Những quan niệm sai lầm phổ biến khi dùng thuốc

Dùng thuốc không đúng cách có thể là “lợi bất cập hại”. Dưới đây là những quan niệm sai lầm về dùng thuốc bạn nên tránh.

Những quan niệm sai lầm phổ biến khi dùng thuốc

1. Nếu bị đau nhiều, bạn có thể bỏ qua hướng dẫn sử dụng và dùng liều cao hơn

Sự thật: Khi bị đau nặng, bạn có thể “phớt lờ” liều sử dụng trên hướng dẫn và cho rằng tăng liều cũng không ảnh hưởng gì. Nhưng sự thật là việc tăng liều có thể gây hại. 

Liều khuyến nghị của các thuốc kê đơn hoặc không kê đơn không phải đưa ra vô căn cứ mà nó được dựa trên những tính toán cẩn thận. Các công ty dược đã phải nghiên cứu kỹ để tìm ra liều thích hợp cho từng loại bệnh và loại thuốc.

Uống nhiều hơn liều được kê có thể làm mất đi lợi ích của thuốc và tăng nguy cơ bị tác dụng phụ nghiêm trọng khiến cho bạn cảm thấy tồi tệ hơn là không dùng thuốc. Bạn cũng cần chú ý tới cách dùng thuốc. 

Thuốc viên được thiết kế để nuốt chứ không để nhai. Nếu bạn gặp khó khăn khi nuốt những viên thuốc, hãy nói với bác sĩ hoặc dược sĩ về loại thuốc thay thế.

2. Nếu bạn cảm thấy khá hơn, bạn không cần tiếp tục uống thuốc nữa

Sự thật: Nếu các triệu chứng biến mất nhưng bạn còn 1 tuần mới hết thuốc được kê, bạn dễ nghĩ tới việc ngừng dùng thuốc. Tuy nhiên, nếu bạn ngừng thuốc sớm có thể làm tăng nguy cơ tái phát bệnh.

Nếu bạn đang cân nhắc việc dừng thuốc vì chi phí quá cao, hãy tư vấn bác sĩ hoặc dược sĩ về cách giảm chi phí. Bác sĩ kê đơn thuốc vì bạn cần nó nhưng có nhiều loại thuốc có tác dụng tương tự mà giá cả phải chăng hơn.

3. Các chế phẩm bổ sung tự nhiên luôn an toàn

Sự thật: Các chế phẩm bổ sung tự nhiên có vẻ như an toàn và lành mạnh hơn thuốc. Nhưng vì tiêu chuẩn cho các chế phẩm bổ sung không khắt khe, số lượng mỗi thành phần có thể khác nhau giữa các sản phẩm. 

Tác dụng phụ tiềm ẩn có thể không được đề cập trên nhãn mác. Hơn nữa, một số chế phẩm bổ sung có thể tăng nguy cơ bị tác dụng phụ với một số loại thuốc. Nếu bạn thích các chế phẩm bổ sung tự nhiên, hãy tư vấn bác sĩ về loại an toàn hơn.

4. Kháng sinh là “câu trả lời” cho mọi loại bệnh

Sự thật: Kháng sinh chỉ có lợi khi bị các bệnh do vi khuẩn như khuẩn cầu. Những bệnh phổ biến như cảm lạnh và viêm họng do vi-rút, không đáp ứng với tất cả các loại kháng sinh. 

Ngay cả khi bạn đang cảm thấy đau đớn, các thuốc không kê đơn thường sẽ giảm triệu chứng cho đến khi vi-rút biến mất. Hãy hỏi bác sĩ xem loại nào là an toàn, ví dụ nếu bạn bị tăng huyết áp, Sudafed® (pseudoephedrine) có thể khiến huyết áp của bạn tăng thêm.

Nếu bạn không cảm thấy khá hơn trong 10-14 ngày, hãy tư vấn bác sĩ. Bạn có thể bị nhiễm khuẩn thứ phát và khi đó kháng sinh sẽ có ích. Bác sĩ không muốn kê kháng sinh khi bạn không cần vì lạm dụng kháng sinh có thể dẫn tới kháng thuốc, gây khó khăn trong điều trị các bệnh nhiễm trùng.

5. Không cần cho bác sĩ biết loại vitamin bạn dùng

Sự thật: Khi kê một loại thuốc mới hoặc đề nghị một loại thuốc không kê đơn, bác sĩ cần biết về tất cả các thuốc không kê đơn và kê đơn, các loại vitamin và chế phẩm bổ sung bạn đang dùng. 

Điều này giúp bác sĩ đảm bảo rằng bất cứ loại thuốc mới nào cũng sẽ không tương tác với thuốc bạn đang dùng theo cách nguy hiểm. Một số thuốc, vitamin hoặc các chế phẩm bổ sung có thể cản trở cơ thể hấp thu, phân hủy và đào thải thuốc.

6. Nơi tốt nhất để bảo quản thuốc là trong bếp

Sự thật: Để thuốc ở nơi bạn sẽ thấy chúng mỗi ngày có vẻ là cách tốt nhất để nhắc bạn nhớ dùng thuốc. Tuy nhiên, lưu trữ thuốc và các chế phẩm bổ sung ở trong bếp có thể khiến chúng bị hỏng do ẩm ướt và ánh sáng. 

Bạn nên để thuốc ở nơi khô ráo, cách xa nhiệt và ánh sáng trực tiếp. Bảo quản thuốc trong vỏ hộp thuốc hoặc trong hộp mà trẻ em không mở được. Luôn để thuốc và các chế phẩm bổ sung ở nơi trẻ em và vật nuôi không thể tiếp xúc.

7. Bạn uống thuốc thế nào không quan trọng miễn là nó tới được “nơi cần tới”

Sự thật: Các viên thuốc cần được uống với nước. Uống thuốc với rượu là cực kỳ có hại vì rượu có thể cản trở cách cơ thể hấp thu thuốc. 

Thay vào đó hãy uống một ngụm và sau đó ngậm thuốc vào miệng, uống đủ nước để thuốc hòa tan trước khi xuống đến dạ dày. Điều này sẽ tránh gây kích thích cổ họng của bạn. Và cũng cần kiểm tra xem có nên uống thuốc khi quá no hoặc khi dạ dày đang trống rỗng.

Theo suckhoedoisong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

2025, năm ‘bùng nổ’ các sự kiện âm nhạc?

GD&TĐ - Vừa bước sang năm 2025 đã có khá nhiều cuộc hẹn của âm nhạc được dự kiến như Hà Anh Tuấn sẽ đem Live concert “Sketch a rose” từ Nhà hát Sydney Opera House (Australia) về TPHCM...