Cựu chiến binh mừng Sinh nhật Bác bằng bộ sưu tập 1.000 bức ảnh và hiện vật về Hồ Chủ Tịch

Khu nhà tưởng nhiệm Bác Hồ do tự tay cựu chiến binh Võ Như Thông (82 tuổi, còn gọi là Võ Như Tông, Tử Vi Dân) tự tay xây dựng nằm trên một triền dốc thoai thoải ở tổ Đồng Trường 2, thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam cách đây đã 10 năm.

Cựu chiến binh mừng Sinh nhật Bác bằng bộ sưu tập 1.000 bức ảnh và hiện vật về Hồ Chủ Tịch

Với diện tích toàn cảnh lên đến trên 500 m2, rợp bóng cây trái, không gian ấm áp, yên bình. Theo lời cụ Thông, thì cụ đã dồn tất cả tâm huyết, sức lực của mình vào khu nhà tưởng niệm này, đó vừa là niềm tự hào và thể hiện sự tôn kính của cụ Thông đối với Bác…

Đã bước qua tuổi 80, nhưng cả hai vợ chồng cụ Thông đều khỏe mạnh, giọng nói sang sảng. Cụ Thông chia sẻ, vợ chồng tôi đều từng là những người lính, nên luôn học tập theo “tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” sống cần kiệm, liêm chính. Các con cháu giờ đã thành đạt cả, nên an nhàn tuổi già của hai cụ giờ là vui với mảnh vườn, luống loa và quan trọng nhất đó là “chăm nom” nhà thờ Cụ.

Cựu chiến binh Võ Như Thông và những kỷ vật về Bác Hồ tại khu nhà tưởng niệm Bác Hồ ở tổ Đồng Trường 2, thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Cựu chiến binh Võ Như Thông và những kỷ vật về Bác Hồ tại khu nhà tưởng niệm Bác Hồ ở tổ Đồng Trường 2, thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Cụ Thông kể, năm 1947 cụ tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1955 tập kết ra Bắc, thuộc đơn vị trinh sát đặc công. Năm 1964, cùng đồng đội vào Nam chiến đấu. Thời điểm này, người chiến sĩ ấy lấy biệt danh “Tử Vi Dân” với ý nghĩa sâu xa: “Vì nhân dân hy sinh”. Chính thời điểm này, quen với cô y tá quân y Huỳnh Thị Thuyền (SN 1947, vợ cụ Thông) rồi nên duyên vợ chồng. Sau giải phóng, về Trà My công tác đến lúc về hưu với quân hàm thiếu tá.

Nói về lí do xây dựng Nhà thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Thông tâm niệm: “Tuy chưa một lần gặp nhưng Bác Hồ luôn ở trong trái tim tôi, như ở trong mỗi trái tim người lính cụ Hồ năm nào. Thời gian ở ngoài Bắc, được đồng đội quê Bắc Ninh tặng cho một bức tranh Bác Hồ bằng đá nên ngày đêm nghĩ như luôn có Bác Hồ bên cạnh”.

Vợ chồng cựu chiến binh Võ Như Thông luôn tâm nguyện: “Tuy chưa một lần gặp, nhưng Bác Hồ luôn ở trong trái tim tôi, như ở trong mỗi trái tim người lính Cụ Hồ năm nào”.
Vợ chồng cựu chiến binh Võ Như Thông luôn tâm nguyện: “Tuy chưa một lần gặp, nhưng Bác Hồ luôn ở trong trái tim tôi, như ở trong mỗi trái tim người lính Cụ Hồ năm nào”.

Suốt mấy chục năm qua, năm nào cũng vậy, đều đặn đến dịp 19-5 và ngày 2-9 vợ chồng cụ Thông lại làm mâm cỗ dâng lên bàn thờ Bác Hồ. Cụ Thông còn khoe, ban đầu chỉ là tâm nguyện của cụ và gia đình làm nhà thờ Bác Hồ và tổ chức tưởng nhớ ngày sinh nhật Bác. Nhưng dần dần, từ những bà con láng giềng, các đồng chí cán bộ xã, rồi tiếp đến là nhiều bạn bè, khách thập phương mỗi khi đến thị trấn Trà My đều ghé lại thăm viếng.

Một điều đặc biệt mà cụ Thông “tiết lộ” với chúng tôi nữa đó là: Mỗi khi có việc gì trọng đại trong gia đình hay dựng vợ gả chồng cho con cháu thì cụ Thông và các con cháu đều phải thuê xe Thủ đô ra viếng Lăng Bác, báo cáo, xin Bác trước khi làm các thủ tục, lễ nghi. Sau này cụ Thông bèn bàn với cụ bà Thuyền: “Hay tôi làm nhà thờ Bác Hồ trong vườn nhà mình bà nó đồng ý nhé?”. Chỉ cần chồng hỏi một câu, bà Thuyền đồng thuận và ủng hộ ý tưởng đó của chồng ngay…

Tất cả số tiền tích cóp, tiền lương hưu và cựu chiến binh của cả hai vợ chồng đều được cụ Thông sử dụng vào việc xây nhà thờ tưởng niệm Bác Hồ. Nhà xây xong, trang nghiêm và rợp bóng vườn cây ao cá. Nhưng cụ Thông vẫn chưa cảm thấy thỏa nguyện, cụ vẫn đau đáu một ước muốn, “sưu tầm những bức ảnh, kỷ vật của Bác” về đặt trong khu nhà thờ.

Vậy là, cụ Thông lại tất tả khắp nơi mua, tìm tư liệu về Bác Hồ. Đến năm 2009, hoàn thành nhà thờ, khu tưởng niệm. Miệt mài từ Bắc vào Nam, cụ Thông tự tìm tòi và được bạn bè sự giúp đỡ về tư liệu khiến khu lưu niệm Bác Hồ của cụ Thông càng đầy đủ hơn.

Trong khuôn viên, phía bên tay phải, cụ Thông làm tiếp bàn thờ Cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh, Luật sư Lô-dơ-bi (ân nhân của Bác Hồ), Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đầu năm 2016 mới xong ban thờ Anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn.

Hiện nay, Khu nhà thờ, tưởng niệm quy mô của cụ Thông đã có trên 1.000 hiện vật. Tấm lòng của 2 cụ dành cho Bác Hồ thật đáng trân trọng.

Theo cand.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