Những người thầy thay đổi cuộc đời người nổi tiếng

GD&TĐ - Nhiều người nổi tiếng là đứa trẻ tự ti, nhút nhát nhưng các giáo viên đã truyền động lực để họ vượt ra khỏi giới hạn của bản thân.

Oprah Winfrey (phải) gặp lại cô giáo Duncan trên sóng truyền hình.
Oprah Winfrey (phải) gặp lại cô giáo Duncan trên sóng truyền hình.

Từ tỷ phú Bill Gates, “bà hoàng truyền hình Mỹ” Oprah Winfrey đều từng là đứa trẻ tự ti, nhút nhát nhưng các giáo viên đã truyền động lực để họ vượt ra khỏi giới hạn của bản thân.

Phát huy thói quen đọc

Lần đầu Bill Gates gặp cô Blanche Caffiere, khi đó bà đang là thủ thư tại Trường Tiểu học View Ridge, thành phố Seattle, còn ông là một học sinh lớp 4 nhút nhát. Vốn say mê đọc sách, Bill Gates rất thích vùi đầu hàng giờ trong thư viện trường nhưng không muốn gây chú ý. Bởi lẽ, thời điểm ấy các cậu bé thích nô đùa ngoài sân trường hơn và việc đọc sách bị gán là “yếu đuối”.

Oprah nói về nữ giáo viên đã hướng dẫn cô và giúp cô nhận ra tiềm năng của mình: Tôi luôn cảm thấy nhờ cô, mình có thể chinh phục thế giới. Cô đã làm chính xác những gì giáo viên phải làm, đó là truyền lửa học tập để học sinh có thể nuôi dưỡng và phát huy nó.

Ngoài ra, Bill Gates mắc chứng khó viết nên cuốn sổ tay ghi chép lại những kiến thức trong sách của ông trông rất xấu xí, nguệch ngoạc. Mỗi lần vào thư viện, Bill Gates lại lấy những chồng sách thật cao để che đi dáng vẻ say sưa ham đọc của mình.

Tuy nhiên, cô Caffiere đã kéo Bill Gates ra khỏi vỏ bọc của mình bằng cách chia sẻ tình yêu dành cho sách. Cô bắt đầu với những câu hỏi như: “Con thích đọc gì?”, “Con quan tâm đến điều gì?”. Sau đó, cô tìm cho ông rất nhiều sách, trong đó hầu hết là những cuốn sách phức tạp về cả nội dung lẫn cách kể chuyện.

Đơn cử, một lần nọ, cô Caffiere giới thiệu cho Bill Gates một cuốn tiểu sử hấp dẫn. Sau khi ông đọc xong, hai người dành thời gian thảo luận về nội dung cuốn sách. “Con có thích cuốn sách này không? Tại sao? Con học được gì từ cuốn sách?”, cô đặt vấn đề. Nữ thủ thư luôn lắng nghe một cách nghiêm túc những điều Bill Gates nói. Thông qua những cuộc trò chuyện về sách trong thư viện và trong lớp học, cả hai đã trở thành những người “bạn tốt”.

Cô thủ thư Blanche Caffiere đã giúp Bill Gates tìm ra điểm mạnh của mình và ủng hộ niềm say mê đọc sách của ông, từ đó định hình cuộc sống của một đứa trẻ và tiếp thêm động lực khám phá những cuốn sách ý nghĩa.

Bên cạnh đó, Bill Gates vẫn có thể nhớ tên hầu hết mọi giáo viên cũ của ông. Hồi trung học, Bill Gates học khá tốt Hóa phân tích nhưng ông không thích thực hành, nhất là các hoạt động trong phòng Lab với ống nghiệm. Nhưng thầy giáo dạy Hóa, Daniel Morris, luôn động viên cậu học trò cố gắng vượt qua.

Thầy Daniel thường đưa Bill Gates vào phòng thí nghiệm và bắt đầu từ những bài tập thực hành nhỏ nhất. Thầy cũng luôn động viên học trò rằng: “Hãy cố gắng vượt qua nó”. Nhờ sự tận tâm và tin tưởng của thầy Daniel, Bill Gates hiểu hơn và thêm yêu môn Hóa học.

Trong suốt hành trình phát triển và đạt được nhiều thành tựu lớn, Bill Gates vẫn luôn dành sự trân trọng, biết ơn cho các thầy, cô giáo cũ. Không chỉ tri ân những người thầy đã giúp mình đặt nền móng cho sự thành công, tỷ phú Bill Gates còn sáng lập Quỹ Bill & Melinda Gates để tài trợ cho các sáng kiến mới trong lĩnh vực giáo dục cộng đồng.

