Xuân Pác Bó

Xuân Pác Bó

(GD&TĐ) - Bản Pác Bó, nằm sát đường biên giới Việt - Trung, dưới chân cột mốc 108, trước năm 1941 chỉ có hơn một chục nóc nhà người Nùng lưu giữ hồn xuân và các phong tục ngày Tết, truyền đời qua các thế hệ. Những phong tục Tết rất riêng, rất “bản sắc” đó giờ đã không còn được lưu giữ, mà được thay bằng Tết của thời hiện đại! Ngày xuân xin trở về với những phong tục Tết xưa của Pác Bó linh thiêng và hùng vĩ!

Hoa Bjoóc Cà 

Đó là loài hoa đặc trưng của Vùng Pác Bó. Theo mô tả của những người sống lâu năm ở Pác Bó đó là loài hoa “Đồng bào các dân tộc miền núi rất quý. Cây hoa thuộc họ Vạn niên thanh, mỗi cây một năm chỉ nở một chùm hoa vào dịp đầu xuân, trông giống như hoa loa kèn, nhưng có một màu trắng kỳ lạ, tươi rói, mùi thơm ngan ngát rất dịu, rất đằm. Đối với đồng bào miền núi Bjoóc Cà là loài hoa quý nhất, tinh khiết nhất. Tết này nhà nào cũng có hoa Bjoóc Cà cắm ở cửa” (Có Bác trong tim - Hồi ký của thượng tướng Đàm Quang Trung).

Mùa xuân năm 1941, lãnh tụ cách mạng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, sau ba mươi năm bôn ba hải ngoại, tìm đường cứu nước đặt bước chân đầu tiên lên đất mẹ tại cột mốc 108, trong sắc hoa Bjoóc Cà rực rỡ: “Thấp thoáng dưới xa một cụm nhà nhỏ trong rừng ngô, hoa đào, hoa mai, hoa Bjoóc Cà trắng thơm mùi Huệ” (Bác Hồ về nước - Hồi ký của đồng chí Lê Quảng Ba).

Bác Hồ về thăm lại Pác Pó năm 1961
Bác Hồ về thăm lại Pác Bó năm 1961

Đúng ngày mùng hai Tết Tân Tỵ (Ngày 28-1-1941), đồng chí Lê Quảng Ba từ cột mốc 108, đưa Bác Hồ và những người cùng đi đến ở nhà ông Máy Nì (phía trên hang Cốc Bó). Bác Hồ đã được ông Máy Nì mời rửa tay, rửa mặt rồi ngâm chân bằng nước đun lá, hoa Bjoóc Cà! Đó là một kỷ niệm không bao giờ quên.Mỗi một đất nước, mỗi một dân tộc, mỗi một vùng miền đều chọn cho mình một loài hoa đẹp làm biểu tượng. Ở miền Bắc là hoa Đào, miền Nam  là Mai vàng, còn ở Pác Bó, hẳn nhiên là Bjoóc Cà... Tuy chưa được xác lập bởi văn bản. Nhưng nay, Bjoóc Cà gần như đã tuyệt chủng! Lên Pác Bó, tìm một bông hoa Bjoóc Cà vào dịp đầu xuân là việc cực khó! Tại sao? Có cần “cứu lấy” loài hoa đó không? Mà “cứu lấy” để làm gì?... Đó vẫn là những câu hỏi để ngỏ.

Tục lấy nước đêm giao thừa

Ngày xưa, việc “cung cấp nước sạch” không tiện lợi như bây giờ. Nước sạch dùng hàng ngày được đi gánh về từ các mỏ nước! Do đó, mỏ nước dùng chung của cả bản trở nên rất “gần gũi” và... linh thiêng! Chính vì thế vào đêm giao thừa, các cô gái trong bản đều quảy đôi vò (hoặc thùng) gánh nước đến mỏ nước gánh nước về nhà đúng vào thời khắc chuyển sang năm mới. Tục lấy nước đêm giao thừa là để cầu may cũng là để... không khí xuân thêm ấm áp và tinh khiết.

Ở làng Pác Bó, các cô gái Nùng xinh đẹp đi gánh nước tại “mỏ nước” cách bản khoảng 500m (Bây giờ là nơi bãi rộng đỗ xe, bán hàng quán dưới chân ngọn núi có gắn biển Núi Các Mác và cạnh nơi gắn biển Suối Lê Nin). Các cô không vào tận đầu nguồn (Cốc Bó) vì xa quá (và không cần thiết). Một tốp con gái trẻ đẹp, đốt đuốc gánh nước đi nhanh (gần như chạy) về nhà trong ríu rít tiếng cười, trong nồng ấm hơi xuân thật hạnh phúc và thanh bình. Nay thì lệ đó đã không còn.

