Những người vớt rác sông Tô

GD&TĐ - Sự ô nhiễm của sông Tô Lịch đã trở thành “điển hình”, đến mức bất cứ dòng sông, con kênh nào ở Hà Nội có mặt nước đen ngòm, đặc quánh là người ta gọi ngay nó bằng cái tên: Sông Tô Lịch.

Những người vớt rác sông Tô

Người dân Hà thành ai cũng từng nếm chịu sự cực khổ của… cái mũi, mỗi khi đi qua con sông này lúc trái gió trở trời, mùi bốc lên nồng nặc. Ấy vậy mà hàng ngày vẫn có những con người lặng lẽ chèo xuồng trên sông để vớt rác.

“Bán mặt” trên dòng sông ô nhiễm

“Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền cho người dân xung quanh sông Tô Lịch, nhưng họ bảo, sông có rác thì chúng tôi mới có việc...” - chị Phượng, nhân viên vệ sinh của Công ty Cấp thoát nước Hà Nội ngậm ngùi chia sẻ. Cứ như vậy, bất kể nắng mưa, những người nhân viên như chị phải phơi mình gom rác dọc sông ô nhiễm trầm trọng này. Chỉ với đôi găng tay, chiếc khẩu trang mỏng và bộ đồng phục bảo hộ, họ vẫn miệt mài vớt từng mảnh rác cho lên chiếc xuồng nhỏ bằng tôn. Trong khi đó, bất cứ ai đi qua sông Tô Lịch đều phải che mũi, che miệng hoặc đi thật nhanh...

Chị Hoa, người gắn bó với công việc cực nhọc này đã hơn 20 năm, chia sẻ: “Tôi bắt đầu làm công việc này từ năm 1996. Vì mình là phụ nữ, nên có lúc cũng muốn chuyển nghề, không muốn tiếp xúc với rác bẩn nữa. Nhưng ngoài kia có bao nhiêu người thất nghiệp, nên tôi nghĩ, nghề nào cũng là nghề. Nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, thì chẳng ai dọn vệ sinh môi trường cả...”.

Kết quả quan trắc nước sông Tô Lịch của Trung tâm Quan trắc và phân tích tài nguyên môi trường - Sở TN&MT Hà Nội tiến hành năm 2013 cũng cho thấy: Lượng oxy hòa tan (DO) thấp hơn 2 lần so với tiêu chuẩn; Lượng oxy hóa học trong nước (COD), oxy sinh học trong nước (BOD5), khuẩn coliform trong nước, tổng chất rắn lơ lửng (TSS), tổng dầu, mỡ, hàm lượng amoni (NH4+)… đều vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Đặc biệt, mức độ ô nhiễm trầm trọng về cuối nguồn.

Để giảm thiểu nguồn rác thải khổng lồ ấy, trung bình mỗi ngày, những nhân viên của Công ty Cấp thoát nước Hà Nội làm việc tới 8 tiếng một ngày. Một tuần, họ được nghỉ một ngày rưỡi và thay ca nhau nghỉ. Cứ 7 giờ 30 sáng, các nhân viên tập trung ở từng đoạn sông được phân công để dọn dẹp. Tiếp xúc với rác bẩn hàng ngày, cũng không ít lần họ lo lắng về sức khỏe của mình…

Nói về vấn đề này, chị Phượng trầm ngâm chia sẻ: “Tôi đã làm việc này được hơn 10 năm rồi. Ngày nào cũng vớt rác như thế này, chưa kể đôi khi có xác động vật chết, bốc mùi hôi thối... Nếu có mắc bệnh, chắc chỉ có bệnh về hô hấp. Chúng tôi cũng chú ý rất kĩ về sức khỏe của mình để đảm bảo công việc, nhưng cũng không thể nói trước được điều gì”.

“Có rác là có việc...”

Đó là câu nói mà những người nhân viên này nghe thấy nhiều nhất từ chính những người dân Thủ đô. Khi tôi hỏi, các anh chị có nói với người dân nơi tập trung rác, thay cho việc vứt thẳng xuống sông hay không thì nhận được câu trả lời rằng: “Người dân họ bảo, vứt rác xuống sông thì những người dọn vệ sinh như tôi mới có việc...”. Trong câu trả lời ấy như hàm chứa một sự bất lực, mặc dù đó chính là công việc của các anh chị. Thiết nghĩ, chính những người không muốn làm công việc tay chân, dọn rác nhọc nhằn thì lại là những người vô ý thức ném thẳng rác xuống dòng sông này mỗi ngày.

Anh Bùi Văn Dũng, Tổ trưởng Tổ 3 Công ty Cấp thoát nước Hà Nội vừa chỉ đạo nhân viên làm việc, vừa chia sẻ với chúng tôi: “Nếu gặp phải ngày mát trời thì dọn dẹp còn dễ chịu. Chứ ngày nắng hay ngày mưa, thì sông bốc mùi nồng nặc lắm. Nhưng nếu chúng tôi không dọn đi thì không biết dòng sông Tô Lịch sẽ thế nào, chắc chẳng còn là sông nữa... Chúng tôi cứ dọn, nhưng rác không ngày nào không có”.

Từ một con sông đẹp, chảy qua địa phận 6 quận, huyện của thành phố (Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì), sông Tô Lịch ngày nay đã trở thành con sông đen ngòm, hôi tanh ngay giữa lòng Hà Nội. Các cơ quan quản lý cũng đã tổ chức tuyên truyền với dân cư xung quanh sông Tô Lịch, nhưng vẫn còn tồn tại tình trạng đổ thẳng rác thải sinh hoạt, phế liệu xây dựng vào dòng sông.

Công việc của những nhân viên dọn rác trên sông sẽ chẳng bao giờ bớt vất vả. Nhưng ý thức của người dân xung quanh cũng chẳng có dấu hiệu thay đổi rõ rệt, mặc dù đã có thêm nhiều điểm tập trung và phương án thu rác. Rõ ràng nếu muốn làm “xanh” sông Tô Lịch, người dân Thủ đô sẽ phải nỗ lực đồng hành cùng những nhân viên vệ sinh này.

Mặc dù UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt đề án cải tạo, làm “sống lại” 4 con sông: Sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tô Lịch và sông Tích. Theo đó, từ nay đến năm 2020, thành phố sẽ hoàn thành việc tách nước thải đưa về hệ thống xử lý tập trung trước khi đổ vào sông, hồ; xử lý tất cả các hồ nội thành và các hồ gắn với di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