Đó là chia sẻ của ông Ninh Thành Viên - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục vừa được Bộ GD&ĐT công bố.
Kết quả từ sự lắng nghe, cầu thị
Theo ông Ninh Thành Viên, đội ngũ nhà giáo đánh giá cao khi Bộ GD&ĐT đã trình và được Quốc hội thông qua Nghị quyết điều chỉnh lộ trình thực hiện về Đổi mới Chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đây là quyết sách hết sức đúng đắn, kịp thời và đáp ứng mong mỏi của tập thể nhà giáo.
Theo đó, thời hạn áp dụng Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu chậm nhất từ năm học 2020 - 2021 đối với cấp tiểu học, từ năm học 2021 - 2022 đối với cấp trung học cơ sở và từ năm học 2022 - 2023 đối với cấp trung học phổ thông là hợp lý. Với mốc thời gian này, các cơ sở giáo dục có thời gian để chuẩn bị về mọi mặt, từ bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đến việc chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất.
Tiếp đến, một quyết sách quan trọng khác đang được Bộ GD&ĐT trình dự thảo chính là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Điều được dư luận quan tâm và đánh giá cao chính là Bộ GD&ĐT đã cầu thị, lắng nghe ý kiến đóng góp từ xã hội. Từ những kiến nghị, góp ý này, Bộ đã kịp thời sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục để đảm bảo các yêu cầu phát triển sự nghiệp GD&ĐT nước nhà trong tình hình mới. Kết quả từ sự lắng nghe, cầu thị chính là những quyết sách đúng đắn, xóa bỏ những rào cản và hướng đến mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
Cụ thể như dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục lần này đã chú trọng và có một số thay đổi đáng chú ý như miễn học phí tới cấp THCS, lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương…
Với tâm huyết này của Bộ GD&ĐT, nếu Luật được thực thi trong thời gian tới thì sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề. Đó chính là yêu cầu về một hệ thống giáo dục mở, linh hoạt; một chương trình, nhiều sách giáo khoa; miễn học phí tới cấp THCS; UBND các cấp chịu trách nhiệm chất lượng giáo dục địa phương; tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT; Xếp lương giáo viên cao nhất trong hệ thống lương hành chính, sự nghiệp…
Các đề xuất hợp lý
Dự thảo sửa đổi đã thể hiện sự linh hoạt, liên thông giữa cấp học và trình độ đào tạo khi dự kiến cho phép: Trong thời gian học THPT, học sinh có thể chuyển sang học chương trình đào tạo trung cấp nếu đáp ứng được yêu cầu của chương trình. Học sinh tốt nghiệp THPT có thể học lên ĐH hoặc theo học các chương trình giáo dục nghề nghiệp. Đây sẽ tạo điều kiện cho người học có thể dễ dàng chuyển đổi giữa chương trình, trình độ đào tạo; đáp ứng giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp trong trường phổ thông.
Về tiền lương của nhà giáo, hiện nay nhìn chung lương của nhà giáo còn thấp, đặc biệt là nhà giáo ở bậc giáo dục mầm non, phổ thông. Vì vậy, cần phải có cơ chế, chính sách tháo gỡ vấn đề này. Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp trong dự thảo là một trong những vấn đề được chú ý nhất. Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ là một quyết sách rất kịp thời, vì đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển bền vững.
Đầu tư trong lĩnh vực giáo dục là hoạt động đầu tư đặc thù thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và được ưu đãi đầu tư. Nhà nước ưu tiên đầu tư cho giáo dục, đặc biệt là vùng khó khăn; khuyến khích và bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư cho giáo dục...
Việc miễn học phí cho HS đến cấp THCS cũng rất hợp lý, vì đây là tiền đề quan trọng để đẩy mạnh phổ cập giáo dục THCS và phân luồng học sinh. Vì vậy cần phải có cơ chế, chính sách để thực hiện phổ cập giáo dục tới cấp THCS…