Kỷ niệm 65 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

Những 'người tình' một thuở vẫn luôn gần gụi

GD&TĐ - 14 năm qua, những kỷ niệm về một thời đã xa vẫn luôn gần gụi bên tôi, với những 'người tình' trong nghề.

Về với ngôi nhà Giáo dục và Thời đại yêu thương.
Về với ngôi nhà Giáo dục và Thời đại yêu thương.

Dù phải rời xa bục giảng vì những lý do khách quan của thời cuộc với biết bao tiếc nuối, nhưng rồi tôi lại thầm cảm ơn số phận đã đưa mình rẽ ngang sang nghề báo và gắn bó với báo ngành suốt 21 năm cho đến lúc nghỉ hưu. 14 năm qua, những kỷ niệm về một thời đã xa vẫn luôn gần gụi bên tôi, với những “người tình” trong nghề.

Nghề ấy đã rèn cho tôi rất nhiều kỹ năng, để tôi có thể tự tin từ một nhà giáo thành một nhà báo. Nhưng điều lớn nhất mà tôi có được từ nghề báo, từ cơ quan Báo Người Giáo viên nhân dân - Giáo dục và Thời đại mà tôi gắn bó 21 năm, đó là một mối quan hệ thâm giao với nhiều người trong nhiều giới, nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ngay trong ngành mà như một cơ duyên đặt định tôi từ những ngày đầu vào trường sư phạm.

Những chuyến hành nghề về các địa phương, tiếp xúc với cán bộ quản lý giáo dục và các ban ngành liên quan, với giáo viên, nhà trường và cả với các cán bộ vụ, viện thuộc Bộ GD&ĐT đã để lại trong tôi nhiều tình cảm sâu nặng. Những lá thư gửi từ địa phương của các cộng tác viên, của đối tác trong công việc; những bức ảnh chụp chung cùng họ trong những chuyến công tác và cả sau này gặp lại, tôi vẫn lưu giữ như những kỷ vật quý của đời làm nghề.

Không chỉ là tình cảm thông thường giữa người với người, mà đó còn là tình, là trách nhiệm, là niềm đam mê với giáo dục mà chúng tôi là những người chung lý tưởng. Sau khi đã nghỉ hưu vài năm, tôi vẫn nhận được những giấy mời đích danh về dự những sự kiện giáo dục ở địa phương.

Cho đến bây giờ, những mối quan hệ ấy vẫn vẹn nguyên như thuở nào. Ví dụ như các nhà thơ của một thời tham dự thi thơ lục bát của báo như: Phạm Xuân Trường, Nguyễn Lãm Thắng, Lê Tấn Quỳnh; các nhà quản lý giáo dục như: GS Trần Văn Nhung, TS Nguyễn Vinh Hiển, TS Đặng Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Nguyễn Quang Kính, Trưởng phòng Thi đua Phạm Đức Hạnh; cán bộ quản lý ở các địa phương như: Chủ tịch huyện Phạm Thanh Toàn, Giám đốc Sở GD&ĐT Trương Kim Minh, Trần Xuân Đình, Đặng Văn Hướng, Nguyễn Thị Anh Phương, Nguyễn Thị Lợi, Nguyễn Tất Thắng; Phó Giám đốc Nguyễn Xuân Trường, Chánh Văn phòng Ngô Văn Minh; Hiệu trưởng Phạm Tiến, Hiệu phó Nguyễn Thị Nhị… cùng rất nhiều chuyên viên và giáo viên đứng lớp nữa, không sao kể hết.

Có cô giáo Bùi Minh Đức ở Trường THCS Phan Chu Trinh (TP Đà Lạt, Lâm Đồng), tôi còn thân thiết với cả gia đình cô, thậm chí “các F1” cũng chơi với nhau. Cho đến giờ, chúng tôi vẫn giữ liên hệ thường xuyên, từ khi có Facebook lại càng thêm gắn bó, gặp nhau hàng ngày trên “phây”, ảo đấy mà là thật không thể thật hơn.

Mỗi lần có dịp ghé các địa phương, chúng tôi lại hẹn hò, gặp lại nhau để cùng nhớ về một thuở đã xa nhưng luôn gần gụi. Khi tôi đang viết những dòng này, có “chat” với cô giáo Minh Đức, cô bảo: “Hôm nào chị phải vào tận nơi để tổ chức một cuộc gặp gỡ với “những người tình” ở xứ ngàn hoa nhé”. Một lời mời gọi mới dễ thương làm sao!

Ngay tại Hà Nội, chúng tôi vẫn giữ một nhóm gọi là “C14 Lục Thủy”, gồm các cán bộ thi đua, tổng hợp, truyền thông (kiềng ba chân) của Bộ GD&ĐT và 1 hiệu phó trường chuyên Nguyễn Trãi về hưu ở Hà Nội, do “anh cả” Phạm Đức Hạnh làm nhóm trưởng, xa là nhớ, gần nhau là cười.

nhung-nguoi-tinh-mot-thuo-van-luon-gan-gui-2.jpg
Ba nhà báo cùng đoàn cựu cán bộ quản lý giáo dục thăm gia đình nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định Nguyễn Xuân Sắc.

Anh Hạnh còn mời tôi và hai nhà báo Kim Dung, Hải Yến tham gia nhóm các cán bộ quản lý giáo dục về hưu ở Hà Nội. Một lần các anh tổ chức về Nam Định thăm đồng nghiệp cũ, còn mời 3 “nhà hổ” (cách mà anh Chánh Thanh tra Lê Quán Tần vẫn gọi chị em chúng tôi) đi cùng.

Tình “ngoài” đã vậy, tình “trong” càng không kém nồng nàn, kéo qua nhiều thế hệ một thời đã xa ấy. Đó là Câu lạc bộ hưu trí Giáo dục và Thời đại của chúng tôi. Chúng tôi là một gia đình, không phân biệt từng là lãnh đạo hay chỉ là nhân viên.

Hiện tại CLB hưu của chúng tôi có 2 Tổng biên tập (từng có 6, “về cội” 4 rồi), 2 nguyên Phó Tổng biên tập và 22 cụ nữa. Cụ lớn tuổi nhất là Đỗ Thị Từ đã 87 tuổi, “cụ non” nhất là Chủ nhiệm CLB Đinh Công Thắng. Còn có thêm 2 chị: Đặng Thị Ất và Nguyễn Thu Vân, là phu nhân của nguyên hai Tổng biên tập của chúng tôi đã qua đời, cũng tham gia CLB.

Chúng tôi lập nhóm Zalo để “tám” online, mỗi năm vài lần offline nữa, mỗi lần gặp nhau là “bung lụa” tưng bừng. Lãnh đạo đương nhiệm của Báo coi chúng tôi là “tiền bối”, luôn quan tâm cả vật chất và tinh thần, làm cho “mối tình” của chúng tôi với nhau, với ngôi nhà Giáo dục và Thời đại càng thêm tha thiết, gần gụi, yêu thương.

Năm nay, ngôi nhà ấy đã 65 tuổi, giống như chúng tôi, U70 cả rồi. Nhưng “gừng già gừng cay, người già tình say”. Riêng với tôi, những “người tình” một thời đã xa ấy vẫn luôn yêu thương, gần gụi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