Những thao tác cơ bản làm văn nghị luận xã hội

GD&TĐ - Giải thích, chứng minh và bình luận là ba thao tác cơ bản khi làm một bài văn nghị luận xã hội. 

Những thao tác cơ bản làm văn nghị luận xã hội

Giáo viên Lê Hồng Chính (Trường THPT Đào Duy Từ - Thanh Hóa) chia sẻ chi tiết về các thao tác giúp này, giúp học sinh có những lập luận chặt chẽ, đầy đủ khi gặp thể loại này.

Giải thích

Yêu cầu đặt ra với bước đầu tiên này là đi sâu vào những phát ngôn rất súc tích để tìm hiểu và lý giải nội dung ý nghĩa bên trong. Tức là phải làm sáng tỏ, giảng giải, bóc tách vấn đề cho người đọc hiểu được thấu đáo cái đang được đề cập khi chúng còn đang mơ hồ.

Công việc cụ thể như sau: Để làm sáng tỏ vấn đề, trước hết cần đi vào lý giải từ ngữ, điển tích, khái niệm, đi vào nghĩa đen, nghĩa bóng, nghĩa hẹp, nghĩa mở rộng; đi vào những cách nói tế nhị bóng bẩy để hiểu được đến nơi đến chốn điều muốn nói trong vấn đề đó...

Trong thao tác giải thích, dùng lý lẽ để phân tích, lý giải là chủ yếu; đồng thời sử dụng dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề, xác lập một cách hiểu đúng đắn, sâu sắc có tính biện chứng nhằm chống lại cách hiểu sai, hiểu không đầy đủ, không hết ý.

Kết thúc của thao tác giải thích là rút ra điều cần vận dụng khi đã tìm hiểu được chân lý. Phương hướng để vận dụng những chân lý này vào cuộc sống hàng ngày, tuỳ theo cho cá thể hay cho cộng đồng để có hướng vận dụng phù hợp.

Từ những điều nói trên, rút ra một sơ đồ tổng quát theo ba bước: Làm sáng tỏ điều mà người ta muốn nói (giải thích). Trả lời vì sao người ta đã nói như vậy? (tại sao?). Từ chân lý được nói lên, rút ra bài học gì trong thực tiễn? (để làm gì).

Chứng minh

Bước tiếp theo của giải thích là chứng minh. Yêu cầu đặt ra của bước này là làm sáng tỏ chân lý bằng các dẫn chứng và lý lẽ. Khi đã chấp nhận chân lý thể hiện trong một phát ngôn nào đó, nhiệm vụ là phải thuyết phục người khác cũng chấp nhận như mình bằng những dẫn chứng rút ra từ thực tế cuộc sống xưa và nay, từ lịch sử, từ văn học (nếu đề yêu cầu).

Kèm theo dẫn chứng là những lý lẽ dẫn dắt, phân tích tạo ra lập luận vững chắc, mang đến niềm tin cho người đọc.

Công việc cụ thể thực hiện ở bước này như sau: Đầu tiên là tìm hiểu điều cần phải chứng minh, không những chỉ bản thân mình hiểu, mà còn phải làm cho người khác thống nhất, đồng tình với mình cách hiểu đúng nhất.

Tiếp theo là việc lựa chọn dẫn chứng. Từ thực tế cuộc sống rộng lớn, tư liệu lịch sử rất phong phú, người viết tìm và lựa chọn trong đó những dẫn chứng xác đáng nhất, tiêu biểu, toàn diện nhất (chỉ cần vài ba dẫn chứng để làm sáng tỏ điều cần chứng minh).

Dẫn chứng phải thật sát với điều đang muốn làm sáng tỏ và kèm theo dẫn chứng phải có lý lẽ phân tích, chỉ ra những nét, những điểm cần làm nổi bật trong dẫn chứng.

Để dẫn chứng và lý lẽ có sức thuyết phục cao, phải sắp xếp chúng thành một hệ thống mạch lạc và chặt chẽ: Theo trình tự thời gian, không gian, từ xưa đến nay, từ xa đến gần, từ ngoài vào trong hoặc ngược lại... miễn sao hợp logic.

Bước kết thúc vẫn là vận dụng, đặt vấn đề vào thực tiễn cuộc sống hôm nay để đề xuất phương hướng nỗ lực. Chân lý chỉ giá trị khi soi rọi cho ta sống, làm việc tốt hơn. Cần tránh công thức và rút ra kết luận cho thoả đáng, thích hợp với từng người, hoàn cảnh, sự việc.

Từ những điều nói trên, có thể rút ra một sơ đồ tổng quát theo ba bước: Làm rõ điều cần chứng minh trong luận đề được nêu lên. Lần lượt đưa ra các dẫn chứng và lý lẽ để làm sáng tỏ điều cần chứng minh. Rút ra kết luận về phương hướng nỗ lực.

Bình luận

Đây là thao tác có tính tổng hợp vì bao hàm cả công việc giải thích lẫn chứng minh. Nên những yêu cầu của giải thích và chứng minh cũng là yêu cầu đối với văn bình luận, nhưng giải thích và chứng minh sẽ được viết cô đọng, ngắn gọn hơn so với chỉ một thao tác chứng minh hoặc giải thích để tập trung cho phần việc quan trọng nhất là bình luận phần mở rộng vấn đề.

Trước khi bình luận, thường phải bày tỏ thái độ, để khách quan và tránh phiến diện, ta phải xem xét kĩ luận đề để từ đó có thái độ đúng đắn, có ba khả năng:

Hoàn toàn nhất trí. Chỉ nhất trí một phần (có giới hạn, có điều kiện). Không chấp nhận (bác bỏ).

Sau đó, bình luận mở rộng lời bàn để vấn đề được nhìn nhận sâu hơn, toàn diện hơn, triệt để hơn. Cuối cùng, tiếp tục chỉ ra phương hướng vận dụng để đưa lý luận vào áp dụng thực tế cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