Những nỗ lực mới của Hoàng Quảng Uyên trong tiểu thuyết “Trông vời cố quốc”

GD&TĐ - Nhà văn Hoàng Quảng Uyên đã viết về cuộc đời của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh ở nhiều giai đoạn khác nhau, với nhiều thể loại văn học khác nhau mà phần lớn là thể loại tư liệu văn học lịch sử (Nhật ký trong tù, Số phận và lịch sử), thể loại tiểu thuyết (Mặt trời Pác Bó, Giải Phóng). 

Những nỗ lực mới của Hoàng Quảng Uyên trong tiểu thuyết “Trông vời cố quốc”

Năm 2017, Hoàng Quảng Uyên lại cho ra mắt bạn đọc cuốn tiểu thuyết hơn 600 trang: “Trông vời cố quốc – (NXB ĐH Thái Nguyên). Đây là bộ ba tiểu thuyết của Hoàng Quảng Uyên viết về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ.

Về những cuốn sách viết trước cuốn “Trông vời cố quốc”, Hoàng Quảng Uyên có thuận lợi là đã đến được những nơi có dấu chân Bác hay đã được gặp những nhân chứng đã từng có thời gian sống bên Người. Nhưng ở cuốn tiểu thuyết này, Hoàng Quảng Uyên hoàn toàn phải dựa vào tư liệu (sách văn học, sách lịch sử, báo chí - chủ yếu báo nước ngoài, tư liệu lưu trữ).

Nhưng với nỗ lực của lòng kính yêu lãnh tụ, sự nghiêm cẩn của người nghiên cứu, với trí tưởng tượng của nhà văn, Hoàng Quảng Uyên đã làm được một việc lớn lao, khó khăn, đó là dựng lại cuộc đời hoạt động của Bác, tái hiện hình tượng Bác trong 30 năm trên đường cứu nước, 30 năm xa xứ, 30 năm “Trông vời cố quốc”.

Có những đoạn đời của Bác đã có sách báo nói, việc thuật lại đoạn đời đó dưới hình thức này, hình thức khác, đã là quý. Hoàng Quảng Uyên với nỗ lực của mình, đã khai thác thêm tư liệu trong các kho lưu trữ, các sách báo nước ngoài.

Cũng có trường hợp, dựa trên các tư liệu đó, tác giả bằng trí tưởng tượng đã tái hiện hình tượng Bác, để cho ta những đoạn văn sinh động, xúc động. Ví dụ đoạn Nguyễn Tất Thành gặp cha ở Sài Gòn khi anh mới ở Phan Thiết vào đây xin học trường dạy nghề. Trong bữa cơm chay đạm bạc do nhà sư Thiện Chiếu dọn, đây là cuộc trò chuyện giữa hai cha con trong bữa cơm:

“- Cha cố ăn uống, tẩm bổ, giữ gìn sức khỏe. Cha đau yếu như thế, con nào dám đi xa.

- Đừng lo cho ta. Con phải đi. Đi với hành trang đã có được.

- Vâng! Con cảm ơn cha đã lo cho con và anh Tất Đạt học trường Pháp - Việt ở Huế. Khi theo cha vào Bình Khê, con lại được học thêm tiếng Pháp với thầy Phạm Ngọc Thọ…

- Đó là hướng đi thật đúng. Muốn đánh Pháp thì phải hiểu Pháp, muốn biết Pháp thì phải học chữ Pháp.

- Dạ, con rất nhớ thầy Lê Văn Miến. Thầy đã khai mở cho con: “Nước mất mà không biết là bất trí, biết mà không chiến đấu cứu nước là bất trung, chiến đấu mà không quên mình là bất dũng”.

- Con hãy luôn ghi nhớ trong lòng những điều ấy. Hãy “cách vật, trí tri”, đi tới, tiếp cận trực tiếp mới có nhận thức thấu đáo bản chất sự vật. Có nhận thức đúng mới tìm được con đường đúng, hành xử đúng”.

Quan hệ của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc với Phan Chu Trinh cũng được tác giả tái hiện khá cụ thể, qua đó thể hiện lòng quý trọng của Nguyễn với cụ Phan, nhà yêu nước nhiệt thành, bạn với cha mình xưa - mặc dù không tán thành đường lối cứu nước của cụ.

Đặc biệt, Hoàng Quảng Uyên đã sáng tạo ra đoạn trao đổi giữa Nguyễn Tất Thành với cụ Phan, luật sư Phan Văn Trường về bản yêu sách của nhân dân An Nam gửi hội nghị Vecxây. Riêng về đặt tên cho văn bản, đã thấy phần nào sự khác biệt giữa Nguyễn Tất Thành với cụ Phan về tư tưởng và tính cách của anh thanh niên Nguyễn Tất Thành.

