Những phận đời 'vô thừa nhận' bên dòng Khao

GD&TĐ - Định cư bất hợp pháp, không tấc đất canh tác, không điện sinh hoạt, từ nhiều năm qua, hàng chục hộ dân phải bám lấy dòng sông Khao để mưu sinh.

Người dân thôn Lửa mưu sinh bên dòng sông Khao.
Người dân thôn Lửa mưu sinh bên dòng sông Khao.

Mong ước về một cuộc sống không còn 3 từ “bất hợp pháp” luôn thường trực trong tâm trí của mỗi người dân thôn Lửa nơi đây.

Mưu sinh nhờ… nòng nọc

Thôn Lửa (xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) trải dài trên một diện tích rộng lớn, “bám lưng, bám bụng” Quốc lộ 47. Trên địa bàn thôn hiện có 53 hộ dân mà nếu xét về lý, đây là những hộ hiện thuộc diện cư trú bất hợp pháp.

Sở dĩ có cái sự lạ lùng như vậy là bởi gần 2 thập kỷ trước, những hộ dân này đã nhường đất cho Nhà nước để thực hiện Dự án hồ thủy lợi, thủy điện Cửa Đạt.

Tuy vậy, sau một thời gian di dời, do không thể bám trụ được tại vùng đất mới, họ đã trở về chốn cũ để cư trú bất hợp pháp, chấp nhận cuộc sống tạm bợ, bám sông Khao để mưu sinh chờ ngày đổi phận.

Bên ngoài căn nhà mới được xây dựng trái phép tựa lưng vào dòng sông Khao, bà Hà Thị Năm (46 tuổi) đang tỉ mẩn làm sạch những con nòng nọc để kịp giao hàng cho khách.

Bà Hà Thị Năm đang làm sạch những con nòng nọc để giao cho khách.
Bà Hà Thị Năm đang làm sạch những con nòng nọc để giao cho khách.

Con vật mà bà Năm cho biết là đặc sản của vùng có hình dạng giống với con nòng nọc ếch nhưng to và nhạt màu hơn. Cư trú bất hợp pháp, không tấc đất canh tác nên từ nhiều năm nay, thứ sản vật do dòng sông Khao mang lại này giúp người dân có đồng ra đồng vào phục vụ nhu cầu sinh hoạt tối thiểu hàng ngày.

Nòng nọc chưa làm được thu mua với giá 50.000 đồng/kg trong khi nếu làm sạch sẽ, mỗi kg sẽ có giá là 100.000 đồng. Đưa tay nâng chiếc rổ để áng chừng khối lượng, bà Năm bảo cả đêm xuống sông đặt bát quái cũng chỉ được gần 50.000 đồng. Số tiền ấy nếu chi tiêu dè sẻn cũng chỉ đủ cho 2 bữa ăn đạm bạc.

Tuy nhiên, cũng như những thức khác, nòng nọc cũng có kỳ. Mùa nắng nước sông cạn, việc đánh bắt còn thuận lợi chứ như mùa mưa, nước sông dâng thì coi như nhà bà Năm cùng các hộ gia đình khác đói.

Sinh sống dựa vào tự nhiên như thế nên theo bà Năm, mùa nước cạn là thời điểm gia đình bà cũng như nhiều hộ dân ở đây đánh bắt, tích trữ phòng những khi nước lên.

“Chúng tôi không có đất sản xuất nên cũng chỉ biết bám vào sông Khao để mưu sinh. Thanh niên trai trẻ còn có sức khỏe, có thể đi làm được chứ như chúng tôi cũng chỉ biết bám víu lấy mảnh đất này đến cuối đời thôi”, bà Năm tâm sự.

Ngược dòng thời gian trở về thời điểm năm 2004, bà Năm cùng nhiều hộ dân khác được chính quyền vận động giao đất để thực hiện Dự án hồ thủy lợi, thủy điện Cửa Đạt.