Theo tỷ phú Bill Gates, khoản tài trợ được sử dụng cho việc xây dựng và phát triển các chương trình học mới, tạo dựng mạng lưới các trường học hợp tác để cùng nhau giải quyết vấn đề của địa phương, khai thác dữ liệu lớn để thúc đẩy những tiến bộ không ngừng trong giáo dục.

Giúp học trò chinh phục thế giới

Vào năm lớp 4, Oprah Winfrey đã gặp cô giáo Duncan, người đã thay đổi cuộc đời bà mãi mãi về sau. Cô Duncan là “người khiến tôi cảm thấy mình quan trọng”, Oprah Winfrey nói.

Tuổi thơ gắn liền với đói nghèo, bấp bênh nên trước đám đông, Oprah luôn thu mình lại và cố gắng trở nên “vô hình”. “Tôi lớn lên trong một môi trường mà trẻ em tồn tại nhưng không được lắng nghe”, Oprah tâm sự.

Thế nhưng, Oprah rất sáng dạ và ham học. Khi mới lên 5, cô đã viết một bức thư cho giáo viên, ngỏ ý muốn được chuyển lên lớp Một thay vì học mẫu giáo lớn. Giáo viên đã chấp thuận vì thấy được sự thông minh của cô học trò da màu. Sau khi học xong lớp Một, Oprah được chuyển thẳng lên lớp Ba.

Bước ngoặt đến với bà vào năm lớp Bốn, khi gặp giáo viên chủ nhiệm mới là cô Duncan. Trên lớp, cô Duncan khuyến khích Oprah đọc sách. Cô giáo thường xuyên ở lại sau giờ học với Oprah để giúp học trò làm bài tập, chọn những cuốn sách mới, thậm chí để cô chấm bài tập. Cô Duncan cũng luôn dành lời động viên, khích lệ Oprah cố gắng học hành, vượt lên trên những khó khăn hiện hữu và làm chủ số phận.

Sự chăm sóc, quan tâm của cô Duncan không chỉ giúp cô bé sáng dạ Oprah tiến bộ trong học tập, mà còn khích lệ lòng dũng cảm, sự tự tin. Dù cuộc sống của Oprah sau khi rời xa cô Duncan vẫn chất chứa cơ cực, đau khổ, bà đã cho thấy nghị lực sống và sự nỗ lực không ngừng nghỉ để trở thành một người thành công. Cô Duncan đã nhìn thấy phần tốt đẹp trong con người Oprah, điều mà bản thân bà không nhận ra.

Bằng tất cả nỗ lực, Oprah đã thành công với nhiều danh hiệu như nữ hoàng truyền hình, người Mỹ gốc Phi giàu nhất thế kỷ 20, tỷ phú da màu đầu tiên của Bắc Mỹ. Năm 2017, bà được đánh giá là người phụ nữ có ảnh hưởng nhất trên thế giới.

Truyền cảm hứng học tập

nhung-nguoi-thay-thay-doi-cuoc-doi-nguoi-noi-tieng-3.jpg
Cha đẻ của Apple, Steve Jobs.

“Nếu không nhờ những giáo viên như cô Hill, tôi đã ngồi tù rồi”, là tâm sự của Steve Jobs, cha đẻ của Apple, khi nhắc đến người thầy. Theo sách Tiểu sử Steve Jobs của Walter Isaacson, trước năm học lớp 4, Steve Jobs không thích đi học.

Dù mẹ ông đã phối hợp với giáo viên dạy con tại nhà nhưng cậu bé chểnh mảng, tìm cách để không phải học tập. Ở trên trường, Steve Jobs thường xuyên gây rắc rối, thậm chí đã bị giáo viên đuổi về nhà vài lần trong ba năm đầu tiểu học.

Lên lớp 4, Steve Jobs được xếp vào lớp dành cho học sinh ngỗ nghịch do cô giáo Imogene Hill, thường gọi là Teddy, chủ nhiệm. Cuộc đời ông thay đổi từ đây khi cô Teddy đã tìm ra cách khơi gợi cảm hứng học tập của trò.

Một ngày nọ, cô đưa cho Steve Jobs một cuốn sách toán và treo thưởng, nếu ông làm hết các bài tập sẽ được tặng quà. Từ một cậu bé ham chơi không thích học hành, chỉ sau hai ngày, Steve Jobs đã làm xong cuốn sách. Đổi lại, ông được cô Teddy tặng cho bộ dụng cụ làm máy ảnh handmade.

