Theo chia sẻ của thầy Nguyễn Văn Song (Trường THPT Phù Cừ - Hưng Yên), ngữ liệu cho đề văn nghị luận xã hội rất phong phú, đa dạng nhưng có thể khái quát thành 3 dạng cơ bản.
Ngữ liệu là một câu nói hàm súc
Muốn ra được đề nghị luận xã hội hay, người giáo viên phải thuộc nhiều câu châm ngôn, tục ngữ, thành ngữ, phải đọc, sưu tầm nhiều từ các sách lời hay ý đẹp, từ các trang website danh ngôn cuộc sống.
Điều chú ý là, khi sưu tầm, tìm kiếm, cần sắp xếp theo từng lĩnh vực để sau này ta dễ sử dụng theo mục đích của đề thi và kiểm tra. Chẳng hạn, có thể sắp xếp như sau:
Danh ngôn về lý tưởng sống, ví dụ: “Muốn đi tới mục tiêu lớn phải bắt đầu từ mục tiêu nhỏ” (Lenin);
“Trong đời người, có hai con đường bằng phẳng không trở ngại: Một là đi tới lý tưởng, một là đi tới cái chết” (Lev Tolstoy);
“Thân thể khỏe mạnh” và “tư tưởng lành mạnh” là hai điều hạnh phúc lớn nhất trong cuộc sống. (Horace)
Danh ngôn về đạo đức, ví dụ: “Đạo đức chân chính giống như dòng sông, càng sâu càng vô thanh. Đạo đức không gì hơn là lòng tôn kính cuộc sống” (Albert Schweitzer);
“Hạnh phúc, cho dù dưới chế độ chuyên quyền hay dân chủ, cho dù trong sự nô lệ hay tự do, không bao giờ đạt được nếu ta không có đạo đức” ( John Adams);…
Sau khi đọc, tìm tòi, giáo viên lựa chọn những câu nói mình tâm đắc nhất làm đề thi. Nên chọn những câu nói vừa sâu sắc, vừa có tính giáo dục, vừa phù hợp với học sinh, vừa mới mẻ (chưa hoặc ít xuất hiện trong các đề thi và kiểm tra trước đó), vừa có tính hình tượng.
“Không phải câu châm ngôn nào cũng hội tụ tất cả những yêu cầu đó. Có khi đọc mấy chục câu châm ngôn mới tìm được một câu ưng ý. Chẳng hạn, với tôi, trong những câu châm ngôn về đạo đức trên đây thì câu nói “Đạo đức chân chính giống như dòng sông, càng sâu càng vô thanh” là câu nói làm được đề thi hay hơn cả” – thầy Song chia sẻ.
Ngữ liệu là một mẩu chuyện, một đoạn thơ, bài thơ
Những mẩu chuyện về đạo đức, về lối ứng xử giữa con người với con người, những đoạn thơ, bài thơ có giá trị tư tưởng, đạo lý, chứa đựng những bài học triết lý về lẽ làm người cũng là những ngữ liệu hấp dẫn của đề văn nghị luận xã hội.
Giáo viên cũng phải đọc và sưu tầm rất nhiều từ các kênh thông tin khác nhau như sách, báo, tạp chí, các trang website có uy tín về giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống.
Bộ sách “Hạt giống tâm hồn” cũng là nguồn tư liệu rất phong phú. Mẩu chuyện sau đây trong bộ sách này là một mẩu chuyện chứa đựng rất nhiều thông điệp về lòng yêu thương, sự tha thứ và hối hận mà giáo viên có thể sử dụng làm đề thi:
Tuy nhiên, dạng đề văn nghị luận xã hôi rút ra từ một mẩu chuyện, một đoạn thơ, bài thơ là một yêu cầu khó với học sinh đại trà.
Dạng này phù hợp với đối tượng là học sinh giỏi bởi nó đòi hỏi người viết phải có kỹ năng đọc hiểu và sự cảm thụ văn học tốt.
Điều đáng lưu ý là giáo viên nên chọn những mẩu chuyện những đoạn thơ, bài thơ có dung lượng ngắn, tập trung vào một khía cạnh của đời sống, tránh những ngữ liệu có nhiều vấn đề tản mạn hoặc gây tranh cãi. Nếu trong một câu chuyện có nhiều vấn đề được đề cập thì cần phải chú ý cách đưa ra yêu cầu trong đề thi.
Ngữ liệu là một mẩu tin hoặc những hiện tượng trong đời sống
Trong cuộc sống hiện đại, chẳng mấy ngày không có hiện tượng cần bàn bạc, suy nghĩ. Tuy nhiên cần chọn lựa những hiện tượng phù hợp với học sinh. Những hiện tượng đó được đăng tải trên báo mạng, báo viết báo hình rất phong phú.
Là giáo viên dạy văn không thể thiếu những thông tin về đời sống. Trong quá trình cập nhật thông tin, thấy sự kiện nào ấn tượng, phù hợp cần phải nắm bắt kịp thời và đưa vào các đề văn nghị luận xã hội.
Hiện nay, giới trẻ phải đối mặt với rất nhiều hiện tượng đời sống đáng báo động như hiện tượng bạo lực học đường, nghiện internet, chat, game, tội phạm học đường, các tệ nạn xã hội, lối sống buông thả …
Những mẩu tin có ý nghĩa giáo dục như gương người tốt, việc tốt, những tấm lòng nhân ái rất thiết thực đối với các đề nghị luận xã hội.
Đưa ra yêu cầu của đề văn nghị luận
Thầy Nguyễn Văn Song cho biết, có hai cách để đưa ra yêu cầu của đề thi.
Cách thứ nhất là: Trình bày suy nghĩ của anh/chị sau khi đọc mẩu chuyện, mẩu tin hay câu nói trên. Cách này khá phổ biến và tránh được những đáng tiếc về các cách hiểu khác nhau.
Nhưng nếu đưa yêu cầu như vậy thì đáp án hoặc hướng dẫn chấm phải có lối mở để khuyến khích được những phát hiện riêng của học sinh.
Cách thứ hai là: Từ mẩu chuyện, mẩu tin, câu nói trên, anh chị rút ra bài học gì cho mình về một khía cạnh nào đó (chẳng hạn như lòng nhân ái, khát vọng sống…). Nghĩa là vạch sẵn một hướng đi, nêu ra một luận điểm khá rõ ràng. Cách này tránh được cách viết tản mạn, không tập trung nhưng dễ có “tai nạn”.
"Thực ra, trong đề văn nghị luận xã hội có thể lấy những hiện tượng tiêu cực làm ngữ liệu nhưng phải đặt ra yêu cầu rõ ràng để người viết không lầm lẫn" - Thầy Song lưu ý.