân tộc, mỗi lần đến nhà học sinh vận động hoặc trao đổi với phụ huynh cô phải nhờ đồng nghiệp biết tiếng Mông đi cùng làm thông dịch.

Lên công tác vùng khó không người thân quen, khi biết cô giáo trẻ quê Thanh Hóa vượt biển lên rừng dạy học, ai nấy đều ngạc nhiên và ái ngại hỏi “quê xa thế à?”. Đôi khi cô không tránh khỏi chạnh lòng, cô đơn giữa miền rừng xa lắc, nhất là vào dịp cuối tuần hoặc ngày lễ Tết cứ thui thủi một mình.

Bước sang năm thứ 2 cô quen và kết hôn cùng đồng nghiệp. Từ đấy mảnh đất Mù Cang Chải với cô như gần hơn, mọi khó khăn có người cùng chia sẻ cũng nhẹ đi và mau chóng vượt qua. Thấm thoát, cô Hạnh đã có gần 10 năm ở lại với vùng đất khó.

“Năm đầu tiên lên công tác tôi về đón Tết với gia đình. Tuy nhiên, từ năm thứ 2 cho tới nay, tôi đón Tết tại Mù Cang Chải. Khi có gia đình, đồng nghiệp bên cạnh thì việc hòa nhập cuộc sống môi trường mới cũng vô cùng nhanh chóng”, cô Phạm Thị Hạnh trải lòng và chia sẻ: Bà con dân tộc nơi đây tình cảm, việc đón Tết cũng văn minh hơn nhiều, không có hoặc rất ít tình trạng tụ tập hay tổ chức tràn lan lễ hội nên không khí Tết ấm áp, vui vẻ.

Đặc biệt, phụ huynh rất nhiệt tình, quý trọng thầy cô. Tết đến, dù khó khăn về vật chất thế nào nhưng cũng nhớ tặng thầy cô cành đào nhỏ hoặc những chiếc bánh chưng xanh. Vật chất không nhiều nhưng tấm lòng bà con với thầy cô luôn ấm áp.

Cô Lâm Thị Oanh, quê Đại Từ, Thái Nguyên đã nhiều năm đón Tết trên quê hương mới Bắc Hà. Ảnh: NVCC
Cô Lâm Thị Oanh, quê Đại Từ, Thái Nguyên đã nhiều năm đón Tết trên quê hương mới Bắc Hà. Ảnh: NVCC

Đón nhận cuộc sống mới

Lý do gắn bó với mảnh đất Bắc Hà (Lào Cai) của cô giáo Lâm Thị Oanh, Trường THPT số 1 Bắc Hà, quê ở Đại Từ (Thái Nguyên) có phần khác so với đồng nghiệp. Nhưng dù vì lý do nào thì giờ đây Bắc Hà với cô không thể cách xa.

Năm 2011, cô Oanh tốt nghiệp Trường Đại học Giáo dục - ĐHQG Hà Nội. Trước đó, cô đã yêu và hẹn ước với chồng (hiện nay) quê Bắc Hà, Lào Cai nên ra trường cô nộp đơn xin việc lên Lào Cai. Năm đầu tiên, cô công tác tại Trường THPT số 3 Bảo Yên (huyện Bảo Yên). Năm 2012, cô chuyển về Trường THPT số 1 Bắc Hà cho tới nay. Mới ngày nào đặt chân tới Bắc Hà, đến nay cô đã làm giáo viên vùng cao gần 10 năm.

Bắc Hà ngày cô đến còn trầm lắng, điều kiện sống hạn chế, cơ sở hạ tầng chưa phát triển như bây giờ. Tết đến bà con dân tộc sinh hoạt theo phong tục, văn hóa địa phương. Cô lại quen với văn hóa của người Sán Chỉ trong khi chồng cô là người Phù Lá. Trong một môi trường đa văn hóa, đôi khi cô không khỏi bỡ ngỡ. Nhưng rồi gần 10 năm sinh sống và nhiều hơn 5 lần đón Tết tại địa phương, cô quen dần và đón nhận cuộc sống nơi đây tự nhiên như hơi thở.

“Vì quê chồng tại Bắc Hà nên từ lâu gia đình xác định sẽ gắn bó dài lâu cho dù cuộc sống còn khó khăn. Những cái Tết trên quê hương thứ 2 đã trở nên thân thuộc bởi bên cạnh có gia đình, đồng nghiệp, học trò... Khi xác định gắn bó có nghĩa người ta đã thích nghi và “say” mảnh đất này…”, cô Oanh bộc bạch.

Cô giáo Nguyễn Thị Ánh Phương (Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố 1, Bắc Hà, Lào Cai) quê ở Đông Anh (Hà Nội) lên Bắc Hà từ năm 1995. Những năm đầu tiên “rời” phố lên rừng của cô giáo trẻ miền xuôi không mấy dễ dàng. Cô từng khóc vì nỗi cô đơn và vất vả nhưng tình yêu học trò và suy nghĩ chỉ cần được làm cô giáo đã lấn át mọi điều. Cô chưa từng nghĩ tới bỏ việc, ngày lễ Tết buồn thì tới nhà học trò thăm, rủ chúng ôn bài, cùng đồng nghiệp tham gia sinh hoạt văn hóa địa phương…

Thế rồi, cô Phương xây dựng gia đình và an cư lập nghiệp được 26 năm ở Bắc Hà. Có năm cô và gia đình đi về hơn 700 km để có 1 tuần đón Tết với bố mẹ. Nhưng cũng nhiều năm cô chọn đón Tết tại quê hương mới và gọi điện chúc Tết hỏi thăm gia đình. Hương vị những ngày Tết vùng cao, bản sắc văn hóa truyền thống… đã in đậm và níu giữ cô ở lại.

