Bước sang năm 2022, ngành giáo dục các nước đối mặt với bài toán giữ chân giáo viên khi khối lượng công việc lớn, chế độ đãi ngộ chưa phù hợp. Cùng với đó là các mục tiêu nóng khác đảm bảo học sinh được đến trường an toàn.
Giữ chân giáo viên
Sang năm 2022, thiếu giáo viên phổ thông sẽ là nghiêm trọng do ngày càng nhiều người xin nghỉ việc. Vấn đề này đang hiện hữu rõ ràng nhất trong các trường học tại Mỹ, Anh hay Kenya.
Đại dịch khiến nhiều giáo viên suy nghĩ lại về công việc của họ. Trong đó, nổi bật nhất là sự không hài lòng với mức lương và điều kiện làm việc. Ví dụ tại Mỹ, số giờ làm việc của giáo viên cao hơn 1,5 tiếng so với mức trung bình của các quốc gia khác trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Nhưng mức lương của họ thấp hơn so với mức lương của các ngành nghề yêu cầu bằng cấp tương đương tại Mỹ.
Còn tại Anh, số lượng giáo viên, hiệu trưởng các nhà trường xin nghỉ việc đang tăng cao bởi họ phải kiêm nhiệm vụ “cảnh sát Covid” trong trường học. Dù khả năng tiếp cận thông tin của họ về dịch bệnh là giống với phụ huynh, các gia đình vẫn yêu cầu nhà trường giải đáp mọi thắc mắc liên quan.
Điều này khiến giáo viên Anh quá tải khối lượng công việc. Số khác phải nghỉ làm vì có liên quan đến ca mắc Covid-19 hay đã nghỉ hưu.
Để giữ chân giáo viên, nhiều bang tại Mỹ sẽ triển khai các phương án thay đổi linh hoạt, nhằm hỗ trợ tối đa giáo viên. Đơn cử, tại thành phố Detroi, bang Michigan, trường học sẽ chuyển sang học trực tuyến vào thứ 6 hàng tuần. Một số quận, bang khác kéo dài thời gian nghỉ học từ thứ 7, Chủ nhật nâng lên thành thứ 6 đến Chủ nhật hàng tuần.
Từ đó, giáo viên có thêm thời gian nghỉ ngơi, thu xếp lại khối lượng công việc còn dang dở. Tại khu vực nông thôn, chính quyền khuyến khích sinh viên địa phương ngành Sư phạm trở về quê giảng dạy.
Đặc biệt, khi Tổng thống Joe Biden đề cử Tiến sĩ Miguel Cardona, một cựu hiệu trưởng, làm Bộ trưởng Giáo dục Mỹ đã cho thấy chính phủ mới rất nghiêm túc đầu tư vào giáo dục và sẵn sàng lắng nghe ý kiến từ các nhà giáo dục. Trong năm 2022, ông Biden có kế hoạch hỗ trợ giáo viên xem xét lại về vấn đề trả lương và các phúc lợi khác.
Còn tại Anh, các liên đoàn, công đoàn giáo viên, hiệu trưởng các trường phổ thông, đại học đang kêu gọi chính phủ quan tâm và đầu tư hơn nữa cho giáo viên, nhân viên và các nhà trường. Trong đó bao gồm các vấn đề như tăng lương, giảm giờ làm việc, giảm khối lượng công việc, loại bỏ những nhiệm vụ ngoài mục đích giáo dục…
Ông Nick Morrison, chuyên gia giáo dục người Mỹ, nhận định việc tăng lương thôi là chưa đủ. Nếu muốn tháo gỡ bài toán nguồn nhân lực trong ngành Sư phạm, chính phủ các nước phải cải thiện điều kiện việc làm, khai thác tối đa công nghệ để giảm bớt khối lượng công việc và khuyến khích giáo viên ở lại với nghề.
“Việc phong toả và đóng cửa trường học vì dịch Covid-19 giúp thế giới nhận ra một bài học lớn. Đó là giá trị của giảng dạy trực tiếp và tầm quan trọng của vai trò người thầy trong lớp học hiện nay. Do đó, giữ chân thầy cô là cách chúng ta đầu tư cho thế hệ tương lai”, ông Morrison bày tỏ.
