Thành nhà giáo từ nghiệp báo
Nhắc đến cô Nguyễn Kim Anh – giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), nhiều phụ huynh, học sinh không chỉ ấn tượng với vẻ ngoài năng động, nhiệt huyết mà còn trìu mến gọi cô là “nhà báo”. Bác Bởi cô Kim Anh có thâm niên 19 năm công tác tại các tòa soạn báo như: VietnamPlus, Đời sống và Pháp luật...
Khoảng thời gian làm báo, cô có dịp đi nhiều nơi, cảm nhận cuộc sống, vẻ đẹp của con người và cảnh vật. Từ đó, cô đã truyền cho học trò về giá trị của ngôn ngữ đặc biệt là phong cách ngôn ngữ báo chí hàm súc, giàu thông tin. Mỗi tiết học của cô luôn có những nét riêng, tạo sự hứng thú cho học sinh.
Cô Kim Anh tâm sự: “Những kinh nghiệm từ nghề báo giúp bản thân có nhiều lợi thế khi dạy. Theo đó, ngoài kiến thức trong sách giáo khoa, tôi có thể kể cho học trò những câu chuyện sống động khi đi phỏng vấn các tác giả hay người thân của cố tác giả văn học”.
Đồng thời, nhằm giúp học sinh hiểu hơn về tác phẩm, lắng nghe những người kiến tạo nên tác phẩm chia sẻ kinh nghiệm, cô đã dẫn học sinh đến thăm gia đình nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ. Ngoài việc dạy học, chăm chút bài giảng, cô đặc biệt quan tâm đến hướng nghiệp cho học sinh. Để trò có nhìn nhận đúng về nghề nghiệp, trong đó có nghề báo, cô Kim Anh đã mời các phụ huynh là nhà báo hay nhờ đồng nghiệp cũ của mình là lãnh đạo tòa soạn báo đến trò chuyện, giao lưu.
Lấy cảm hứng từ nghề giáo
Là giáo viên dạy Toán, 25 năm qua rất nhiều lứa học sinh được thầy Nguyễn Quang Thi (Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng) bồi đắp, giảng dạy và truyền lửa đam mê. Thầy luôn nói với học sinh của mình, toán học cũng hay và đẹp như chính mỗi con người. Càng khám phá, ta sẽ thấy được những điều kỳ diệu mà bề ngoài khô khan của con số không thể diễn tả được.
Chính từ tình yêu đó, trước mỗi bài toán hay, thầy luôn muốn nghiên cứu, tìm ra cách giải mới để giới thiệu cho học sinh. Thầy Thi tâm sự: “Tôi không giấu những kinh nghiệm mình nghiên cứu, học hỏi được thông qua thực tiễn giảng dạy. Tôi muốn chia sẻ rộng rãi cho nhiều đồng nghiệp, học sinh trong cả nước”.
Cũng từ suy nghĩ đó, thầy Thi bắt đầu tập viết bài báo. Khi đã tích lũy được một ít kinh nghiệm viết lách, thầy quyết định gửi bài viết đến Tạp chí Toán học và Tuổi trẻ. “Lúc đầu, tôi chỉ mong nhận được sự góp ý từ thầy cô, đồng nghiệp, những người nghiên cứu sâu về toán học, rất may mắn bài báo đầu tiên tôi gửi đã được đăng. Lúc cầm tờ báo trên tay, niềm hạnh phúc vỡ òa. Sản phẩm tinh thần đầu tiên của mình gửi báo thành công hơn mong đợi. Số báo ra lần đó, tôi đặt mua tặng đồng nghiệp trong trường và phát cho mỗi lớp 10 cuốn”.
Trong nhiều năm qua, gần 100 bài báo của thầy đã được đăng trên Tạp chí Toán học và Tuổi trẻ, Tạp chí thế giới trong ta, Báo Giáo dục và Thời đại và nhiều ấn phẩm khác... Dẫu thời gian giảng dạy bận rộn nhưng thầy Thi luôn tranh thủ nghiên cứu, tìm tòi để thỏa đam mê viết lách của mình.
Giữ gìn giá trị văn hóa
“Bài báo đầu tiên tôi viết kể về cuộc sống của thầy trò ở một xã biên giới của huyện Hương Khê với mục đích cho mọi người thấy được hành trình mang chữ lên vùng biên khó khăn gian nan vô cùng”, đó là chia sẻ của thầy Lê Hữu Tân, hiện công tác tại Sở GD&ĐT Hà Tĩnh.
Dần dần, những bài báo của thầy Tân tập trung vào câu chuyện vượt khó, thiếu thốn của học sinh vùng núi, bảo tồn văn hóa, ngôn ngữ của đồng bào dân tộc. Thầy Tân chia sẻ: “Bất ngờ nhất là một bài đăng trên báo Hà Tĩnh nói về sự thiếu thốn của học sinh vùng cao đã được nhà hảo tâm biết, sau đó quyết định hỗ trợ cho nhân vật trong bài viết. Nhìn thấy các em vui mừng, bản thân tôi thấy những chia sẻ đó đã tác động đến xã hội”.
Thầy Tân vốn là giáo viên ở huyện miền núi Hương Khê, luôn khát khao gìn giữ nét đẹp văn hóa, tiếng nói của các dân tộc anh em ở huyện. Mỗi cuối tuần, thầy lại tìm đến các bản của đồng bào dân tộc Tày, Mường, Chứt, Lào… để tìm hiểu thêm về ngôn ngữ, văn hóa; đồng thời hiểu thêm cuộc sống của thầy trò vùng sâu, vùng xa.
Chính vì đi nhiều, thầy thấy được những giá trị văn hóa của các dân tộc anh em đang bị mai một. Đặc biệt, chứng kiến tiếng nói của đồng bào dân tộc ở huyện Hương Khê đang dần mất đi càng thôi thúc thầy Tân dùng ngòi bút của mình để ghi nhận thực trạng, tìm lời giải từ chuyên gia.
“Tôi viết với suy nghĩ có thể tác động đến suy nghĩ, nhận thức của bà con, trong đó có thế hệ trẻ về trách nhiệm với những giá trị văn hóa”, thầy Tân kể; đồng thời mong muốn được các nhà nghiên cứu, chuyên gia đầu ngành và các cấp chính quyền cùng vào cuộc để khôi phục, giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào.