Những sự vật còn sống

GD&TĐ - Thời điểm bài thơ ra đời, Hải Phòng nói riêng, miền Bắc nói chung đang phải hứng chịu những trận oanh tạc của không lực Hoa Kỳ.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Cánh buồm trôi như một sự vô tình

Trên dòng sông, chiếc sà-lan chìm một nửa

Giàn mướp trước nhà đã đổ

Hoa mướp vàng vô tư

Ngọn rau sam trên gạch vẫn chua

Cây mào gà nhởn nhơ trước gió...

Và chúng tôi đi trên gạch vỡ

Không khóc than như chẳng đau thương

Chúng tôi hiểu sâu xa về sự vật quanh mình.

Cánh buồm trôi cho dòng sông sống lại

Hoa mướp vàng để dựng giàn mướp dậy

Rau sam chua cho đất biết đất đang còn...

Người chết sẽ chẳng bằng lòng nếu chúng tôi quá đau thương

Chúng tôi sống thay cho người đã chết.

Hải Phòng 1/9/1972

 Xuân Quỳnh

Lời bình của Đặng Toán

Quang cảnh sau trận chiến đã tạo cảm hứng, thôi thúc nhà thơ cầm bút. Không đi sâu vào miêu tả sự tàn khốc của chiến tranh, vì thế những hình ảnh “chiếc sà-lan chìm một nửa, giàn mướp bị đổ hay những ngôi nhà chỉ còn là đống gạch vỡ” chỉ vừa đủ để người đọc cảm nhận được không gian cũng như hậu quả mà nó để lại.

Điều tác giả muốn gửi gắm trong bài thơ là những suy nghĩ, chiêm nghiệm ẩn sau hình ảnh của “những sự vật còn sống”.

“Cánh buồm trôi như một sự vô tình; Hoa mướp vô tư vàng, ngọn rau sam vẫn chua, bông mào gà vẫn nhởn nhơ trước gió... Và chúng tôi đi trên gạch vỡ/ Không khóc than như chẳng đau thương”.

Một loạt hình ảnh của thiên nhiên và con người ngỡ như bình thường song lại được bổ trợ bằng những cụm từ có chủ ý: vô tình, vô tư, nhởn nhơ, chẳng đau thương... đã tạo cho người đọc cái cảm giác hình như cảnh thì vô tâm còn người thì vô cảm? Nhưng, sự thực không phải như vậy.

Những phát hiện mang tính triết lí của tác giả có vẻ như là đơn giản song không phải ai cũng có thể nhận ra ngay được: “Cánh buồm trôi cho dòng sông sống lại/Hoa mướp vàng để dựng giàn mướp dậy/Rau sam chua cho đất biết đất vẫn đang còn...”

Chỉ cần dòng sông không chết, chỉ cần giàn mướp được dựng dậy, chỉ cần biết đất vẫn đang còn, đã thực sự là minh chứng cho những điều kỳ diệu của cuộc sống, của thiên nhiên.

Giữa đạn bom tàn khốc, giữa sự thật khắc nghiệt, giữa lằn ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, những sự vật nếu còn được sống sẽ vẫn cứ tồn tại đúng như những gì nó đã từng có, không một tác động nào dù ghê gớm đến đâu có thể thay đổi hay khuất phục được.

Sự thật khách quan sẽ luôn là như vậy. “Người chết sẽ chẳng bằng lòng nếu chúng tôi quá đau thương/Chúng tôi sống thay cho người đã chết”. Cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn cho dù có phải trải qua đớn đau, gian khổ nhường nào.

“Sống thay cho người đã chết” không chỉ đơn giản như một lời hứa mà còn thể hiện thái độ sống và ẩn chứa trong đó là tấm lòng, ân tình của con người đối với con người.

Bằng cảm nhận tinh tế, cách so sánh rất gần gũi, giản dị song lại có chọn lọc, nữ sĩ Xuân Quỳnh đã khéo léo mang đến cho người đọc thông điệp: Thiên nhiên này, cuộc sống này có thể rất mong manh, nhưng không vì thế mà dễ dàng thay đổi, khuất phục hay hủy diệt. Chỉ cần được có mặt trên cõi đời này “những sự vật còn sống” sẽ nhất định sống đúng như những gì tự nhiên nhất của quy luật sinh tồn.

Bạn đọc từng biết đến và yêu mến một Xuân Quỳnh nồng nàn trong “Thơ tình cuối mùa thu”, da diết trong “Thuyền và biển”, tình cảm trong “Mẹ của anh”... Giờ lại bắt gặp một Xuân Quỳnh đầy lý trí, suy tư và chiêm nghiệm trước hiện thực của cuộc sống, của thiên nhiên.

Khi viết bài thơ này bà mới 30 tuổi (Xuân Quỳnh sinh năm 1942) phải vậy mà những suy tư, những chiêm nghiệm mang tính triết lý nhưng cũng hết sức nhân văn đó đã phần nào thể hiện được tố chất của một nhà thơ tài hoa?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