Chấp hành chính sách, 14 hộ dân khi đó đã đồng tình ủng hộ di chuyển đến nơi ở mới tại thôn Khong (xã Yên Nhân) với nhiều hy vọng về một cuộc sống mới tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên, sau 2 năm, vùng đất mới khó sống, lại không có đất canh tác nên 14 hộ dân đã tìm về chốn cũ dựng nhà và cư trú bất hợp pháp đến tận bây giờ. Sau gần 20 năm, từ 14 hộ, hiện số hộ dân cư trú bất hợp pháp trên địa bàn thôn Lửa đã lên đến 53.

Mang cái tiếng cư trú bất hợp pháp nên những hộ dân tại đây không chỉ đối mặt với nguy cơ bị sạt lở, ngập lụt, mà việc không có điện, thiếu đất sản xuất khiến cho cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Sống trong tăm tối

Căn nhà tạm bợ của gia đình ông Lò Văn Hoan và bà Nguyễn Thị Hội.

Căn nhà tạm bợ của gia đình ông Lò Văn Hoan và bà Nguyễn Thị Hội.

Sát bên căn nhà của gia đình bà Hà Thị Năm là căn nhà của gia đình ông Lò Văn Hoan (68 tuổi) và bà Nguyễn Thị Hội (80 tuổi). Gọi đây là căn nhà thì có vẻ khiên cưỡng bởi một người trưởng thành sẽ phải cúi đầu, lần mò từng bậc nếu muốn vào được căn nhà này.

Trên chiếc giường được đóng lại bằng một vài thanh gỗ, ông Hoan và bà Hội đang chầm chậm phe phẩy chiếc quạt nan nhưng để xua bớt đi cái nóng hầm hập từ ngoài đường nhựa bốc theo gió đưa vào.

Không gian tĩnh mịch của buổi trưa đầu hè thỉnh thoảng lại bị phá ngang bởi những tiếng rên khe khẽ của bà lão nhiều năm sống chung với căn bệnh đau xương khớp. Trong một góc tối phía trong nhà, ông Hoan ngồi thu lu, hướng ánh mắt xót xa nhìn người vợ đang điếng người đi vì những cơn đau.

“Mấy tháng trước, chân phải tôi cũng bị liệt, nhưng sau một thời gian tập luyện, giờ đã đỡ hơn nhưng việc đi lại vẫn còn khó khăn. Thời tiết thay đổi nên lại đến lượt bà ấy (bà Hội) đau chân”, ông Hoan đáp lời.

Những cơn đau hành hạ khiến bà Hội kêu la thảm thiết nhưng ông Hoan cũng chẳng biết làm gì hơn vì tuổi đã cao, con cái ở xa và “nhà chẳng có gạo mà ăn nói gì xa xôi đến chuyện đi viện thăm khám”.

Ông Hoan làm rọ bán để lấy tiền trang trải cuộc sống.
Ông Hoan làm rọ bán để lấy tiền trang trải cuộc sống.
Vợ chồng bà Hội mong ước thoát khỏi cảnh sống bất hợp pháp trong những năm tháng cuối đời.

Vợ chồng bà Hội mong ước thoát khỏi cảnh sống bất hợp pháp trong những năm tháng cuối đời.

Ông Hoan từng có một đời vợ trong khi đó bà Hội cũng đã qua một đời chồng. Hai mảnh đời khó ấy gặp nhau rồi nên duyên mà chẳng có cưới xin gì. Họ có với nhau được 5 mặt con nhưng người lấy chồng, người thì làm ăn xa và kinh tế cũng chẳng khá khẩm gì nên có chăng mỗi lần về thăm cũng chỉ giúp đỡ bố mẹ được đôi ba cân gạo.

Không còn sức khỏe để ngụp lặn ngoài sông đặt bát giác, bắt nòng nọc như những người khác nên ông Hoan phải đan rọ bán lấy tiền. Sức khỏe yếu, xương khớp có vấn đề nên dễ có đến 2 ngày ông Hoan mới đan được đôi rọ. Trừ chi phí, ông lãi 10.000 đồng/cái. Với số tiền này, ông Hoan phải dành một vài buổi mới đủ tiền mua gạo.

