GS Đào Trọng Thi: Thay đổi có tính chất cách mạng trong chính sách giáo dục

GD&TĐ - Miễn học phí cho học sinh THCS, nâng lương cho giáo viên là hai vấn đề lớn mà nếu thực hiện được thì sẽ có ý nghĩa rất sâu sắc, thậm chí có thể nói là thay đổi mang tính cách mạng trong chính sách giáo dục.

GS Đào Trọng Thi: Thay đổi có tính chất cách mạng trong chính sách giáo dục

GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho biết như vậy khi trao đổi với báo Giáo dục và Thời đại về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục.

Cách tiếp cận trọn vẹn về phổ cập

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 105 như sau:

“1. Học phí là khoản tiền của gia đình người học hoặc người học phải nộp để góp phần bảo đảm chi phí cho các hoạt động giáo dục. Học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường công lập không phải nộp học phí”.

Nói về nội dung này, GS Đào Trọng Thi cho rằng, việc miễn học phí ở THCS là điều chúng ta mong muốn từ lâu. Chúng ta đã phổ cập giáo dục THCS nhưng học sinh THCS chưa được miễn học phí thì chưa phải trọn vẹn. Phổ cập cộng với miễn học phí sẽ là một cách tiếp cận thực sự trọn vẹn với việc học tập ở THCS vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của trẻ em ở lứa tuổi này.

“Chúng ta nói phổ cập là bắt buộc, mà bắt buộc thì không phải chí có quyền lợi, tức học sinh đuợc nhà nước tạo điều kiện học tập mà còn là trách nhiệm phải học tập. Không thu học phí để tạo điều kiện cho học sinh, đồng thời, phụ huynh cũng không còn đưa lý do không cho con đi học vì điều kiện kinh tế. Ở nhiều nơi, nguời ta thậm chí còn cho them tiền, chứ không chỉ có miễn học phí” – GS Đào Trọng Thi cho hay.

Liên quan đến băn khoăn về ngân sách, GS Đào Trọng Thi cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần tập trung vào cấp học phổ thông và thực hiện xã hội hóa nhiều hơn với cấp học khác.

GS Đào Trọng Thi
GS Đào Trọng Thi

Quy định lương giáo viên ở mức cao là thể chế hóa Nghị quyết của Đảng hơn 20 năm nay

Tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục sửa đổi, bổ sung, Điều 81 về Tiền lương ghi rõ: Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

GS Đào Trọng Thi cho rằng, từ Nghị quyết Trung ương khóa 8 năm 1996 đã quy định lương giáo viên là cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Điều này tiếp tục được nhắc lại trong Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Nghị quyết của Đảng đã rất rõ, nhưng từ phía nhà nước mới thực hiện ở mức chưa đầy đủ.

Ví dụ, quy định về phụ cấp giảng dạy thì đối tượng chỉ dành cho người trực tiếp giảng dạy, thậm chí là người giảng dạy đủ số giờ quy định. Phần phụ cấp giảng dạy không được tính để đóng bảo hiểm xã hội. Nếu quy định được vào lương sẽ ổn định, chắc chắn, đảm bảo hơn, bền vững hơn.

“Trong luật quy định lương giáo viên thuộc mức cao nhất trong thang bậc lương hành chính, sự nghiệp là bước rất quan trọng. Bước đó chính là thể chế hóa Nghị quyết của Đảng hơn 20 năm nay và vừa rồi được nhắc lại trong Nghị quyết 29. Đưa vào Luật để thể chế hóa, đã đưa vào Luật thì Chính phủ phải thực hiện. Tuy nhiên, đây không phải là chuyện dễ dàng” – GS Đào Trọng Thi nêu quan điểm.

Cần nâng chuẩn giáo viên tiểu học

Vấn đề chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo cũng xem là một nội dung cần đề cập sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Giáo dục để nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 29-NQ/TW (“…tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học, trung học cơ sở…phải có trình độ từ đại học trở lên...”).

Theo đó, căn cứ vào thực tiễn đội ngũ nhà giáo, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục sửa đổi, bổ sung đề xuất nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng.

Cho rằng, nếu làm được điều này sẽ là rất tốt, theo GS Đào Trọng Thi, trước đây chúng ta đã hy vọng làm được điều này nhưng chưa làm được vì nhiều lý do. Tuy nhiên, đến nay việc quy định trình độ cao đẳng cho giáo viên tiểu học là hợp lý và chúng ta cũng có điều kiện để thực hiện điều này.

"Trên thực tế, hiện nay đa số giáo viên tiểu học đã đạt trên chuẩn. Vì tỷ lệ trên chuẩn cao nên có thể nâng lên thành chuẩn luôn. Việc này giúp nâng cao trình độ, chất lượng giáo viên, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, với trình độ cao đẳng cũng là điều kiện để các thầy cô được xét bậc lương cao hơn“  GS Đào Trọng Thi 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