Công trình của Williamina Fleming tại Đài quan sát Đại học Harvard đã đặt nền móng cho các hệ thống phân loại sao và dẫn đến việc khám phá ra nhiều thiên thể. Đặc biệt, sự quyết tâm và tài năng của bà, từ người hầu gái trở thành nhà thiên văn nổi tiếng, đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ phụ nữ trong lĩnh vực khoa học.
Bước ngoặt bất ngờ
Williamina Paton Stevens Fleming sinh ngày 15/5/1857 tại Dundee, Scotland trong một gia đình có 6 người con. Mẹ bà, Mary Walker làm công việc nội trợ, trong khi người cha, Robert Stevens, là thợ chạm khắc và dát vàng.
Là một cô gái thông minh, lúc mới 14 tuổi, Fleming đã làm giáo viên thực tập tại một trường học địa phương. Ở tuổi 20, bà đã phạm phải một trong những sai lầm lớn nhất trong đời là kết hôn với James Orr Fleming, một kế toán góa vợ.
Với người này, bà có một người con trai, Edward P. Fleming. Một năm sau khi kết hôn, cặp đôi rời khỏi Scotland, chuyển đến Hoa Kỳ định cư tại Boston, Massachusetts. Không đầy một năm sau, James đã bỏ rơi vợ và con, để lại Fleming lúc này mới 21 tuổi phải tự nuôi sống bản thân cùng đứa con trai nhỏ.
Đầu tiên, Fleming giúp việc trong nhà của Edward Charles Pickering - Giám đốc Đài quan sát Đại học Harvard (HCO). Vợ của Pickering nhanh chóng nhận ra có điều gì đó đặc biệt ở người hầu gái trẻ này nên gợi ý chồng mình tìm cho Fleming một công việc phù hợp hơn. Pickering đã giúp bà làm việc bán thời gian tại đài quan sát của ông. Đó là vào năm 1879.
Đây không phải là công việc hấp dẫn, nhưng Fleming đã làm việc hết mình và trí thông minh của bà đã tỏa sáng. Năm 1881, Pickering đề nghị người hầu gái cũ tham gia HCO với tư cách chính thức. Ông dạy bà cách phân tích quang phổ sao và đề nghị bà gia nhập Harvard Computers mới thành lập của ông.
Đây là một nhóm toàn nữ chuyên tính toán, thực hiện các phương trình phức tạp, trước khi máy tính điện tử ra đời. Họ được giao nhiệm vụ thực hiện những phép toán khó và biên tập các ấn phẩm của đài quan sát. Lúc này, Fleming chính thức được đặt chân vào cánh cửa khoa học.
Đường vào khoa học
Cơ may tiếp theo của Fleming đến vào năm 1886, khi góa phụ giàu có của nhà thiên văn học Henry Draper, Mary Anna Draper, thành lập Quỹ tưởng niệm Henry Draper và tài trợ cho các nghiên cứu của HCO. Sự kiện này dẫn đến việc Pickering khởi động Henry Draper Catalog, một dự án đầy tham vọng nhằm thu thập quang phổ của càng nhiều ngôi sao càng tốt và sau đó lập chỉ mục và phân loại chúng.
Với sự siêng năng và con mắt tinh tường, bà hoàn thành xuất sắc vai trò này, được giao phụ trách toàn bộ dự án và trở thành người giám sát nhóm trợ lý nữ của đài quan sát, thường được gọi là “Hậu cung của Pickering”. Dưới sự lãnh đạo của bà, nhóm đã có những bước tiến đáng kể trong việc phân loại các ngôi sao, xác định các ngôi sao biến quang và tinh vân.
Khi danh mục đầu tiên được phát hành vào năm 1890, nó bao gồm 10.000 ngôi sao đã được nhóm của Fleming lập danh mục. Hầu hết đều do bà lập. 8 năm sau, bà được bổ nhiệm làm Quản lý Ảnh thiên văn, một vị trí chưa từng có phụ nữ nào nắm giữ trước đây. Fleming đã có nhiều khám phá quan trọng. Ngoài danh mục hơn 10.000 ngôi sao, bà cũng đã phát hiện ra tổng cộng 59 tinh vân khí, hơn 310 ngôi sao biến quang và 10 sao mới.
Tuy nhiên, khám phá nổi tiếng nhất của bà xuất hiện vào năm 1888, khi bà xác định được Tinh vân Đầu Ngựa (Horsehead Nebula) trong chòm sao Orion trên một tấm ảnh trắc lượng kính thiên văn do anh trai của Pickering thực hiện.
Nhưng thật đáng buồn, tên của Fleming đã bị loại khỏi danh mục Draper Index Catalog đầu tiên và Pickering đã nhận được tất cả công lao về mình. Tuy nhiên, vào thời điểm danh mục thứ hai được phát hành vào năm 1908, Fleming và nhóm của bà đã đủ nổi tiếng để được ghi danh.
Fleming cũng được ghi nhận là người phát hiện ra ngôi sao lùn trắng đầu tiên, 40 Eridani B, vào năm 1910. Phát hiện này mang tính đột phá, vì sao Lùn trắng là giai đoạn quan trọng trong vòng đời của các ngôi sao và cung cấp những hiểu biết có giá trị về quá trình tiến hóa của chúng.
Từ khởi đầu khiêm tốn với tư cách là một người giúp việc nhà cho đến công việc quan trọng với tư cách là một nhà thiên văn học, Fleming đã vượt qua những trở ngại về mặt xã hội và cá nhân để có những đóng góp lâu dài cho lĩnh vực thiên văn học.
Công trình của bà trong phân loại sao, khám phá ra các thiên thể và vai trò lãnh đạo tại Đài quan sát ĐH Harvard đã thúc đẩy đáng kể sự hiểu biết của chúng ta về vũ trụ.
Williamina Fleming trở thành công dân Hoa Kỳ vào năm 1907 và tiếp tục nghiên cứu thiên văn cho đến khi qua đời vì bệnh viêm phổi vào ngày 21/5/1911. Trong suốt sự nghiệp của mình, bà đã nhận được nhiều danh vị từ các hiệp hội thiên văn học của Mỹ, Anh, Pháp… Trong một thế giới còn nặng về trọng nam khinh nữ, Williamina Fleming đã vượt qua không ít trở ngại và đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực khoa học. Bà không chỉ là tấm gương sáng cho các nhà nghiên cứu mà còn cho cả cộng đồng khoa học.