“Có tiền mua gạo là tốt rồi, thức ăn thì chẳng cần vì với chúng tôi, thìa nước mắm chan vào là xong bữa”, ông Hoan tâm sự. Vợ chồng ông Hoan là những người đầu tiên di chuyển về thôn Lửa để sinh sống sau khi thấy nơi ở mới khó sống hơn.

Tiền không có cộng thêm tuổi già sức yếu nên vợ chồng ông phải dựng tạm một túp lều để ở. Vài năm trước, mưa, gió khiến túp lều của gia đình ông bà gần như đổ sập. Căn nhà hiện tại là do các con ông xúm nhau lại dựng lên để bố mẹ có chỗ che mưa nắng.

Không có điện sinh hoạt, gia đình ông Hoan cũng như những hộ dân khác phải sống cảnh tối tăm, nóng bức. Để căn nhà không như hũ nút, ông Hoan gom góp số tiền các con biếu để mua một tấm pin năng lượng Mặt trời.

Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn năng lượng ít ỏi đó cũng rất dè sẻn và hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết. Ông Hoan kể, những ngày trời mưa, không có năng lượng, cả nhà ông phải sống trong cảnh mò mẫm, lần sờ.

“Chúng tôi cũng đã có tuổi, chỉ mong ước sao chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện để chúng tôi có một tấc đất cắm dùi và thoát khỏi tiếng sống bất hợp pháp trên chính mảnh đất cha ông để lại là may mắn lắm rồi”, ông Hoan xúc động.

Chính quyền cũng thấy… xót xa

Ông Hà Thanh Hắng, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Nhân.

Ông Hà Thanh Hắng, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Nhân.

Mong ước của ông Hoan cũng là ước mơ của gia đình ông Vi Văn Chanh (SN 1974). Gia đình ông Chanh có 3 thành viên nhưng từ cái Tết vừa qua, vợ con bươn bải khắp nơi mưu sinh nên chỉ còn ông lủi thủi một mình trong căn nhà được dựng chui.

Mời khách cốc nước suối chưa qua đun, lọc, ông Chanh cho biết năm 2004, gia đình ông được chính quyền hỗ trợ 37 triệu đồng để tự tìm nơi ở mới sau khi nhường đất để thực hiện Dự án hồ thủy lợi, thủy điện Cửa Đạt.

Tuy nhiên, 2 năm sau khi mua một mảnh đất với giá 5 triệu và dựng tạm chiếc lều nhỏ để sinh sống, ông Chanh đã quyết định dắt díu gia đình trở về thôn Lửa và chấp nhận cư trú bất hợp pháp từ đó đến nay.

Sống trong cảnh xa vợ con, mọi sinh hoạt ông Chanh đều phải tự lo liệu. Trong ngày, nếu không xuống sông Khao bắt cá, bắt nòng nọc, ông Chanh lại vào rừng lần tìm măng hoặc đi xe lên trung tâm xã để kiếm tìm việc làm thuê. Sống một mình nên ông Chanh gặp gì ăn nấy chứ chẳng mấy khi nấu nướng, gian bếp bên hông căn nhà chẳng mấy khi đỏ lửa.

Vài năm trước, do căn nhà cũ quá rách nát, mặc dù không được chính quyền địa phương cho phép nhưng ông Chanh vẫn gom góp tiền và đánh liều dựng một căn nhà vững chãi hơn.

“Không được thừa nhận quyền cư trú nên chúng tôi không được vay vốn ngân hàng, để có tiền dựng nhà, tôi phải vay mượn khắp nơi. Tốn kém nhưng cũng có chỗ ở tử tế mỗi khi mưa, lũ về”, ông Chanh giãi bày.

Gia cảnh khó khăn nên vợ và các con ông Vi Văn Chanh đều đi làm ăn xa.
Gia cảnh khó khăn nên vợ và các con ông Vi Văn Chanh đều đi làm ăn xa.

