Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan là một trong những lãnh đạo thế giới chúc mừng ông Donald Trump thắng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024.
Trong một bài đăng trên nền tảng xã hội X, ông Erdogan nói rằng, ông Trump là "một người bạn" và sẽ thúc đẩy quan hệ Mỹ - Thổ tăng cường mạnh mẽ trong nhiệm kỳ mới.
Đáng chú ý, ông Erdogan cũng hy vọng rằng, ông Trump sẽ nỗ lực để chấm dứt xung đột Ukraine và cho rằng, đảng Cộng hòa của Mỹ sẽ nỗ lực vì một thế giới công bằng hơn.
“Tôi hy vọng rằng các cuộc khủng hoảng và chiến tranh khu vực và toàn cầu, đặc biệt là vấn đề Palestine và chiến tranh Nga-Ukraine, sẽ chấm dứt; tôi tin rằng nhiều nỗ lực hơn sẽ được thực hiện vì một thế giới công bằng hơn”, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ viết.
Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng vai trò làm trung gian hòa giải trong xung đột Ukraine khi là một thành viên NATO.
Các cuộc đàm phán hòa bình đã được tổ chức tại Istanbul vào tháng 3 năm 2022 với mục đích chấm dứt xung đột, đỉnh điểm là một dự thảo hiệp ước.
Nếu được thực hiện, Ukraine sẽ đồng ý trở thành một quốc gia trung lập với một đội quân hạn chế để đổi lấy các đảm bảo an ninh quốc tế.
Ngay sau khi văn bản được ký kết, Kiev đã bất ngờ thay đổi quan điểm và tuyên bố chiến thắng quân sự trước Moscow là lựa chọn duy nhất của mình trong cuộc xung đột.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho rằng, phương Tây đã chặn thỏa thuận này với mục đích gây ra thất bại chiến lược cho Nga.
Trong bài phát biểu ăn mừng hôm thứ Tư, ông Donald Trump tuyên bố rằng ông "sẽ không bắt đầu một cuộc chiến tranh" mà sẽ "chấm dứt chiến tranh".
Trong chiến dịch tranh cử của mình, ứng cử viên đảng Cộng hòa tuyên bố rằng tình hình thù địch giữa Ukraine và Nga sẽ không leo thang vào tháng 2 năm 2022 nếu ông còn tại nhiệm vào thời điểm đó. Ông tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột trong vòng 24 giờ nếu được bầu lại.
Về phần mình, phía Nga không vội vàng tin tưởng kế hoạch giải quyết xung đột ngắn gọn của ông Trump.
Người phát ngôn Dmitry Peskov đưa ra phản ứng hờ hững về kết quả bầu cử Mỹ. Ông cho biết, mối quan hệ giữa Mỹ và Nga đã căng thẳng đến mức không thể tệ hơn được nữa.
"Đừng quên rằng chúng ta đang nói về một quốc gia thù địch đang trực tiếp và gián tiếp tham gia vào cuộc chiến chống lại nhà nước của chúng ta" - ông Peskov nói với các nhà báo, đồng thời khẳng định sẽ chúc mừng Tổng thống Mỹ tương lai khi người đó được xác nhận và chính thức nhậm chức.
Cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev đánh giá rằng, chiến thắng rõ ràng của Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ không thay đổi lập trường thù địch của đất nước này, nhưng sẽ khiến Kiev khó khai thác viện trợ của Mỹ hơn.
Ông Medvedev, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga khẳng định, kết quả bầu cử Mỹ sẽ không thay đổi sự đồng thuận chống Nga của lưỡng đảng tại Mỹ, đặc biệt là ở Đồi Capitol. Tuy nhiên, ông Trump có "một phẩm chất hữu ích" đối với Nga.
“Là một doanh nhân chính hiệu, ông ấy ghét lãng phí tiền cho đủ loại kẻ ăn bám và bám đuôi: cho những đồng minh lập dị, các dự án từ thiện lớn lao sai lầm và các tổ chức quốc tế không bao giờ thỏa mãn”, ông Medvedev nhận định.
Bài viết của ông Medvedev ám chỉ sự phụ thuộc quá lớn của Chính phủ Ukraine vào viện trợ quân sự và tài chính của phương Tây.
"Câu hỏi duy nhất là, ông Trump sẽ PHẢI chi bao nhiêu cho cuộc chiến? Ông ấy bướng bỉnh, nhưng hệ thống đó mạnh hơn" - ông Medvedev bình luận thêm.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump từ năm 2017 đến năm 2021, chính sách đối ngoại của Mỹ đã bị các bên liên quan ở Washington, DC thúc đẩy theo những hướng ngược nhau.
Ông Trump tỏ ra hoài nghi về các cuộc phiêu lưu quân sự tốn kém ở nước ngoài và chỉ trích các đồng minh NATO châu Âu không đạt được mức chi tiêu quốc phòng được khuyến nghị. Nhưng cơ quan an ninh quốc gia và ngoại giao, được gọi là "blob" ở Mỹ đã tìm cách tiếp tục con đường đã kéo dài hàng thập kỷ của mình.