“Có con gái lấy chồng xa, bố mẹ tôi thương lắm nhưng luôn động viên phải hoàn thành tốt công việc, yêu thương học trò, gắn bó trường lớp. Lễ Tết khi nào về được thì về, không nặng nề lễ nghĩa. Bố mẹ cũng dặn “Nghề giáo là nghề cao quý”, tôi được làm nghề cao quý đã là hạnh phúc nên phải giữ gìn và gắn bó với nơi đã cho mình cuộc sống, nghề nghiệp ổn định. May mắn khi được sự động viên, thấu hiểu của bố mẹ nên tôi đã nhẹ lòng và hòa nhập với cuộc sống nơi đây. Đến nay, con gái tôi cũng nối tiếp sự nghiệp trở thành giáo viên tiếng Anh tại huyện Bắc Hà. Gia đình tôi không thể xa nơi đây. Năm nay sẽ thêm một mùa xuân gia đình tôi đón Tết trên quê hương mới…”, cô Phương trải lòng.

Giáo viên gói bánh cùng học sinh liên hoan trước khi về đón Tết. Ảnh: Đức Trí
Giáo viên gói bánh cùng học sinh liên hoan trước khi về đón Tết. Ảnh: Đức Trí

Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương

Trường THCS Y Tý (Bát Xát, Lào Cai) có duy nhất cô giáo người địa phương còn lại đa phần giáo viên dưới xuôi hoặc từ địa phương khác lên công tác. Người gia đình gần nhất cũng cách Y Tý trên dưới 100 km. Còn lại thầy cô quê Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang…

Theo thầy Từ Viết Bình, Phó Hiệu trưởng nhà trường, mỗi dịp Tết về, nhiều thầy cô tranh thủ về quê vì quanh năm xa nhà, người đã ổn định tại địa phương thì ở lại đón Tết. Tuy nhiên, điều chung nhất ở họ là trở lại trường đúng lịch, thậm chí sớm hơn để cùng đồng nghiệp vui không khí ngày xuân. Họ háo hức, quây quần đón Tết muộn bên nhau như thể một gia đình mới được đoàn tụ và bước vào năm mới…

“Sự gắn bó với trường lớp đều xuất phát bởi trách nhiệm với công việc, nhưng hơn cả đó là tình yêu học trò, yêu mảnh đất mà họ đang gắn bó và cho họ cuộc sống ý nghĩa với vai trò người thầy…”, thầy Bình bày tỏ.

Gia đình đã hơn 10 năm đón xuân trên quê hương “mới”. Năm nay trước tình hình dịch bệnh phức tạp 2 vợ chồng thầy Bùi Quang Hòa quyết định ở lại với huyện vùng cao Quản Bạ.

“Tết xa nhà giờ đây với nhiều đồng nghiệp và bản thân tôi không còn nỗi cô đơn, lạc lõng bởi Quản Bạ đã trở thành quê hương thứ 2; đồng nghiệp, học trò, bà con thôn xóm thành người thân. Mỗi năm đi qua chỉ có thêm ước nguyện được cống hiến nhiều hơn nữa cho giáo dục vùng khó…”, thầy Hòa tâm sự.

Cô Bùi Thị Hường, Hiệu trưởng Trường PTDTBT số 1 Sín Chéng (Si Ma Cai – Lào Cai), cho biết: Trường có 25 giáo viên thì trên 50% các thầy cô quê ở Thái Bình, Phú Thọ, Yên Bái. Mỗi dịp Tết về các thầy cô đều cố gắng thu xếp về quê đón Tết tuy nhiên không ai vì xa nhà mà nghĩ tới bỏ hay chuyển nghề. Trái lại, họ tâm huyết và miệt mài với trường lớp, học trò.

Dù đón Tết ở đâu, thì trong lòng mọi người Si Ma Cai đã là bến đỗ, là quê hương. Hầu hết giáo viên miền xuôi lên vùng cao công tác tại trường đều gắn bó ít nhất từ 8 đến hơn 20 năm. Bản thân cô Hường bước sang năm thứ 23 an cư lập nghiệp và đón Tết tại Si Ma Cai.

Giờ đây, cô Hạnh và nhiều đồng nghiệp đã quyết tâm gắn bó với Mù Cang Chải và coi đây như quê hương thứ 2. Mảnh đất ấy đã cho cô và đồng nghiệp được sống với công việc yêu thích, một mái ấm gia đình hạnh phúc, những học trò ngoan. Sẽ nhiều mùa xuân họ cùng nhau ở lại và đón Tết trên quê hương mới… 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