Những người thầy sau ngày giải phóng Thủ đô

Những người thầy sau ngày giải phóng Thủ đô

(GD&TĐ) - (Sau hơn hai tháng Thủ đô được giải phóng (10/10/1954), các trường học làng Yên Thái (thuộc phường Bưởi, Tây Hồ, Hà Nội ngày nay) được mở trở lại với tên Trường Yên Thái. Trường có từ lớp năm đến lớp nhất (tương đương với cấp Tiểu học).

1. Một ngày đầu đông năm 1954, cha tôi đưa tôi đến văn phòng trường Yên Thái gặp thầy hiệu trưởng Trịnh Ngọc Thâm để xin học lớp nhì của trường. Tôi nhớ rất rõ hình ảnh thầy Trịnh Ngọc Thâm. Thầy có bộ râu quai nón nhưng cạo nhẵn, chỉ để lại vết đen trên má và cằm, dáng người tầm thước. Thầy mặc bộ com lê màu nâu đã ngả màu vì thời gian, nét mặt thầy nghiêm nghị.

Thầy Thâm mời cha tôi ngồi xuống ghế và chỉ tôi đứng cạnh cha tôi. Cha tôi đưa gửi thầy lá đơn xin cho tôi học lớp nhì. Thầy Thâm nhận tờ đơn và đeo cặp kính trắng đọc. Lát sau thầy ngửng lên nhìn tôi trìu mến và bảo tôi khoanh tay trước ngực để thầy hỏi một số câu. Tôi ngoan ngoãn làm theo.

LTS: Tác giả Vũ Xuân Vinh là một nhà văn, nhà giáo có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Từ năm 1961 đến năm 1970, ông trực tiếp đến lớp giảng dạy. Từ năm 1970 đến nay, ông làm công tác quản lý rồi làm công tác xuất bản sách giáo dục. Đến nay, đã 73 tuổi nhưng ông vẫn làm việc ở cương vị trợ lý Tổng Giám đốc NXB Giáo dục.

Tác giả Vũ Xuân Vinh đã viết hơn hai chục cuốn sách ở các mảng đề tài Giáo dục, Lịch sử, Tâm lý... GD&TĐ xin giới thiệu “Ký ức thời đi học” của ông với ấn tượng sâu đậm về những người thầy hết lòng vì học trò.

 - Con biết làm tính đố chưa?

- Dạ, con biết làm rồi ạ!

- Con biết làm đủ bốn phép tính?

- Dạ vâng ạ!

Rồi đột nhiên thầy hỏi:

- Ai đuổi giặc Nam Hán khi sang xâm lược nước ta?

Nghĩ một lúc tôi ngập ngừng thưa:

- Thưa thầy hai bà Trưng Trắc, Trưng Nhị ạ!

Thầy lại hỏi:

- Thế ai đánh đuổi quân Nguyên – Mông?

Tôi ngập ngừng không trả lời được.

Thầy Thâm quay sang phía cha rồi hỏi:

- Trước đây cháu học ở đâu?

Cha tôi thưa:

- Gia đình tôi tản cư vào Thanh Hóa, vùng chợ Nấp, Rừng Thông. Cháu theo học một lớp học tư của một thầy giáo người Hà Nội cũng tản cư về vùng này và mở lớp học. Cháu học từ lớp ba và nửa năm lớp nhì. Nay tôi xin trường nhận cho cháu học lại lớp nhì ạ!

Thầy Thâm vui vẻ cầm lá đơn xin học của tôi và nói:

- Ông và con cứ về, chúng tôi sẽ sắp xếp lớp.

Thầy đứng lên xoa đầu tôi và nói:

- Ba ngày nữa con đến trường xem danh sách để vào lớp.

Ba ngày sau, tôi đến trường. Nhiều học sinh cũng tấp nập đến xem danh sách xếp lớp. Có nhiều học sinh lớn tuổi hơn tôi cao to như thanh niên. Ngày ấy học sinh đi học chưa quy định độ tuổi. Có nhiều người bỏ học vì phải tản cư, nay hòa bình lập lại mới cắp sách đến trường mặc dù tuổi đã lớn. Sân đình Yên Thái tưng bừng học sinh đến nhận lớp chuẩn bị năm học mới - năm học đầu tiên sau ngày giải phóng Thủ đô.

Những người thầy sau ngày giải phóng Thủ đô ảnh 1
Học sinh thời chiến

2. Tôi được phân vào lớp thầy Đô học tại ngôi đền thờ ông Dầu, bà Dầu - nơi ngày xưa là con sông Thiên Phù. Ông Dầu, bà Dầu đã nhảy xuống dòng sông này để cứu vua Lý khỏi bệnh đau mắt và ông bà đã hiển thánh trở thành phúc thần của làng Yên Thái.

