Những nguyên tắc của trường dân chủ ở Israel

GD&TĐ - Tổ chức Education Cities của Israel đã thành lập hơn 2.000 trường tư thục với phương pháp dạy học hoàn toàn đổi mới trên khắp thế giới.

Học sinh trường dân chủ được lựa chọn môn học mình yêu thích.
Học sinh trường dân chủ được lựa chọn môn học mình yêu thích.

Gần đây, tham gia diễn đàn giáo dục của Đại học Thiên chúa giáo Ukraine, ông Omer Zakay - đại diện của tổ chức này đã phát biểu về những nguyên tắc của trường dân chủ và những đổi mới trong lĩnh vực giáo dục ở Israel.

Nhà trường thích ứng với học sinh

Trường dân chủ là hệ thống giáo dục được thành lập ở Israel cách đây 30 năm. Tư tưởng của nó là thích ứng với người học, chứ không phải ngược lại. Mục tiêu chính của trường là làm cho trẻ em hạnh phúc và kích thích các em tự học. Vai trò của giáo viên trong một trường học như vậy là tối thiểu. Học sinh trao đổi kiến ​​thức với nhau và lựa chọn những gì các em muốn học.

Hiện nay trên thế giới có hơn 2.000 trường phổ thông hoạt động theo mô hình này, nhưng mỗi trường đều có bản sắc riêng. Mặc dù, phương pháp giảng dạy dân chủ vẫn là một giải pháp thay thế, nhưng nó có tác động rõ rệt tới hệ thống giáo dục quốc gia. Nó đã trở thành cơ sở để áp dụng các cải cách và các sáng kiến ​​chủ yếu của Bộ Giáo dục.

Học sinh tự lựa chọn

Trong trường dân chủ, học sinh tiếp thu kiến ​​thức tốt hơn. 20 năm trước, chúng tôi lẳng lặng thực hiện vì nhà nước không muốn công nhận những phương pháp, ý tưởng mới. Mặc dù vậy, ở Israel, mô hình giáo dục này vẫn được người dân hưởng ứng tích cực.

Trong trường dân chủ, học sinh cũng thi tổng kết và nhận bằng tốt nghiệp. Tuy nhiên, khác với các trường công lập, các em có thể chọn môn học và môn thi.

Trường dân chủ mở ra rất nhiều không gian sáng tạo. Ở đây mọi thứ đều có thể, miễn là bạn không vi phạm các quy tắc do chính cộng đồng giáo dục đề ra.

Ở trường chúng tôi, học sinh có thể học những gì mình thích, lựa chọn những môn học mà các em muốn phát triển. Đây là thực tế chung cho tất cả học sinh từ lớp 1 đến lớp 12. Ngay cả học sinh lớp 1 cũng tự chọn môn học của mình. Vào đầu mỗi năm học, học sinh có một tuần tìm hiểu tất cả các môn học. Sau đó, các em xây dựng thời khóa biểu của mình. Chúng tôi cho rằng, sự lựa chọn cá nhân kích thích và thúc đẩy các em chịu trách nhiệm.

Động cơ của học sinh là nền tảng của sự sáng tạo

Theo tôi, mô hình giáo dục của Nhật Bản đã trở nên lỗi thời, vì nó tập trung vào thành tích chứ không phải bản thân học sinh. Hệ thống ở Phần Lan nổi tiếng với nguồn tài nguyên giáo dục tốt nhất thế giới, nhưng phương pháp dạy học ở đấy cho đến nay vẫn còn rất bảo thủ.

Trường dân chủ được thành lập để giúp học sinh tìm thấy niềm đam mê của mình. Các giáo viên ở đây khuyến khích học sinh phát triển sức mạnh nội tại để nhận thức thế giới và tạo động lực cho bản thân. Đây là nền tảng cơ bản cho sự sáng tạo. Nó chỉ có thể phát triển trên “mảnh đất màu mỡ” khi học sinh khám phá những lĩnh vực mà các em thích thú và say mê nhất.

Khi học sinh nhận thấy mình thành công là lúc không gian cho tư duy sáng tạo được mở ra. Hiện nay, nhiều học sinh tốt nghiệp các trường dân chủ trở thành cán bộ lãnh đạo các nhà máy, đơn vị quân đội, các công ty trong nước và quốc tế. Các em là bằng chứng cho thấy hệ thống giáo dục của chúng tôi phát huy tác dụng.

Ông Omar Zakay.
Ông Omar Zakay.

Từ kim tự tháp đến hệ thống mạng

Hệ thống giáo dục thế giới có hình kim tự tháp. Tầng cao nhất là cấp bộ, sau đó là các cơ quan quản lý giáo dục địa phương, nhà trường, giáo viên và cuối cùng là học sinh.

Thứ nhất, kiến ​​thức trong các cấu trúc như vậy chỉ vận động theo một hướng - từ trên xuống dưới. Các tầng thấp nhất của kim tự tháp không thể tác động đến các tầng cao nhất. Thứ hai, kim tự tháp chỉ đánh giá hiệu suất của nó: Kiến ​​thức chuyển từ tầng này đến tầng khác nhanh như thế nào.

Tất cả các bài kiểm tra và thi đều tồn tại để đánh giá hiệu suất của kim tự tháp, chứ không phải tiềm năng của mỗi người. Thứ ba, kim tự tháp không có màu sắc, vì cấu trúc này không cần nó. Do đó, học sinh cũng “không có màu sắc”. Bởi vì hệ thống không yêu cầu giúp học sinh tìm thấy cá tính của mình, màu sắc của mình. Kim tự tháp không có thời gian để tìm hiểu nhu cầu kiến ​​thức và nội dung của học sinh. Đây không phải là điều mà cơ chế này cần.

Chúng tôi đang cố gắng tạo ra một mô hình mà tất cả các tầng tương tác với nhau và thông tin được truyền theo cả hai hướng. Nó tạo ra một quá trình, trong đó mỗi người đều có thể học và dạy. Đây là một ví dụ về hệ thống mạng. Mục tiêu của giáo viên ở bất cứ đâu là áp dụng hệ thống này để thay thế cấu trúc hình kim tự tháp thời trung cổ.

Thay đổi vai trò của giáo viên

Trong cấu trúc kim tự tháp, điểm mạnh của giáo viên ở chỗ anh ta có lợi thế về kiến ​​thức. Tuy nhiên, điều này hiện nay không phát huy tác dụng, bởi vì ngày nay học sinh có Internet và kiến ​​thức của mình. Giáo viên không phải là nguồn kiến ​​thức duy nhất.

Trong trường học nối mạng hiện nay, giáo viên là người hướng dẫn, giúp đỡ học sinh tự tìm kiếm kiến ​​thức. Giáo viên phải chỉ cho học sinh cách hòa nhập vào mạng tri thức thông qua năng lực cá nhân. Điều đầu tiên giáo viên cần làm là xác định năng lực của từng học sinh, chứ không phải là truyền thụ kiến ​​thức thông thường.

Mục tiêu quan trọng nhất

Khi nói về việc cho điểm ở các trường phổ thông, tôi nhớ tới bức tranh về những con vật khác nhau: Voi, thỏ, cá và chim… cùng trèo cây. Cũng như vậy, mỗi người có những đặc điểm riêng cần lưu ý.

Đo lường thành tích và hiệu quả là vấn đề tiêu chuẩn hóa việc dạy học. Đánh giá là nhu cầu của kim tự tháp. Trong hệ thống nối mạng, chúng ta không thể đo lường tất cả các tầng theo cùng một thang đo, vì mỗi người là một thế giới độc nhất vô nhị. Trong trường dân chủ, không cần thiết phải đánh giá tất cả mọi người theo cùng một hệ thống.

Trong trường dân chủ, giáo viên nhận xét về việc học tập của học sinh bằng văn bản. Khác với điểm, nhận xét này giúp học sinh hiểu cần phát huy điều gì, những mặt nào cần củng cố, mặt nào cần bổ sung. Tôi tin, hệ thống chỉ có thể được coi là thành công khi học sinh đã đạt được mục tiêu của mình.

Gần đây, tôi có dịp tìm hiểu điều lệ giáo dục của Estonia, nơi mục tiêu giáo dục đầu tiên là tạo ra những con người hạnh phúc. Có thể nhận ra hạnh phúc rất đơn giản – qua ánh mắt. Một trong những điều tuyệt vời nhất có thể nhận thấy ngay từ những giây đầu tiên được đến trường dân chủ là niềm hạnh phúc trong mắt trẻ thơ. Nó là nguồn cảm hứng cho sự sáng tạo.

Mục tiêu chính của bất kỳ nhà trường nào cũng là làm cho trẻ em hạnh phúc. Cần phải thường xuyên cố gắng hết sức mình để học sinh luôn luôn mỉm cười.

Theo zn.ua

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...