Trái ngược với khung cảnh ảm đạm tại phương Tây, ở các nước châu Á như Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, giáo viên là ngành nghề được trả lương hậu hĩnh, được hưởng quyền lợi và ưu đãi tốt. Thậm chí tại Trung Quốc, trong những năm gần đây, nhiều phó giáo sư, tiến sĩ đi dạy tiểu học vì lương giáo viên TH, THCS ở các thành phố cao hơn.
Đối phó với dịch Covid-19
Nếu năm 2021, các nước chật vật tìm cách mở cửa trường học thì năm 2022, tổ chức học trực tiếp đảm bảo an toàn là mối lo chung của toàn thế giới. Khi các quốc gia tăng cường tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 - 12 tuổi, việc tái mở cửa trường học đã diễn ra tương đối thuận lợi trong nửa cuối năm 2021.
Hiện nay, chỉ còn số ít quốc gia chưa từng mở cửa lại trường học kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện vào tháng 3/2020 như Philippines, Venezuela, Uganda…
Nhiệm vụ của các nhà trường trong năm mới là tìm cách tổ chức học trực tiếp an toàn, không để dịch Covid-19 xâm nhập vào trường học. Tuy nhiên, vấn đề này còn nhiều thách thức do quy định phòng, chống dịch Covid-19 chưa đồng đều.
TS Anna Banerji, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện St. Michael, thành phố Toronto, Canada, cho rằng, các nhà trường cần đảm bảo mở cửa trường học an toàn sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới 2022.
Các trường cần cải thiện hệ thống thông gió trong lớp học, trường học và giới hạn sĩ số lớp. Trẻ em cũng nên đeo khẩu trang khi trở lại trường vì virus lây lan nhanh trong không khí.
Ngoài ra, việc tổ chức phòng tiêm chủng tại trường học là hữu ích, đặc biệt khi khoảng cách giữa mũi tiêm đầu tiên và mũi tiêm thứ 2 cho trẻ em được rút ngắn. Phòng tiêm chủng có thể bố trí trong phòng thể chất hoặc hội trường của các trường để trẻ em tiếp cận vắc-xin dễ dàng hơn.
Trong khi đó, cũng cần lưu ý rằng, nhiều quốc gia chưa cho học sinh trở lại trường vào đầu năm mới do lo ngại biến chủng Omicron. Anh, Na Uy, Đan Mạch… đang ghi nhận nhiều ca nhiễm biến chủng mới nên chưa chắc chắn về việc mở cửa trường học.
Do đó, song song cùng kế hoạch phòng chống dịch trong nhà trường, giáo viên cần chuẩn bị bài giảng, thiết bị dạy trực tuyến để đối phó với những điều kiện bất thường.
Bà Henrietta Fore, Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho biết: Bất chấp sự gia tăng các trường hợp nhiễm biến thể Omicron, trường học trên toàn quốc nên duy trì mở cửa bằng mọi giá.
Khi các biện pháp y tế công cộng nghiêm ngặt trở thành nhu cầu thiết yếu, trường học phải là nơi đóng cửa cuối cùng và là nơi mở lại đầu tiên.
Theo bà Fore, làn sóng đóng cửa trường học tiếp theo sẽ là “thảm hoạ” đối với trẻ em. Việc đóng cửa trường học kéo dài dẫn đến hạn chế nguồn lực cho học sinh, giáo viên và phụ huynh.
Giám đốc UNICEF đề nghị các nhà trường tăng cường biện pháp giảm thiểu lây nhiễm trong trường học, làm hết khả năng để giữ cho trường học mở cửa. Đồng thời, tăng cường đầu tư kết nối kỹ thuật số để đảm bảo không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.
“2022 không thể là năm thứ ba giáo dục bị gián đoạn. Đó phải là năm mà giáo dục phải được ưu tiên vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em”, bà Fore bày tỏ.
Bữa ăn học đường
Khủng hoảng chuỗi cung ứng trong những tháng cuối năm 2021 đang gây ảnh hưởng đến chương trình bữa trưa học đường miễn phí tại các nước phương Tây.
Sang năm 2022, cung cấp bữa trưa học đường ổn định là mục tiêu của nhiều quốc gia, đặc biệt khi trẻ em đã học trực tiếp thường xuyên hơn. Đơn cử, tại Anh, những năm vừa qua chỉ học sinh từ lớp 1 - 4 bậc tiểu học được hưởng chế độ bữa trưa miễn phí tại trường học.
Tuy nhiên, Viện Giáo dục Scotland thông báo từ tháng 1/2021, chương trình bữa trưa miễn phí sẽ được mở rộng sang cho học sinh lớp 5 bậc tiểu học.
Các chuyên gia giáo dục hoan nghênh động thái mới của Scotland và kỳ vọng Anh có thể mở rộng mô hình này trong năm 2022 để ngày càng nhiều học sinh được chăm sóc tốt nhất tại trường học.
Điều này đặc biệt phù hợp với tình hình hiện nay, nhiều gia đình tại Anh lâm vào cảnh khó khăn về tài chính sau hai năm dịch Covid-19. Với nhiều học sinh, bữa trưa tại trường là bữa ăn ngon nhất trong ngày.
Còn tại bang California, Mỹ, chương trình hỗ trợ bữa sáng và bữa trưa miễn phí cho học sinh sẽ bắt đầu từ năm học 2022 - 2023 với nguồn kinh phí lấy từ ngân sách địa phương.
Chương trình đảm bảo khoảng 6 triệu học sinh tại bang được thụ hưởng bữa ăn miễn phí. Bên cạnh đó, chương trình sẽ ưu tiên hỗ trợ thêm cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn với hy vọng giúp các em vượt qua giai đoạn này để cố gắng học tập.
Tương tự tại Kenya, quốc gia nghèo tại châu Phi, các trường học đã triển khai chương trình bữa trưa học đường miễn phí trong nhiều năm với sự hỗ trợ của chính phủ và các tổ chức phi lợi nhuận. Chương trình này vừa cung cấp nguồn dinh dưỡng ổn định vừa khuyến khích trẻ em đi học đều đặn.
Nhưng những tháng cuối năm 2021, châu Phi chịu ảnh hưởng từ thiên tai và biến chủng Omicron khiến nguồn cung thực phẩm khan hiếm. Trường học không còn được tài trợ để chuẩn bị bữa ăn học đường nên nhiều học sinh bỏ học.
Đưa trẻ trở lại lớp học
Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên Hợp Quốc (UNESCO), tính đến tháng 9/2021, khoảng 539 triệu học sinh từ bậc mầm non đến trung học tại 117 quốc gia đã trở lại trường học trực tiếp.
Con số này đại diện cho khoảng 35% tổng số học sinh trên toàn thế giới, tăng so với 16% học sinh trở lại trường vào tháng 9/2020. Khoảng 117 triệu học sinh, chiếm 7,5% học sinh thế giới, vẫn bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa trường học tại 18 quốc gia.
Trong số này nhiều em đã bỏ học vĩnh viễn do trường học đóng cửa kéo dài. Theo đó, tỷ lệ trẻ em gái vị thành niên tảo hôn hoặc mang thai tăng mạnh trong thời gian dịch bệnh.
Đơn cử, tại Nam Phi, tỷ lệ trẻ vị thành niên mang thai tăng ít nhất 60%. Trẻ em trai bỏ học chuyển sang làm thêm phụ giúp gia đình tăng thu nhập. Đối với các em, trở lại trường học là điều bất khả thi.
Học sinh bỏ học sau 2 năm gián đoạn vì dịch Covid-19 có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của các em và chuỗi nhân lực cho các nước trong tương lai. Số lượng lao động tay nghề cao sẽ thấp, thị trường việc làm tăng tính cạnh tranh.
Khi trường học tái mở cửa, việc hỗ trợ đưa những học sinh này trở lại trường là một bài toán khó, đặc biệt tại các quốc gia nghèo, nơi tỷ lệ bỏ học tăng cao. Do đó, nỗ lực đưa những trẻ em đã bỏ học hoàn toàn trở lại trường học là mục tiêu chung của nhiều quốc gia trên thế giới.
Chính phủ các nước cần có những kế hoạch cụ thể, chương trình hỗ trợ dành cho giáo dục để học sinh yên tâm trở lại trường. Đơn cử, tại Tanzania, chính phủ đã cho phép các bà mẹ tuổi teen tiếp tục đi học sau khi sinh con nhằm thúc đẩy nữ sinh trở lại trường.