Thầy Đô cao to, thầy mặc bộ đồ âu phục, đeo kính trắng gọng vàng trông như người Âu. Bọn học trò ai cũng phải sợ. Lớp tôi học buổi chiều. Hôm ấy trời nắng nóng, lớp học của tôi hướng Tây nên ánh nắng rọi chiếu vào lớp học càng thêm nóng bức. Thầy Đô đi xuống từng bàn thân mật hỏi học trò: “Nắng, nóng quá phải không các con?". Thầy nhìn học trò vẻ ái ngại.

Buổi học hôm sau, thầy Đô đến lớp sớm. Thầy mang một phông vải màu xanh dài rồi tự thầy đi đóng đinh căng che cho lớp học khỏi bị ánh nắng hắt vào. Từ buổi học ấy, bọn học trò chúng tôi thấy gần thầy hơn. Cả năm học lớp nhì của thầy, chúng tôi nhận được ở thầy sự chăm sóc, dạy dỗ tận tình. Tôi là một học trò kém môn Toán. Thầy chú ý tới tôi cũng như một số bạn học kém khác hơn bằng cách gọi lên bảng thường xuyên.

Lớp có bảng danh dự được thầy trang trí rất trịnh trọng và treo lên tường của lớp học gần bảng đen. Mỗi tháng bảng danh dự tuyên dương đều đặn tên những học sinh có tổng điểm cao với thứ bậc nhất, nhì, ba. Có tháng tôi cũng được nêu tên trên bảng danh dự. Hình thức động viên học sinh chăm, học giỏi này có tác dụng rất tốt đối với mỗi học sinh chúng tôi. Bạn nào cũng ganh đua học thật chăm đạt nhiều điểm 9, điểm 10, để được nêu tên trên bảng danh dự. Ngược lại, bạn nào học bị nhiều điểm kém hoặc vi phạm kỉ luật đều bị thầy phạt bằng hình thức đứng trước bảng úp mặt vào tường.

Cuối năm học, tôi được lên lớp và đứng thứ nhất được nhận phần thưởng của trường. Tôi nhớ cả lớp tôi chỉ có ba bạn phải ở lại lớp - bị đúp. Ba “bạn” ấy ngày nay đều là những ông cụ tóc bạc phơ. Mỗi khi họp đồng môn những học sinh cũ của trường Yên Thái, chúng tôi đều ôm nhau xúc động nhắc lại những kỉ niệm xưa khi học lớp nhì thầy Đô. Cả ba bạn tâm sự: “Thầy Đô nghiêm khắc nhưng rất thương học trò, bọn mình “bị đúp” là do bọn mình lười, mải chơi và cũng có phần “dốt” nữa. Mình vẫn nhớ và biết ơn thầy - những người thầy đầu tiên dạy mình làm người”.

Ngày chia tay thầy trò lớp nhì, trước khi nghỉ hè thầy Đô tổ chức cho chúng tôi cắm trại ở Gò Đống Đa - nơi ghi chiến công phá tan 20 vạn quân xâm lược nhà Thanh của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ ngày 5 Tết Kỷ Dậu (1789). Lần đầu tiên tôi được đến Gò Đống Đa. Ngồi trong lều trại, thầy Đô giảng giải về vua Quang Trung, về trận đánh Ngọc Hồi - Đống Đa. Thầy nói: “Xác của giặc Thanh chất đống xếp thành nhiều gò. Đống Đa là một gò”. Chúng tôi chăm chú nghe thầy nói. Buổi cắm trại như một giờ học lịch sử thật nhẹ nhàng và bổ ích.

Tôi nghĩ tới việc học hôm nay. Vì sao nhiều học sinh không thích học môn Lịch sử? Ngày ấy, học sinh chúng tôi mới học ở cấp Tiểu học đã rất thích học môn Lịch sử (ngày đó gọi là môn Sử ký). Trong ý nghĩ của chúng tôi và của các thầy hồi đó, không bao giờ cho rằng môn Toán, môn Văn mới là quan trọng, mà môn nào cũng như môn nào, môn nào cũng cần học như nhau. Ngay cả môn Vẽ, môn Thủ công chúng tôi cũng thích học.

Trường làng, nơi đã cung cấp cho tôi những tri thức sơ giản đầu đời, nơi đã chắp cánh cho những ước mơ tuổi thơ tôi. Trường chỉ là những lớp học ở đình, ở đền, ở chùa, nhưng sao vẫn thấy gắn bó thân thương không bao giờ tôi có thể quên.

Vũ Xuân Vinh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