Đem câu chuyện của những người dân cư trú bất hợp pháp tại thôn Lửa chia sẻ với lãnh đạo UBND xã Yên Nhân, ông Hà Thanh Hắng (Phó Chủ tịch UBND xã Yên Nhân) cũng bày tỏ thái độ ái ngại.

Ông Hắng bảo chứng kiến hoàn cảnh của người dân, chính quyền địa phương nhiều lúc cũng rất xót xa nhưng không thể nào làm khác được bởi còn có nhiều quy định ngặt nghèo về mặt pháp lý.

Phó Chủ tịch UBND xã Yên Nhân cho biết vào năm 2004, để thuận lợi cho việc thực hiện Dự án hồ thủy lợi, thủy điện Cửa Đạt, chính quyền địa phương đã vận động các hộ di dời đến nơi ở mới. Có 2 phương án tái định cư được đưa ra đó là người dân sẽ di chuyển vào Tây Nguyên.

Tại đây, người dân sẽ được hỗ trợ 1 nửa kinh phí để dựng nhà diện tích 35 - 40m2. Phương án thứ 2 là người dân sẽ nhận được số tiền đền bù và tự bố trí nơi ăn chốn ở tại 2 điểm tái định cư đã được bố trí trên địa bàn xã.

“Thời điểm đó, tất cả các hộ dân đều đồng loạt lựa chọn phương án 2. Tuy nhiên, khi đến nơi ở mới, phần vì xa trung tâm xã, phần vì không có đất canh tác và thêm nhiều lý do khác nữa nên sau 2 năm, họ lại dọn về địa điểm cũ để sinh sống bất hợp pháp đến tận bây giờ. Ban đầu là 14 hộ, đến nay, đã lên đến 53 hộ”, ông Hắng chia sẻ.

Trong số 53 hộ dân này, có đến 26 hộ nghèo, 16 hộ cận nghèo. Cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên do con sông Khao mang lại. Con sông chảy phía sau lưng 53 hộ dân thôn Lửa mùa này cạn trơ đáy nhưng vào mùa mưa lũ, nước sông dâng cao mấy mét sát đến tận nhà các hộ dân nên vô cùng nguy hiểm. Chính vì sống cạnh con sông này nên người dân luôn thấp thỏm lo lắng còn chính quyền cũng chẳng yên.

“Khu vực này có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất rất cao. Vào mùa mưa, phải tuyên truyền liên tục để người dân cảnh giác và rời khỏi nhà khi cần thiết. Vẫn biết chỗ người dân đang ở là bất hợp pháp nhưng chúng tôi cũng rất thương họ. Đất sản xuất không có, tận dụng làm được ít ruộng bên sông nhưng nhiều vụ lúa đang độ chín lại bị lũ cuốn sạch.

Việc người dân dựng nhà trên nền đất đó là bất hợp pháp nhưng chính quyền địa phương cũng không biết xử lý như nào, yêu cầu dỡ bỏ thì tội mà xử phạt thì họ có tiền đâu mà phạt”, ông Hà Thanh Hắng nói.

Ngày buồn sắp cạn?

Trao đổi với phóng viên, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thường Xuân Lê Hoàng Cường cho biết, các hộ dân thôn Lửa đã sống ở đây nhiều năm, nhiều hộ vẫn sống trong nhà tạm. Không có điện, không có đất sản xuất nên cuộc sống của họ rất khó khăn. Trường học xa nên bất tiện cho trẻ em đi học. Nơi đây lại tiềm ẩn nhiều rủi ro về thiên tai.

Tuy nhiên, ông Cường cũng thông báo, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Thực hiện đề án trên, UBND huyện Thường Xuân đã quy hoạch 5 ha đất tại khu vực Băng Lươm (xã Yên Nhân) để xây dựng khu tái định cư cho 53 hộ dân. Thiết kế xây dựng chi tiết khu tái định cư tập trung đã trình Sở Xây dựng thẩm định phê duyệt. Nếu được thông qua, dự kiến trong năm 2023 đến năm 2024 sẽ hoàn thành việc sắp xếp ổn định cho 53 hộ dân này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.