Suối nguồn Pác Bó
Suối nguồn Pác Bó

Khai vài Slân

Khai vài Slân, tiếng Tày - Nùng, dịch ra nghĩa đen là Bán trâu xuân tên gọi của một tục lệ xưa, mang nặng đặc trưng của một nền kinh tế nông nghiệp. Cứ từ mùng 4 Tết trở đi, một số người (đa phần thuộc thân phận nghèo khó) có giọng đọc (ngâm) thơ (Sli - lượn) tốt, đến từng nhà, từ bản này sang bản khác để chúc tụng mùa xuân mới, chúc gia chủ khoẻ mạnh, làm ăn phát đạt. “Màn” Khai vài Slân diễn ra như sau: Một ông (gọi là ông Khai vài Slân) vai đeo túi nải, đến dưới sàn nhà (ngày xưa dân toàn ở nhà sàn) cất tiếng ngâm một bài ca chúc năm mới (nội dung có thể cũ, đã thành bài bản, hoặc sáng tác mới). Sau khi ngâm, chúc xong ông Khai vài slân đem ra một tờ giấy màu vàng (rộng khoảng 10cm, dài 30cm) viết chữ Nôm dán trước chuồng trâu. Gia chủ ở trên nhà nghe chúc tụng bèn đi xuống, mang theo bánh chưng, bánh khảo (có khi cả tiền nữa) để “trả thù lao” cho ông Khai vài Slân. Số lượng, giá trị của “hiện vật” trả thù lao, ít nhiều “tuỳ tâm” gia chủ và cũng tuỳ thuộc vào “độ hay”của nội dung lời chúc tụng và khả năng “diễn xướng” của ông Khai vài Slân. Sự thể mang tính chất như “mừng tuổi” và “làm từ thiện” đối với những thân phận nghèo khó, bất hạnh... có ý nghĩa nhân văn cao. Xin giới thiệu một đoạn Khai vài Slân mà tác giả bài viết này sưu tầm được trong một chuyến “điền dã” Pác Bó (Lời thơ tiếng Nùng, thể thơ 5 chữ). Dịch sang tiếng Việt:

Tháng Giêng năm mới, gửi trâu xuân

“Đến đây mừng năm mới/ Trâu này từ Kinh (đô) tới/ Trâu này từ Kinh lại/ Trâu cày ruộng nuôi chủ/ Trâu mang lúa nuôi người/ Tháng giêng đón năm mới/ Mọi điều đều rất mới/ Mọi điều đều rất hay/ Mọi người được bình an/ Mọi nhà đều vô sự/ Gà vịt rộn đầy sàn/ Làm việc gì cũng tốt/ Trồng cây gì cũng nên/ Đi rẫy không vướng bụi/ Cày ruộng không vướng đá/ Xuống sàn không vịn thang/ Đi xa không chống gậy/ Sốt không bao giờ đến/ Ốm không bao giờ lây...”

Kể ra, ngày xuân Pác Bó còn nhiều tục lệ như cúng lễ, tế trời ngày mùng ba Tết, các trò chơi như đánh đáo, đánh yến  trong các ngày Tết... nhưng chỉ xin kể qua 3 “dấu ấn” để biết “ngày xưa” Tết có gì đặc sắc chứ không phải để “có ý kiến” phục dựng, bảo tồn! Bởi vì mỗi tục lệ, mỗi hình thái văn hoá đều phụ thuộc vào thời đại! Những tục lệ, những “nếp xưa” dù có hay nhưng nay không còn phù hợp nữa thì nó sẽ tự mất đi để thay bằng hình thái mới. Đừng níu kéo. Mà có muốn níu kéo cũng không thể! Như ca trù đang dần đi vào “lãng quên” thì cũng không nên “cố gắng” bảo tồn và phát triển. Cũng như Hát Then của người Tày Nùng đang dần bị “quên lãng” thì cũng không thể níu kéo dù tương lai hát Then Cao Bằng được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.

Hoàng Quảng Uyên

Cao Bằng, tháng 1-2013

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bệnh nhân chỉ uống nước đường phèn pha chanh gừng trong 10 ngày liên tiếp rồi chuyển sang ăn tinh bột. Ảnh: BVCC

Nguy kịch do nhịn ăn gián đoạn

GD&TĐ - Theo bác sĩ ở Bệnh viện Nội tiết Trung ương, việc nhịn ăn gián đoạn và ăn uống mất cân đối không thể hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường.

HLV Leicester City bị sa thải

HLV Leicester City bị sa thải

GD&TĐ - Leicester City vừa ra thông báo về quyết định sa thải đối với huấn luyện viên Steve Cooper sau chuỗi thành tích kém cỏi ở Ngoại hạng Anh