Cụ Phan Chu Trinh nói: “Theo ta thì nên đặt là: Bản thỉnh cầu của người An Nam. Luật sư Phan Văn Trường nói: “Đặt như vậy cũng được, nhưng mà yếu thế. Đây là ta đi đòi những quyền mà ta được hưởng chứ không phải ta đi xin. Theo tôi, nên đặt là bản Dân nguyện”. Nguyễn Tất Thành chăm chú ngẫm ngợi một lúc sau anh mới nhỏ nhẹ: “Ý kiến cụ Phan và ông Trạng cháu xin nghe… nhưng theo cháu thì nên đặt là Bản yêu sách của nhân dân An Nam. Yêu sách chứ không chỉ là thỉnh cầu và Dân nguyện”.

Cụ Phan và luật sư Phan Văn Trường đã bất ngờ trước ý kiến cứng rắn và mạnh mẽ của Nguyễn Tất Thành. Cả hai đều ngả về ý kiến của anh. Đến việc ký tên, Nguyễn Tất Thành nói: “Dạ thưa cụ Phan và ông Trạng, đây không phải là bản yêu sách của riêng mình cháu mà là của Hội những người An Nam yêu nước, có sự tham góp lớn của cụ Phan và ông Trạng”. Cụ Phan nói: “Tất Thành khiêm tốn và nhường nhịn khiến ta và ông Trạng bối rối”. Nguyễn Tất Thành đề nghị: “Thưa hai bác, xin hai bác ký tên dưới bản yêu sách này vì hai bác là những người có danh tiếng, có uy tín lớn”. Luật sư Phan Văn Trường nói: “Không, không! Tuy chúng tôi có chút danh vọng hơn anh ngày nay, nhưng cái tâm, cái chí của anh lớn hơn chúng tôi nhiều, tôi thấy Tất Thành ký tên là hợp lý hơn cả”.

Cụ Phan Chu Trinh tán thành, nhưng đề nghị đổi tên Nguyễn Tất Thành thành Nguyễn Ái Quốc, ký dưới bản yêu sách. Phan Văn Trường nói như reo: “Từ giờ trở đi, anh sẽ là Nguyễn Ái Quốc, người yêu nước, một người Việt Nam yêu đất nước mình”.

Thật là sự đồng quy của 3 tâm hồn Việt Nam yêu nước, 3 nhân cách lớn Việt Nam.

Đóng góp lớn nhất của Hoàng Quảng Uyên trong “Trông vời cố quốc”, theo tôi là ở các chương viết về Nguyễn Ái Quốc trước và sau khi thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, nhất là ở sự kiện thông qua cương lĩnh của Đảng và đổi tên Đảng ở Hồng Kông. Ở đây, Trần Phú có đưa ra một bản chỉ thị của Quốc tế Cộng sản về việc thành lập Đảng Cộng sản ở Đông Dương. Trần Phú nói: “Chỉ thị của quốc tế cộng sản đã chỉ rõ: “Đảng ta phải là Đảng cộng sản thống nhất toàn Đông Dương chứ không phải chỉ Việt Nam”. Nguyễn Ái Quốc đã nhắc Trần Phú: “Đảng ta được thành lập, đấy là thành tựu lớn. Một số đảng viên, nhất là những đảng viên đã sống lâu năm ở nước ngoài ít hiểu tình hình cách mạng trong nước đã có những bệnh ấu trĩ, tả khuynh. Nhiều đảng viên trẻ khát khao được tức khắc cầm vũ khí xông lên. Đặc điểm giới trẻ phương Đông thuộc địa, ở Việt Nam là nôn nóng, muốn giành Chủ nghĩa xã hội tức khắc, muốn “chính quyền cách mạng được công nhận ngay tức khắc”, khi mà điều kiện, cơ hội chưa chín muồi, sẽ gặp tác hại lớn, rất lớn”.

Ngày 14.10.1930, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất Đảng Cộng sản Việt Nam họp với sự tham gia của Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú, Lê Mao, Nguyễn Trọng Nhạ, Ngô Đức Trì. Nguyễn Ái Quốc ngồi nghe vẻ điềm tĩnh, khiêm tốn và tôn trọng những ý kiến phát biểu, anh hầu như không phát biểu, tranh luận dù về nhiều vấn đề anh không đồng ý và thấy đó là sự lệch hướng cần nắn chỉnh. Nguyễn biết rằng những luận điểm mà Trần Phú đưa ra hoàn toàn theo đường lối tả khuynh của Quốc tế cộng sản mà rõ nhất là quan điểm của Stalin về dân tộc, khi Stalin lập luận: “Vấn đề dân tộc là thứ yếu” trong khi cuộc đấu tranh giai cấp ngày càng diễn biến quyết liệt. Theo sự truyền đạt của Trần Phú về Chỉ thị của Quốc tế cộng sản, hội nghị đã thông qua nghị quyết về tình hình hiện tại ở Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng và việc đổi tên từ Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương.

