Những người giàu có nhưng không có khả năng tự vệ tại khu vực có nguy cơ bạo lực sẽ gây nguy hiểm cho sự tồn tại của đất nước này.
Thách thức tồn tại nhiều năm
Israel nằm trong số những nước có tỷ lệ sinh cao nhất thế giới. Báo cáo gần đây nhất cho thấy, mỗi gia đình Israel có trung bình 1,3 trẻ em. Tỷ lệ này cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong nhóm các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Tuy nhiên, trẻ em Israel chủ yếu đến từ các gia đình theo Haredi (Do Thái cực đoan Chính thống giáo) và là học sinh Israel gốc Ả Rập (mỗi loại chiếm 43% tổng số học sinh). Hầu hết, học sinh theo Haredi thậm chí không học theo chương trình chính khóa. Trong khi đó, điểm trung bình của người Israel Ả Rập trong các môn học cơ bản thấp hơn nhiều so với toàn bộ các nước phát triển.
Giáo dục cung cấp cho học sinh ở các vùng ngoại vi xã hội và địa lý của Israel (chiếm khoảng 50%) cũng thường không đầy đủ. Điều này “biến bức tranh giáo dục quốc gia thành một quả bom hẹn giờ” – Giáo sư Ben-David nói.
Đại dịch Covid-19 nêu bật những vấn đề cơ bản của hệ thống giáo dục, đưa đến những thách thức tồn tại trong nhiều năm trước đó, mặc dù đã được đầu tư liên tục.
Ngân sách dành cho giáo dục của Israel thậm chí còn lớn hơn cho quốc phòng nhưng học sinh không tiến bộ. Báo cáo của Viện Shoresh cho thấy, mức độ kiến thức trung bình của trẻ em Israel về Toán học, Khoa học và Đọc hiểu thấp hơn so với bạn bè ở các quốc gia phát triển. Israel có nhiều học sinh không đạt mức kiến thức tối thiểu do OECD đặt ra. Thậm chí chưa tính đến việc hầu hết trẻ em Do Thái cực đoan Chính thống giáo – những người không theo chương trình học chính khóa và do đó không tham gia các kỳ thi quốc tế.
Khi xem xét thành tích trung bình gần đây nhất ở 25 quốc gia OECD và ở Israel, trong kỳ thi của Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (PISA) về các môn Đọc, Toán và Khoa học, các trường Do Thái không theo tôn giáo của Israel xếp hạng dưới 1/3 các nước phát triển.
Các trường tôn giáo của Israel xếp hạng dưới 80% các quốc gia trên. Trong khi đó, học sinh Israel Ả Rập xếp cuối bảng, kể cả dưới 9 trong 10 quốc gia Hồi giáo tham gia kỳ thi PISA gần đây nhất.
Trong khi Israel không thể so sánh với Mỹ về quy mô dân số nhưng cũng giống như Israel, Mỹ có thể được chia thành 4 nhóm dân tộc chính. Tại Mỹ, điểm số PISA cho thấy người châu Á và người da trắng đang nhận được nền giáo dục tốt hơn so với mọi học sinh ở tất cả các quốc gia phát triển, đạt điểm trung bình là 549 trong kỳ thi trên.
Tuy nhiên, người Mỹ gốc Tây Ban Nha chỉ đạt 470, trong khi người Mỹ gốc Phi gần như có điểm thấp nhất là 436. Có một nhóm đạt thấp hơn là người Israel Ả Rập, đạt mức trung bình là 372.
Hơn nữa, Israel có tỷ lệ phần trăm học sinh cao nhất (33%) trong số các nước OECD ghi điểm dưới “mức 1” ở môn Toán, Khoa học và Đọc trong kỳ thi PISA. Trong kỳ thi này, 1 là điểm thấp nhất và 6 là điểm cao nhất.
Nguyên nhân của vấn đề
Nhiều người cho rằng, các lớp học đông đúc là lý do khiến trẻ em khó học. Tuy nhiên, theo báo cáo của Viện Shoresh, tuy đây là một yếu tố góp phần nhưng không phải tất cả các trường học ở Israel đều đông học sinh. Ngoài ra, cũng không biết nguyên nhân vì sao không có nỗ lực nào nhằm làm giảm sĩ số lớp trong khi tỷ lệ giáo viên trên học sinh ở đây cao hơn mức trung bình.
Theo báo cáo trên, tỷ lệ giáo viên trên học sinh ở các trường tiểu học Israel gần bằng mức trung bình của OECD và tỷ lệ này ở các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Israel cao hơn mức trung bình của OECD.
Ngoài ra, số giờ giảng dạy ở Israel nhiều hơn ở hầu hết các nước OECD. Do đó, ông Ben-David chỉ ra một thách thức khác, đó là chất lượng giáo viên Israel. Ông nói rằng, trình độ kiến thức của sinh viên sư phạm rất thấp, kể cả so với sinh viên trong nước và với các nước phát triển.
Khoảng 79% người Israel theo học để trở thành giáo viên tại một trong những trường cao đẳng sư phạm của đất nước, tỷ lệ này tại các trường cao đẳng thông thường là 17% và tại các trường đại học là 4%. Điểm tâm lý trung bình của sinh viên tại các trường sư phạm thấp hơn gần 25% so với mức trung bình của sinh viên đại học Israel và thấp hơn 32% so với các trường cao đẳng thông thường.
Tình hình trở nên gay gắt hơn khi nhìn vào cách xếp hạng của giáo viên Israel trong bài kiểm tra Đánh giá Quốc tế về Năng lực của Người trưởng thành (PIAAC - International Assessment of Adult Competencies) vốn dùng để đánh giá kiến thức cơ bản và kỹ năng của người từ 16 đến 64 tuổi. Kỹ năng của giáo viên dạy văn của Israel gần bằng mức thấp nhất của các nước phát triển, trong khi đó kiến thức của giáo viên toán Israel cũng thấp nhất trong số các nước phát triển.
Ông Bend-David nhấn mạnh rằng, tình trạng này không phải do giáo viên ở Israel bị trả lương thấp vì lương của họ cao hơn mức trung bình của quốc gia và cao hơn mức trung bình của giáo viên các nước phát triển.
Cụ thể, giáo viên tiểu học Israel có mức lương cao hơn 3% so với mức trung bình mà các đồng nghiệp tại các nước thuộc OECD nhận được. Giáo viên THCS có mức lương cao hơn 16% và giáo viên THPT có mức lương cao hơn 23% ở các nước OECD nếu tính thu nhập trên số giờ giảng dạy.
“Israel coi sức mạnh trí não là nguồn tài nguyên chính của mình. Công nghệ cao gần như là lĩnh vực kinh tế duy nhất đang phát triển mạnh trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, hầu như không có đủ lao động trình độ đại học cần thiết. Làm thế nào để giáo viên không được nhận vào các tường đại học có thể dạy và giúp trẻ em đạt được trình độ có thể vào được đại học?” – ông Ben David nói – “Làm thế nào để trẻ em Israel vào được đại học và trở thành một phần của thế giới hiện đại nếu giáo viên của các em chưa đạt được trình độ đó?”.
Theo ông Ben-David, Israel cần xem xét lại cách lựa chọn, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên của mình. “Hệ thống đang hoạt động không tốt và chúng ta cần đại tu lại toàn bộ” – ông nói và cho rằng, nếu Israel không sớm hành động, mọi việc có thể sẽ quá muộn.