Chẳng bao lâu sau, Steve Jobs không cần những món quà. Ông vô cùng thích thú với môi trường học tập được cô Teddy tạo dựng nên. Đó là những bài tập tăng dần độ khó với những món quà nhỏ giúp kích thích sự say mê, sáng tạo và khả năng tư duy của một đứa trẻ vốn không thích bị gò bó.

Đến cuối năm lớp 4, trình độ học tập của Steve Jobs đã tương đương với học sinh lớp 7. Lúc này, không giáo viên nào hay bố mẹ còn nghĩ cậu bé là đứa trẻ nghịch ngợm không thể uốn nắn. Steve Jobs được trường cho phép học vượt và ông ngày càng thể hiện được trí thông minh, sức sáng tạo của mình.

Bồi dưỡng năng khiếu

nhung-nguoi-thay-thay-doi-cuoc-doi-nguoi-noi-tieng-4.jpg
John Legend có niềm đam mê sáng tác nhạc.

Ca sĩ John Legend, 43 tuổi, là một trong số ít từng giành được bộ tứ giải thưởng danh giá nhất trong lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh gồm Emmy, Grammy, Oscar và Tony (gọi tắt là EGOT). John Legend là nghệ sĩ da đen đầu tiên đạt thành tích này.

Con đường đến với thành công như ngày nay của John Legend đã trải qua nhiều khó khăn, gian truân. Ca sĩ này xuất thân trong một gia đình công nhân tại bang Ohio, Mỹ, nơi mà việc học tập không được coi trọng. Hầu hết bạn bè anh đều bỏ học từ sớm để đi làm công nhân hoặc rơi vào con đường tội phạm ma túy.

John Legend kể: “Tôi vẫn nhớ ngày tốt nghiệp phổ thông, khi tôi đứng trên bục nhận bằng tốt nghiệp và nhìn xuống đám đông, chưa đến một nửa bạn bè của tôi còn đi học. Những người khác đã bỏ học từ rất lâu trước đó”.

Khoảnh khắc đó, John nhận ra nếu không có những giáo viên nhận thấy tiềm năng và đốc thúc anh học tập, John sẽ mãi không tìm thấy niềm say mê khám phá tri thức và tự tin theo đuổi ước mơ của mình. Câu chuyện bắt đầu với cô giáo Tiếng Anh Bodey.

Trước khi học cô Bodey, John luôn nghĩ bản thân không có năng khiếu viết lách và chữ anh cũng rất xấu. Nhưng cô Bodey đã nhận ra tiềm năng của John và giúp anh thấy được John có thể “viết một cách sáng tạo, rõ ràng và đầy đam mê”.

Ngoài bài tập trên lớp, cô Bodey thường giao thêm những bài viết văn nhỏ và sửa bài rất chi tiết cho John. Cô cũng giới thiệu cho học trò những đầu sách hay giúp trau dồi vốn từ và tăng khả năng viết lách. Cho đến ngày tốt nghiệp, cô cũng động viên, khích lệ John chuẩn bị bài diễn văn và tự tin phát biểu trong buổi lễ.

Cuối cùng, John đã giành học bổng vào Đại học Pennsylvania, điều mà những thanh thiếu niên lớn lên ở thị trấn anh khó lòng thực hiện. Anh tiếp tục mài giũa và phát triển khả năng sáng tác bài hát và biểu diễn.

Sau khi thành công, John đã trích một phần tài sản để xây dựng dự án LRNG Innovators hỗ trợ giáo viên để họ giúp học sinh phát triển năng lực cá nhân. “Tôi có thể khẳng định thành công của tôi phần lớn nhờ vào các thầy cô đã tin tưởng vào tôi và khuyến khích niềm đam mê viết lách của tôi”, John nhấn mạnh.

nhung-nguoi-thay-thay-doi-cuoc-doi-nguoi-noi-tieng-1.jpg
Tỷ phú người Mỹ Bill Gates.

Bill Gates chia sẻ: Giáo viên thường không yêu cầu học sinh đọc thêm ngoài bài tập về nhà mà họ đã giao vì sợ ảnh hưởng đến học sinh. Nhưng tôi đã học được từ cô Caffiere rằng giáo viên có nhiều kiến thức để chia sẻ và học sinh chỉ cần hỏi. Suốt quãng thời gian phổ thông và sau đó, tôi thường hỏi giáo viên về những cuốn sách họ thích và đọc những cuốn sách đó khi tôi có thời gian rảnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