Sau Hội nghị, Trần Phú về nước, còn Nguyễn Ái Quốc bị cảnh sát Anh ở Hồng Kông bắt giam… Thực dân Pháp muốn đế quốc Anh trục xuất Nguyễn Ái Quốc về Đông Dương, nghĩa là về với cái máy chém đã chờ sẵn nhưng do sự vận động, đấu tranh của các lực lượng dân chủ, tiến bộ và với sự giúp sức của luật sư Lôdơbai, Nguyễn Ái Quốc đã được trả tự do và thoát được về Hạ Môn. Sự may mắn thoát hiểm của Nguyễn Ái Quốc lại đã tạo nên một màn sương nghi ngờ trong Quốc tế Cộng sản, cần có thời gian để điều tra, xác minh. Bản chất trắng trong của Nguyễn Ái Quốc và thiện chí của những người cộng sản trong Quốc tế Cộng sản như Manuinxki, Vêra, Lê Hồng Phong… đã cởi được mối nghi ngờ đó và trả lại cho Nguyễn Ái Quốc sự tín nhiệm của Quốc tế Cộng sản.

Khi Nguyễn Ái Quốc được minh oan và có quyết định chính thức của Quốc tế cộng sản điều về Trung Quốc công tác thì con đường trở về Tổ quốc của Nguyễn Ái Quốc đã mở ra. Nhưng Nguyễn Ái Quốc còn phải trải qua một cuộc “vạn lí trường chinh” nữa rồi mới về đến được biên giới Tổ quốc. Ban chấp hành Đảng Cộng sản Đông Dương đã cử người sang Trung Quốc đón Nguyễn nhưng mấy tháng sau mới gặp Người lúc này mang tên Hồ Quang.

Từ tháng 5/1940, bắt đầu hành trình của Hồ Quang và các đồng chí tìm về Tổ quốc. Con đường đó phải qua Côn Minh rồi lại về Quảng Tây. Ở Quảng Tây, họ lại phải vừa hòa hoãn vừa tìm cách thoát khỏi cái lưới “Hoa quân nhập Việt” của Trương Phát Khuê, Trương Bội Công. Cuối cùng Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí như Hoàng Sâm, Phùng Chí Kiên, Lâm Bá Kiệt (Phạm Văn Đồng), Dương Hoài Nam (Võ Nguyên Giáp), mới về được gần biên giới Việt Nam tháng 12/1940, trong nỗi ngỡ ngàng của Trương Bội Công.

Lúc này Nguyễn Ái Quốc đã 50 tuổi, ông đã làm công tác huấn luyện cho lớp học có cờ đỏ sao vàng. Tác phẩm kết thúc bằng những dòng văn xúc động: “Trước mắt là con đường dẫn về đất mẹ thân thương. Mảnh đất 30 năm xa cách. Bên kia dãy núi là quê hương. Nỗi mong chờ trở về Tổ quốc giờ đây đã không chỉ còn trong mơ ước. Việt Nam - đất mẹ thân yêu”.

Cảm ơn Hoàng Quảng Uyên đã dựng lại cho ta chặng đường 30 năm của Bác từ lúc tạm biệt Sài Gòn (tháng 6/1911) lên tàu La Touche de Tréville đến khi trở về biên giới Việt - Trung giáp với huyện Hà Quảng, Cao Bằng (12/1940). Có đoạn, ta đã biết ít nhiều, Hoàng Quảng Uyên giúp ta biết kỹ hơn, có đoạn ta chưa hề biết hoặc mới biết lơ mơ thì Hoàng Quảng Uyên vén bức màn sương quá khứ cho ta thấy và ta đã được thấy gần trọn vẹn một mặt trời, một mặt trời không bao giờ tắt và cũng đã thấy hiện rõ một con đường, một con đường dài đi qua bao hiểm trở, bao khúc quanh để đến từ đỉnh cao này đến đỉnh cao khác, cao hơn trước và trên những đỉnh cao ấy càng thấy bầu trời và mặt đất và con đường trước mắt ngời sáng hơn, rộng lớn hơn, con đường vinh quang Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.