Những giai điệu âm nhạc đó giống như sợi dây kết nối trái tim cả dân tộc cùng chung nhịp đập.
Bài hát ra đời ngày 30/4/1975
Ngày 30/4/1975, khi cả đất nước giành được trọn vẹn nền độc lập thì cũng là lúc một ca khúc bất hủ được chào đời. Đó chính là “Như có Bác trong ngày đại thắng” của nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên quả là người có trí nhớ rất tốt. Dù tuổi đã cao, nhưng mỗi khi có dịp hỏi chuyện, ông vẫn tường tận kể mạch lạc về những xúc cảm thôi thúc ông viết nên những ca khúc bất hủ. Với “Như có Bác trong ngày đại thắng”, nhạc sĩ Phạm Tuyên kể, khi sáng tác bài hát này ông đang công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.
Tin tức chiến thắng từ khắp nơi tới tấp bay về và ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước đến rất gần đã thôi thúc ông phải viết một bài ca mừng ngày giải phóng.
Đặc biệt, ngày 28/4/1975, trên Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi bản tin phi công của không lực Việt Nam cộng hòa đã ném bom xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Theo nhạc sĩ Phạm Tuyên, khi nghe thông tin này, trong người ông xuất hiện cảm xúc rất khó tả, và ông tin chắc chắn rằng đất nước sắp được thống nhất.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên phải bỏ dở một bản hợp xướng 4 chương đã được Ban Tuyên huấn của Đài Tiếng nói Việt Nam giao nhiệm vụ sáng tác trước đó để tìm chủ đề cho bài hát.
Ông nghĩ tới Bác Hồ - linh hồn của cuộc kháng chiến nay đã không còn để vui cùng toàn dân tộc trong ngày đất nước thống nhất. Thế là nảy ra trong ông tứ thơ “Như có Bác Hồ trong ngày đại thắng”. Đêm hôm đó, ông ngồi ôm chiếc đàn ghi ta từ 21 giờ 30 phút đến 23 giờ 30 phút để kí âm và viết xong ca khúc “Như có Bác trong ngày đại thắng”.
Sáng hôm sau (29/4/1975), nhạc sĩ Phạm Tuyên mang tác phẩm lên Đài Tiếng nói Việt Nam. Sáng 30/4/1975, tin tức về giải phóng Sài Gòn làm triệu triệu trái tim đồng loạt reo lên. Ngay trong ngày 30/4 lịch sử ấy, dàn đồng ca và dàn hợp xướng đã được triệu tập gấp, để dàn dựng ngay ca khúc “Như có Bác trong ngày đại thắng”.
Đến bản tin phát lúc 17 giờ ngày 30/4, sau tin thông báo miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thống nhất, bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên đã lần đầu tiên được phát đi khắp mọi miền Tổ quốc: Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng/Lời Bác nay thành chiến thắng huy hoàng/Ba mươi năm đấu tranh giành trọn vẹn non sông/Ba mươi năm Dân chủ Cộng hòa kháng chiến đã thành công! Việt Nam, Hồ Chí Minh!/Việt Nam, Hồ Chí Minh!/Việt Nam, Hồ Chí Minh!/Việt Nam, Hồ Chí Minh!/Việt Nam, Hồ Chí Minh!
Viết khi chưa tới Sài Gòn
Cùng cất lên tiếng reo vui của ngày thống nhất không thể không nhắc tới bài hát “Đất nước trọn niềm vui” của nhạc sĩ Hoàng Hà: “Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay/ Rộn ràng và mê say những bước chân dồn về đây/Sài Gòn ơi! Vững tin đã bao năm rồi, một ngày vui giải phóng (…) Ta nghe vang như tiếng Bác Hồ dậy từ non sông/Rạo rực sao hôm nay, Bác vui với hội toàn dân/Thành Đồng ơi! Sắt son đã vang khải hoàn/Ôi, hạnh phúc vô biên, hát nữa đi em, những lời yêu thương”.
Nhạc sĩ Hoàng viết bài hát “Đất nước trọn niềm vui” trong đúng một đêm - 26/4/1975. Khi đó, cảm xúc dào dạt lên tới cao trào, trong tim ông bỗng bật ra giọng hò Đồng Tháp của chị văn công giải phóng năm nào, hình tượng tiêu biểu của con người miền Nam.
“Đất nước trọn niềm vui” chỉ là một đóng góp nhỏ nhoi vào sự kiện vĩ đại toàn thắng 30/4 của toàn dân tộc nhưng đã là một niềm hạnh phúc lớn giúp ông tự tin hơn trên con đường sáng tác.
Viết xong bài hát này, ngay sáng hôm sau, Hoàng Hà mang đến Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi đó nhạc sĩ Nguyễn An là Tổ trưởng Tổ Biên tập đọc và duyệt, rồi giao ngay cho Nhà hát Giao hưởng. Ca sĩ Trung Kiên là người được chỉ định thể hiện bài hát này.
Nhạc sĩ Hoàng Hà viết “Đất nước trọn niềm vui” khi ông chưa đặt chân vào Sài Gòn. Cụ thể hơn, ông viết tại căn lều nứa ở Yên Phụ, ven bờ Hồ Tây, Hà Nội…
Điều gì đã giúp ông có sự thăng hoa để viết ca khúc bất hủ ấy? Nhạc sĩ từng lý giải: “Từ giữa tháng 4/1975, không khí Hà Nội quanh tôi rất sôi động. Từ sau chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột, bộ đội ta đánh xuống đồng bằng, thần tốc tiến vào Nam, tin chiến thắng dồn dập hằng ngày.
Trong Đài Tiếng nói Việt Nam, chúng tôi theo dõi tình hình chiến sự từng giờ từng phút, ai cũng náo nức, rạo rực. Lắm lúc rất nóng ruột, tôi lại chạy ra ban công nhìn xuống đường. Trên đường phố cũng như vậy, tràn ngập một không khí phấn khởi, người qua lại dường như ai cũng khẩn trương hơn, hoạt bát hơn.
Không khí Hà Nội trong thời điểm lịch sử ấy thật sôi động, hừng hực một quyết tâm, một niềm tin tất thắng. Thế nhưng nếu chỉ có cảm xúc trước bối cảnh như trên ở Hà Nội, còn Sài Gòn tôi chưa hình dung được trong ý nghĩ, thì chắc bài hát đã có một hình dạng khác.
Sở dĩ “Đất nước trọn niềm vui” được như thế, chính là kết quả của cả một quá trình tích lũy, gần thì phải kể từ cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, thậm chí là trước nữa. Nhiều yếu tố cộng lại dần dần để rồi bùng phát ở một thời điểm”.
Cũng giống như Hoàng Hà, nhạc sĩ Hồ Bắc viết “Sài Gòn quật khởi” khi mới tuổi 38, chưa một lần được tới Sài Gòn, thậm chí cũng chưa đặt chân lên chiến trường miền Nam. Sinh thời, nhạc sĩ kể rằng, ông viết bài hát này trong không khí của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.
Lúc ấy ông chỉ muốn viết một cái gì đó để thể hiện tình cảm của mình. Và chợt cảm hứng ùa đến, đó là không khí của cả nước ra trận, cảm xúc từ những năm 50 đi chiến đấu vào giải phóng các thị xã của vùng Đông Bắc, rồi ước nguyện hòa bình thống nhất đất nước của mọi người dân…
Tất cả những cảm xúc ấy, cộng với nhiều tư liệu tích lũy khi đọc sách báo và xem phim tư liệu đã giúp tôi chỉ sau một đêm hoàn thành ca khúc “Sài Gòn quật khởi” để sáng hôm sau gửi đến Đài Tiếng nói Việt Nam. Và ngay sau đó ca khúc này được Dàn hợp xướng Đài Tiếng nói Việt Nam dàn dựng với sự lĩnh xướng của hai giọng ca Kim Oanh và Tuyết Nhung.
Giai điệu ngày thống nhất
Trong những giai điệu tháng 4, không thể không nhắc tới giai điệu da diết: “Biển trời bao la/Đẹp như gấm hoa/Nước mây muôn màu, những con tàu ra Bắc vào Nam…”. Đó là lời bài hát “Bài ca thống nhất” của nhạc sĩ Võ Văn Di.
Nhạc sĩ Võ Văn Di sinh năm 1933 tại Nghi Hải, Nghi Lộc, Nghệ An. Ông từng học Đại học Văn khoa và sau nữa là Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).
Trong cuộc đời âm nhạc của mình, Võ Văn Di viết nhiều thể loại, như: “Người anh hùng dân tộc” - độc tấu violon, “Người lái đò trên sông Pô Cô” - chuyển thể tác phẩm cùng tên của nhạc sĩ Cầm Phong, tứ tấu đàn dây “Tiếng nhạc biên cương” - rondo sonate, “Biển quê hương” - ngũ tấu, “Chồi non lá mới” - độc tấu violon…, và nhiều ca khúc: “Gửi Huế thân yêu”, “Nghệ Tĩnh yêu thương”, “Về quê Bác”… Tuy nhiên, “Bài ca thống nhất” được nhiều người yêu thích, định vị cái tên Võ Văn Di trong lòng nhiều thế hệ người yêu nhạc.
Và nhịp hò khoan: “Dô... khoan/Là khoan dô hò/Là khoan dô khoan/Trời Việt Nam gió reo nắng cười/Đàn bồ câu tắm trong vàng tươi/Người Việt Nam đón Xuân xây đời…” chắc chắn sẽ mãi mãi vang xa, dù người viết đã ra đi cách đây 16 năm!